Ảnh minh họa |
Đó là cuộc giải cứu lớn nhất với một quốc gia EU kể từ khi đồng ơrô trở thành đồng tiền chung châu Âu (1-1-1999). Ngay sau khi tin các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhất trí dốc túi 30 tỷ ơrô (khoảng 40,9 tỷ USD) để cứu Hy Lạp thoát khỏi cơn khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách, thị trường tài chính Lục địa già đã có phản ứng tích cực.
Bất chấp gói cứu trợ trị giá 30 tỷ ơrô, người dân Hy Lạp tiếp tục biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ.
Các thị trường chứng khoán trên thế giới 48 giờ qua đồng loạt tăng điểm. Đồng ơrô tăng giá 1,5% lên mức 1,36 USD/ơrô sau khi thị trường mở cửa. Như vậy, kế hoạch giải cứu "xứ sở các vị thần" đã thành công bước đầu trong việc khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư vào Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, giới nghiên cứu kinh tế cho rằng, gói giải cứu chỉ có thể ngăn chặn khả năng phá sản của Aten chừng một năm và không đủ để giúp nền kinh tế này tăng trưởng... Sau đó, nguy cơ vỡ nợ có thể trở lại mạnh hơn và đồng ơrô sẽ hứng chịu ảnh hưởng khôn lường.
Theo kế hoạch vừa được các nhà lãnh đạo Eurozone đồng thuận, Hy Lạp sẽ được vay 40,9 tỷ USD với lãi suất 5%/năm. Phần đóng góp của mỗi quốc gia trong nhóm sử dụng đồng ơrô phụ thuộc vào tỷ lệ đóng góp của mỗi nước vào kho dự trữ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Tỷ lệ này chủ yếu dựa trên quy mô nền kinh tế của mỗi quốc gia. Là nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, Đức là nước đóng góp nhiều nhất vào kế hoạch này, với số tiền có thể lên tới hơn 6 tỷ ơrô, tương đương trên 7 tỷ USD.
Ngoài ra, Aten có thể hy vọng được vay thêm 20 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với mức lãi suất thậm chí còn thấp hơn 5%/năm. Để được nhận gói cứu trợ tập thể khổng lồ và ồ ạt này, Hy Lạp sẽ phải tuân thủ những đòi hỏi ngặt nghèo của EU trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách. Vì vậy, hiện Hy Lạp vẫn nỗ lực với những biện pháp để "vượt lên chính mình".
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, với quyết định "giải cứu" của các bộ trưởng tài chính Eurozone, một mạng lưới an toàn khổng lồ đã được hình thành và tính thống nhất trong châu Âu một lần nữa đã phát huy tác dụng. Hành động từ Eurozone đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng không nước nào và không thể trì hoãn lâu hơn nữa với số phận của đồng tiền chung ơrô cũng như số phận của cả Eurozone.
Ngay từ đầu năm 2010, không ít ý kiến từ châu Âu đã cho rằng, khả năng Hy Lạp tự thoát khỏi "gọng kìm" khủng hoảng - nợ công (khoảng 120% thu nhập quốc gia) và thâm hụt ngân sách (hơn 12%) - mà không cần tới sự hỗ trợ của EU là rất nhỏ. Thế nhưng, cho dù được EU cứu, Hy Lạp vẫn tiếp tục phải chống chọi với vô vàn thách thức. Ngoài "núi" nợ công, quốc gia bên bờ Địa Trung Hải này còn gánh khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp cao ngất. Sự phản đối quyết liệt của dân chúng do kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Aten đang khiến biện pháp này khó được thực thi.
Bài toán khó hiện nay là Hy Lạp một mặt buộc phải khiến nền kinh tế tăng trưởng trở lại; đồng thời giảm cho được thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, kinh tế Hy Lạp, sau khi "tăng trưởng" âm 2% năm 2009, đang chịu nhiều rủi ro từ những biện pháp thắt chặt chi tiêu của Chính phủ. Tệ hại hơn là ngay cả sau khi giảm chi tiêu và tăng thuế, mức thâm hụt ngân sách của Hy Lạp vẫn tương đương 8,7% GDP. Như vậy, dù EU đã tung ra một cuộc cứu trợ khổng lồ nhưng xem ra cuộc khủng hoảng mang tên Hy Lạp vẫn chưa thể tan nhanh như các nhà lãnh đạo châu Âu mong muốn.