FTA giữa Trung Quốc và ASEAN: Bàn đạp để cộng đồng châu Á đa dạng hội nhập

Thứ tư, 06/01/2010 11:43

Từ ngày 1-1-2010, Khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc chính thức hoạt động.

Với 1,9 tỷ dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chung gần 6.000 tỷ USD, FTA ASEAN - Trung Quốc là khu vực thương mại lớn nhất thế giới về mặt dân số và lớn thứ ba thế giới về khối lượng giao dịch, sau Khu vực kinh tế Liên hiệp châu Âu (EEA) và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Quan hệ thương mại ASEAN - Trung Quốc phát triển mạnh trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại song phương đạt 192,5 tỷ USD năm 2008, tăng mạnh so mức 59,6 tỷ năm 2003 và 19,5 tỷ USD năm 1995. Trong bốn năm trở lại đây, hoạt động thương mại tăng gấp hai lần, với việc ký kết các thỏa thuận về trao đổi hàng hóa, dịch vụ và hiệp ước về khuyến khích đầu tư liên khu vực. FTA ASEAN - Trung Quốc đi vào hoạt động, thuế quan đối với khoảng chín nghìn nhóm hàng hóa và dịch vụ, tương đương 90% tổng trao đổi thương mại giữa hai bên được cắt giảm hoặc bãi bỏ.

Theo giới chuyên gia, khu vực tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN sẽ giúp hai bên bớt phụ thuộc thị trường bên ngoài, vì đến nay, Trung Quốc và ASEAN đều là những nền kinh tế hướng ngoại, xuất khẩu một khối lượng lớn các sản phẩm sang Mỹ và châu Âu. Nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) J.Menon cho rằng, FTA giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là bàn đạp để cộng đồng châu Á đa dạng hội nhập hơn nữa, có thể giúp thúc đẩy một hiệp ước thương mại đa phương quy mô lớn hơn ở châu lục. Việc thành lập khu vực tự do thương mại sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên. Khu vực nông nghiệp có thể được lợi từ FTA thông qua chuyên môn hóa các loại hàng hóa và buôn bán hai chiều trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp của Ðông - Nam Á sẽ chịu sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm từ Trung Quốc.

Tờ New York Times cũng nhận định, FTA ASEAN - Trung Quốc chính thức có hiệu lực giúp các quốc gia châu Á đẩy mạnh xuất khẩu, tuy nhiên, một số nhà sản xuất ở Ðông - Nam Á vẫn lo ngại việc hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể ngập tràn thị trường nước mình khi thuế nhập khẩu được dỡ bỏ, gây khó khăn hơn cho họ trong việc duy trì và tăng thị phần. Trên thực tế, trong vài năm gần đây, ASEAN và Trung Quốc đã từng bước giảm thuế. Theo thỏa thuận thương mại tự do ký năm 2002, Trung Quốc, Indonesia, Thái-lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Brunei sẽ dỡ bỏ mọi loại thuế vào năm 2010. Các thành viên mới của ASEAN, gồm Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam và Myanmar sẽ từng bước giảm thuế trong những năm tiếp theo và bỏ thuế hoàn toàn vào năm 2015. Hầu như mọi loại hàng hóa được miễn thuế từ tháng 1-2010, trong đó có các sản phẩm chế biến hiện chịu mức thuế nhập khẩu 5%. Một số sản phẩm nông nghiệp, động cơ ô-tô, máy công nghiệp tiếp tục chịu thuế trong năm 2010 và sẽ được giảm dần dần.

Trước bối cảnh cạnh tranh với lượng hàng nhập khẩu ồ ạt đặt ra những thách thức mới đối với các nhà sản xuất ASEAN, giới phân tích vẫn cho rằng, việc tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc sẽ đem lại những lợi ích cho ASEAN. Cựu Tổng Thư ký ASEAN R.Severino cho rằng, Malaysia có thể là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc miễn thuế theo FTA, trong việc xuất khẩu dầu cọ, cao-su và khí đốt sang Trung Quốc. Nhưng theo ông Severino, các nước hiện tập trung sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ, sẽ dễ bị tổn thương. Vì thế, những nước này cần hướng tới các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và xác định các thị trường thích hợp mới.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, sau khi FTA đi vào hoạt động, Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu hàng nông sản, như hoa quả nhiệt đới, từ Thái-lan, Malaysia và Việt Nam. Ðiều này tác động không nhỏ tới nông dân Trung Quốc ở các tỉnh miền nam, như Quảng Tây và Vân Nam. Cựu Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Năng lượng của Cam-pu-chia Sothirak cũng nhận định, miễn thuế sẽ giúp tăng xuất khẩu nông sản của Cam-pu-chia vào Trung Quốc. Ông Sothirak tin rằng, FTA ASEAN - Trung Quốc có thể thúc đẩy các công ty dệt may của Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Cam-pu-chia...

Giới phân tích cho rằng, việc FTA ASEAN - Trung Quốc đi vào hoạt động không phải là một sự kiện mang tính đột phá, có thể làm tăng mạnh mẽ thương mại song phương từ tháng 1-2010. Còn có nhiều yếu tố mà các nhà đầu tư và kinh doanh cần cân nhắc, trong khi các chính phủ cần quyết tâm trong việc tạo thuận lợi thương mại. Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Nhật Bản và EU. Dự báo trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác số một của khu vực này. Phó Tổng Thư ký ASEAN Sundram Puspanathan nhận định, có thể một số nước sẽ phải "trả một giá nào đó" khi FTA ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực, nhưng chắc chắn cả hai bên sẽ cùng có lợi.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực