Gập ghềnh START 1

Thứ sáu, 08/01/2010 20:35

Kể từ khi chính thức trở thành chủ nhân Nhà trắng hồi tháng 1-2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần bày tỏ sự mong muốn về một thế giới không có hạt nhân. Tháng 4-2009, một lần nữa ông Obama khẳng định quyết tâm theo đuổi mục tiêu này với bài phát biểu tại thủ đô Prague của CH Czech, trong đó nhấn mạnh việc thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START 1) hết hạn vào ngày 5-12-2009 là bước “đơn giản” đầu tiên trong nỗ lực biến cam kết thành hiện thực.

Tuy nhiên, việc hiệp ước được Mỹ-Nga ký kết từ năm 1991 vẫn chưa được thay thế dù muộn hơn 1 tháng so với thời hạn cuối đã cho thấy vấn đề này thật sự không hề giản đơn như suy nghĩ của ông Obama. Bất chấp người phát ngôn Nhà Trắng Darby Holladay mới đây vừa tuyên bố thỏa thuận thay thế START 1 đạt được “bước tiến đáng kể”, giới quan sát nhận định rằng, còn rất nhiều vật cản để Mỹ và Nga tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Thứ nhất, cả 2 bên vẫn bất đồng trong cách thức cắt giảm vũ khí hạt nhân. Tên lửa tầm xa hay máy bay ném bom đều có khả năng mang được nhiều đầu đạn hạt nhân.Và khúc mắc ở đây là hiệp ước mới sẽ giới hạn phương tiện mang đầu đạn hạt nhân hay số lượng đầu đạn hạt nhân hoặc cả hai? Những diễn biến gần đây cho thấy Mỹ nghiêng về việc cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân trong khi Nga thì muốn cắt giảm số lượng phương tiện mang đầu đạn hạt nhân trong kho hạt nhân của cả hai bên.

Hans Kristensen, chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, đánh giá đây là vấn đề lớn nhất khiến một thỏa thuận thay thế START 1 bị trì hoãn. Theo chuyên gia Kristensen, nếu chỉ cắt giảm lượng đầu đạn hạt nhân, Mỹ vẫn có thể sản xuất các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân là tên lửa và máy bay ném bom. Trong khi đó, nếu cắt giảm các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân, với công nghệ phát triển hiện nay, Nga có thể sản xuất ra loại tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Với lý do đó, cả Nga và Mỹ đều cho rằng mình là bên chịu thiệt.

Vật cản thứ 2 khiến START 1 lỡ hẹn đó là việc Thủ tướng Nga Vladimir Putin cuối tuần qua đã đưa thêm vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vào trong các cuộc đàm phán thay thế START 1. Theo ông Putin, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể làm gia tăng lượng vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của nước này. Steve Andreasen, cựu Giám đốc Hội đồng an ninh Hoa Kỳ cho rằng, Nga sẽ tiếp tục nêu vấn đề về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong các cuộc đàm phán sắp tới và coi đây là một điều kiện để hai bên có thể tiến tới thỏa thuận thay thế START 1. Và chắc chắn Washington sẽ không chấp thuận điều kiện trên của Mátxcơva.

Cho dù các bên đều thống nhất các điều kiện, bản thỏa thuận thay thế START 1 cũng phải chờ sự chấp thuận của Thượng viện Hoa Kỳ. Theo ông Andreasen, đây cũng là một cửa ải khó vượt qua của bản thỏa thuận mới sau khi 40 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Thượng nghị sỹ trung lập Joe Lieberman vừa tuyên bố: chỉ chấp nhận bản thỏa thuận nếu Tổng thống Obama chấp thuận chi tiền “hiện đại hóa” kho hạt nhân vũ khí của Mỹ. Hiện đại hóa ở đây, theo các nghị sĩ, là làm mới các đầu đạn hạt nhân và thậm chí là xây thêm các kho vũ khí mới.

Thế mới thấy con đường dẫn đến bản thỏa thuận thay thế START 1 còn quá gập ghềnh.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực