Hàng không thế giới đối mặt với không ít khó khăn

Thứ năm, 22/04/2010 17:27

(ĐCSVN)Người ta cho rằng, thập kỷ qua là thập kỷ đầy khó khăn và xui xẻo của ngành hàng không thế giới khi liên tiếp vấp phải những “cú ngã” đau. Một ước tính cho thấy, trong khoảng 10 năm qua, thiệt hại của ngành này có thể lên tới 50 tỷ USD.

Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế tại các quốc gia khu vực Đông Á những năm 1997 đã qua đi hơn một thập kỷ, nhưng dường như, dư âm của nó vẫn còn hiện hữu đâu đó trong ngành công nghiệp hàng không thế giới. Nếu tính từ dấu mốc 1997 trở lại đây, ngành công nghiệp này liên tục bị thua lỗ và đỉnh cao là đến năm 2009 – khi mà cơn bão tài chính toàn cầu quét qua tất cả các lĩnh vực của đời sống. Theo tính toán của Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), thiệt hại của ngành hàng không thế giới lên tới 9,2 tỷ USD trong năm 2009.

 

                                           Ảnh: Xinhua

Khủng hoảng kinh tế đã khiến hành khách ngại đi lại bằng máy bay, hoặc hạn chế bay hạng sang để giảm bớt chi phí. Khách du lịch ra nước ngoài cũng giảm đi đáng kể. Hoạt động xuất nhập khẩu tại các nước cũng sụt giảm mạnh, khiến việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không mất đi một nguồn thu lớn. Năm 2009, thực sự được coi là năm “nhiều chông gai” đối với ngành này.

Nhưng chưa hết, trong bối cảnh ngành vận tải nói chung và ngành hàng không nói riêng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau những tác động của khủng hoảng kinh tế, cuộc khủng hoảng mới mang tên “núi lửa Iceland” trong những ngày gần đây đã khiến ngành này thêm một lần nữa điêu đứng. Các hãng vận tải châu Âu trước đó dự kiến có thể mất 2,2 tỷ USD trong năm nay. Nhưng con số này có thể còn tăng hơn nữa sau sự kiện núi lửa phun trào ở Iceland vừa qua.

Núi lửa phun trào tại Iceland tạo thành những đám bụi tro khổng lồ trên bầu trời, chúng di chuyển và có ảnh hưởng không nhỏ tới không phận của nhiều quốc gia lân cận. Lệnh cấm bay hoàn toàn hoặc một phần không phận đã được các quốc gia châu Âu ban hành, theo đó, hơn 60.000 chuyến bay trên toàn thế giới đã phải hủy bỏ.

IATA, ngày 21/4, cũng cho biết thiệt hại từ sự kiện này tới ngành hàng không ước tính khoảng hơn 1,7 tỷ USD. Trong cuộc họp báo tại Berlin, Tổng giám đốc của IATA Giovanni Bisignani cho biết thêm: Trong ba ngày đầu tiên (khi bắt đầu thực hiện lệnh cấm bay), trung bình mỗi ngày, các hãng hàng không bị thiệt hại khoảng 400 triệu USD. Lệnh đóng cửa không phận ở châu Âu do núi lửa phun trào đã ảnh hưởng tới 29% hoạt động hàng không thế giới và tới 1,2 triệu hành khách mỗi ngày.

Ông Giovanni Bisignani cũng đề nghị các chính phủ có sự hỗ trợ các hãng hàng không về những thiệt hại này (như trước đây Mỹ đã từng làm sau sự kiện 11/9/2001). Hãng British Airways và nhiều hãng khác đã lên tiếng đòi chính phủ Anh và Liên minh châu Âu san sẻ phần nào thiệt hại với họ.

Cho tới ngày hôm nay (22/4), Cơ quan kiểm soát không lưu liên chính phủ châu Âu (Eurocontrol) cho biết, có khoảng 22.500 chuyến bay (chiếm 80%) đã hoạt động trở lại. Nhiều khả năng hoạt động hàng không thế giới sẽ trở lại bình thường vào cuối tuần này.

Những khó khăn trong tương lai thì không ai lường trước được. Tuy nhiên, người ta vẫn kì vọng vào sự bật dậy của ngành công nghiệp hàng không sau mỗi cú vấp đau./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực