Cuối cùng, số phận chính trị của Tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakyiev cũng đã được định đoạt sau cuộc chính biến chưa đầy 48 giờ. Cuối tuần qua, thủ lĩnh cuộc cách mạng mang tên hoa tulip ngày nào đã phải cậy nhờ tiếng nói của các cường quốc mới thoát khỏi vòng lao lý, bước vào cuộc sống lưu vong tại quốc gia láng giềng Cazakhtan.
Trớ trêu ở chỗ, phe đối lập đã sử dụng đúng "bài" do con người này tạo nên 5 năm trước với cái gọi là "cách mạng hoa tulip" để lật đổ chính người đã tạo ra mùa hoa không nở này ở Kyrgyzstan. Sự lụi tàn nhanh chóng cuộc cách mạng từng được phương Tây kỳ vọng sẽ mang tới vùng Trung Á khô cằn một làn gió mới về dân chủ bằng cái nhìn của phương Tây cho thấy mọi giá trị vay mượn đều có cuộc sống ngắn ngủi và phải trả giá.
Một sự thật là phương Tây - lực lượng hậu thuẫn cách mạng hoa tulip - đã đứng sau những sai lầm của thủ lĩnh vườn tulip "mơ ước" để giành lợi thế với một nước Nga đang lên trong khu vực.
Như vậy, sau Ukraine - một tiền đồn mà Mỹ và EU thiết lập trong quá trình Đông tiến nhằm thu hẹp ảnh hưởng của Nga thông qua cách mạng Cam bị thất bại - cuộc chính biến tại Kyrgyzstan tiếp tục khiến chiến lược diễn biến hòa bình của phương Tây tại không gian hậu Xô Viết bị đảo lộn.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất trong các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng Kyrgyzstan lại có vai trò cực kỳ quan trọng trên bàn cờ địa - chính trị giữa các cường quốc để kiểm soát hành lang Á - Âu. Với phương Tây, quốc gia 5 triệu dân này có ý nghĩa trong bất kỳ chiến lược nào của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm mở đường vào Trung Á. Trong khi đó, với Nga, Kyrgyzstan luôn là mắt xích trọng yếu trong không gian hậu Xô Viết.
Những năm đầu thế kỷ XXI, "cơn lốc cách mạng nhung" hiện thân của chiến lược diễn biến hòa bình do phương Tây thổi bùng từ Liên bang Nam Tư cũ đã tràn qua Georgia, Ukraine tới Kyrgyzstan. Tạo ra cơn lốc này, phương Tây không gì ngoài mục tiêu nhằm thay thế bộ máy cầm quyền vốn gần gũi Nga bằng những nhân vật có đường lối thân phương Tây bằng những hứa hẹn tự do, dân chủ. Nhờ đó, mục tiêu ban đầu của Mỹ và EU ở Trung Á đã phần nào đạt được kết quả.
Tuy nhiên, trong vòng 4 năm trở lại đây, sức ảnh hưởng của Nga tại khu vực không gian truyền thống dần trở nên rõ nét, nhất là sau khi Điện Kremlin hành động quyết đoán trong cuộc xung đột với Georgia tại Nam Ossetia tháng 8-2008. Bên cạnh đó, Mátxcơva luôn thể hiện là yếu tố quan trọng cho sự bình ổn khu vực thông qua vai trò trụ cột của mình tại Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Thêm vào đó, hiện thực sau "cách mạng màu" tại các nước đã khiến người dân nhận ra chiếc bánh vẽ mà họ nhận được từ phương Tây. Với nhiều lý do, những khoản viện trợ "hứa trước" của Mỹ và phương Tây cho các "nền dân chủ mới" chưa bao giờ dễ dàng trở thành hiện thực.
Bài học về nền dân chủ phương Tây ở Iraq hay Afghanistan là những dẫn chứng nhãn tiền. Những cuộc cách mạng từ "hoa hồng" đến "cam" và "hoa tulip" ở các nước Liên Xô cũ còn đưa đến nhiều bất ổn hơn nữa do quyền lực rơi vào tay một nhóm đặc quyền đặc lợi. Những hứa hẹn dân chủ, phúc lợi qua 3 cuộc cách mạng nêu trên vẫn chỉ là lời hứa. Trong trường hợp Kyrgyzstan, khi Chính phủ lâm thời của bà Roza Otunbayeva tiếp quản, kho bạc nhà nước của thời hoa tulip chỉ còn số tiền tương đương 16 triệu euro. Như vậy, sau các cuộc "cách mạng màu sắc", dân chủ có đến với dân chúng của những nước này hay không? Câu trả lời đã quá rõ. Người dân Kyrgyzstan sẽ không thể gọi đó là cách mạng cho dẫu chúng có màu gì đi nữa.
Đến thời điểm này, quốc gia duy nhất chưa bị một cuộc "phản cách mạng màu" cuốn trôi là Georgia, nơi Tổng thống M.Saakasvili vẫn tiếp tục bấu víu vào chiếc ghế quyền lực đã và đang lung lay dữ dội sau cuộc xung đột quân sự với Nga hồi tháng 8-2008. Nhưng, nhiều dấu hiệu cho thấy, làn sóng màu cam này sẽ sớm kết thúc mà không cần đến khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm 2013.
Bàn cờ nước lớn tại Kyrgyzstan đã đảo lộn, sự cân bằng lợi ích mới giữa các bên trong một cuộc chơi lớn vừa ló dạng. Hồi kết mùa tulip ở Kyrgyzstan vừa khép lại không cho hoa. Nó gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc giành giật ảnh hưởng mới quyết liệt hơn giữa các cường quốc không chỉ tại Trung Á mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.