Học thuyết quân sự mới của Nga, vừa được Tổng thống Dimitri Medvedev phê chuẩn, xác định nâng cao tiềm lực quân sự là ưu tiên quan trọng hiện nay của Moscow.
Học thuyết quân sự mới của Nga được đưa ra ngay trong tuần đầu của tháng 2/2010, bao gồm những nội dung được điều chỉnh từ chương trình an ninh quốc gia thông qua năm 2000, nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn đến năm 2020. Một trong những sửa đổi quan trọng nhất là việc: “Nga có quyền sử dụng quân đội để đáp trả những hành động xâm lược chống Nga và các đồng minh, giữ gìn hoà bình theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và các tổ chức an ninh tập thể khác”.
Học thuyết quân sự của Nga cũng là thông điệp về sự cần thiết phải cùng song hành cả tăng trưởng kinh tế và củng cố sức mạnh quân sự nhằm duy trì vị thế của Nga trên trường quốc tế. |
Đặc biệt, một trong những điều khoản cũng rất đáng chú ý là học thuyết quân sự nêu rõ Nga có quyền thực hiện những qui chế dành cho một cường quốc hạt nhân. Tức là Nga có thể thực hiện những hành động ngăn chặn, kiềm chế hạt nhân từ những lực lượng mà Moscow gọi là “kẻ địch tiềm tàng” muốn tiến hành xâm lược Nga và các đồng minh. Mặt khác, Nga cũng khẳng định, không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại những quốc gia tham gia thoả thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân và những quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, trừ khi các nước này tấn công vào LB Nga. Nga không chống lại đồng minh của Nga và quốc gia mà Nga cam kết bảo đảm an ninh hoặc duy trì an ninh cho quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Như vậy có thể thấy rõ, học thuyết quân sự mới của Nga nhằm vào Mỹ và các nước NATO, khi hiện nay, sức mạnh quân sự của các nước này lớn hơn, thậm chí hiện đại hơn Nga. Chỉ tính riêng về tiềm năng tên lửa hạt nhân của hai bên đã thể hiện khá rõ thực trạng đó.
Học thuyết quân sự mới nhằm duy trì vị thế của Nga trên trường Quốc tế
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tính đến nay, Mỹ sở hữu 500 tên lửa chiến lược Minuteman II có khả năng mang hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân, hơn 300 tên lửa chiến lược Trident II trên các tầu ngầm hạt nhân, với hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, các nước NATO cũng sở hữu hơn 150 quả tên lửa với 500 đầu đạn hạt nhân các loại. Còn Nga, theo SIPRI, chỉ mới so sánh với NATO, tính chung tất cả vũ khí hạt nhân, đã kém tới 2 lần. Ngay cả số lượng vệ tinh vũ trụ do thám, liên lạc, dẫn đường, Mỹ và NATO cũng hơn hẳn Nga. Vì hiện nay, hệ thống này của Nga vẫn chưa đi vào hoạt động.
Không chỉ có ưu thế về quân sự, Mỹ và NATO còn liên tục mở rộng cơ sở quân sự sát biên giới Nga và tìm cách kết nạp thêm các thành viên mới, đặc biệt là các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Gần đây nhất, ngày 22/2 vừa qua, Lầu Năm Góc đã thông qua quyết định bố trí tổ hợp tên lửa Patriot trên lãnh thổ Ba Lan, cách biên giới tỉnh Kaliningrad của Nga gần 100km và đang thúc đẩy kế hoạch triển khai các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa NMD ở Rumani và Bungari. Đây được coi là những mục tiêu nằm trong chiến lược quốc phòng mới vừa được Lầu Năm Góc công bố.
Rõ ràng, học thuyết quân sự mới của Nga được đưa ra vào thời điểm hiện nay là hợp lý, mang tính chất phòng thủ. Năm 2007, tại Hội nghị an ninh Munic, Tổng thống Nga thời điểm đó, ông Putin đã tuyên bố sự trở lại của nước Nga trên trường quốc tế. Từ đó, đến nay, Mosocw đã nỗ lực để cam kết đó trở thành hiện thực. Nhưng có một thực tế là, trong khi Nga chủ trương giải trừ vũ khí, thiết lập không gian hoà bình, an ninh nhằm “đoạn tuyệt di sản chiến tranh lạnh” thì Mỹ và NATO, bằng những hành động gia tăng tiềm lực quân sự, khiến đề xuất của Moscow không còn ý nghĩa. Và trong tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, thậm chí vẫn tồn tại những mưu toan dùng sức mạnh quân sự để áp đặt tư tưởng và con đường phát triển của các nước khác, thì chủ quyền và ngay cả sự phát triển kinh tế cũng không vững chắc.
Bởi vậy, học thuyết quân sự mới của Nga, không tạo quá nhiều nỗi lo lắng trong dư luận. Đó chính là một trong những giải pháp cần có hiện nay để kiềm chế và hoá giải những hành động quân sự nguy hiểm của các quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương. Và nó thật sự cần để Nga duy trì vững chắc vị thế trên trường quốc tế.
Nga có thể thực hiện những hành động ngăn chặn, kiềm chế hạt nhân từ những lực lượng mà Moscow gọi là “kẻ địch tiềm tàng”./.