Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân: Còn đó vấn đề “tiêu chuẩn kép”

Thứ tư, 14/04/2010 16:28

                         Ảnh minh họa
Chừng nào câu chuyện Mỹ tiếp tục dung túng cho chính sách mập mờ về hạt nhân của Israel còn chưa sáng tỏ, Washington không thể làm cả thế giới lắng nghe mình trong vấn đề hạt nhân.

Không kể các hội nghị trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân bắt đầu từ ngày 12/4 với sự tham gia của nguyên thủ 47 quốc gia là hội nghị lớn nhất được tổ chức tại Mỹ sau Hội nghị Cấp cao về thành lập Liên hợp quốc vào năm 1945.

Quy mô của sự kiện này cho thấy nhận thức của các nước trong việc xử lý và ngăn chặn các hiểm hoạ của hạt nhân cũng như nỗ lực của nước Mỹ muốn nắm vai trò đầu tàu thế giới trong vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, để thế giới cùng bắt tay nhau trong vấn đề mang tính toàn cầu này, điểm cốt yếu là phải xoá bỏ việc áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Và điều này, nước Mỹ không làm được.

Là cường quốc nắm giữ số đầu đạn hạt nhân lớn hàng đầu thế giới, cũng là nước đầu tiên và duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân, nước Mỹ có khả năng và cả trách nhiệm để đi đầu thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, chính vấn đề “tiêu chuẩn kép” luôn hiện hữu trong chính sách hạt nhân của nước Mỹ đã khiến Washington khó có thể trở thành đầu tàu “công tâm” của thế giới trong vấn đề này.

Cụ thể thế nào là “tiêu chuẩn kép”? Đó là việc các cường quốc coi công nghệ hạt nhân là sở hữu độc quyền của họ và ngăn cản các quốc gia khác tiếp cận với công nghệ này, bất luận đó là vì mục đích hoà bình. Đó là việc nước Mỹ bao che cho chính sách hạt nhân của Israel trong thời gian dài, ký thoả thuận bán công nghệ hạt nhân cho Ấn Độ - nước chưa đặt bút ký Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT)... nhưng lại kịch liệt phản đối một nước thành viên NPT là Iran phát triển chương trình hạt nhân mà Tehran cho là chỉ vì mục đích dân sự. Đó là việc nước Mỹ vẫn để tồn tại khái niệm “chiếc ô an ninh hạt nhân” để thu hút đồng minh phục vụ cho các lợi ích riêng của nước Mỹ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, năm 2010, khi mà ký ức đau thương về chiến tranh thế giới thứ hai, khi tư tưởng đối đầu thời kỳ chiến tranh lạnh đã dần lùi xa, thì cũng là lúc phải “đoạn tuyệt” hoàn toàn với các “tiêu chuẩn kép”. Những nỗ lực đột phá của chính quyền Obama đã khiến thế giới phần nào lạc quan, nổi bật là việc nước Mỹ - trong vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ từ tháng 9/2009 đã lần đầu tiên chủ trì một cuộc họp tại HĐBA về hạt nhân. Tổng thống Obama đích thân tuyên bố ủng hộ và nỗ lực vì một thế giới phi hạt nhân. Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mập mờ kêu gọi Israel ký Hiệp ước NPT và cuối cùng là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần này với sự tham dự của 47 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ.

Tuy nhiên, cuối cùng, thế giới vẫn không khỏi thất vọng khi các “tiêu chuẩn kép” vẫn phảng phất trong các nỗ lực hạt nhân của chính quyền Obama. Trước thềm Hội nghị, không rõ để thể hiện thiện chí hay để đánh bóng hình ảnh cho nước Mỹ, ông Obama đã đưa ra chiến lược hạt nhân, trong đó khảng khái tuyên bố sẽ không sử dụng hạt nhân để tấn công trước đối với các nước là thành viên Hiệp ước NPT.

Thế nhưng, cam kết này cũng sẽ không được áp dụng với các trường hợp mà Mỹ cho là ngoại lệ như CHDCND Triều Tiên và Iran. Và dễ hiểu vì sao các chính quyền bị Washington coi là thù địch như Iran, CHDNCD Triều Tiên và Syria đã không được mời đến tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này, dù họ là những bên liên quan không thể không nói tới trong vấn đề hạt nhân toàn cầu. Thêm vào đó, Israel như dội gáo nước lạnh vào chính quyền Obama khi viện cớ vấn đề xung đột với Palestine để không tham dự Hội nghị.

Không thể hay cố ý, nước Mỹ vẫn tiếp tục dung túng cho chính sách mập mờ về hạt nhân của Israel, dù hiểu rằng chừng nào câu chuyện này còn chưa sáng tỏ, Washington không thể làm các nước Arab nói riêng, cả thế giới nói chung lắng nghe mình trong vấn đề hạt nhân.

Đủ lực, nhưng thiếu một vị thế uy tín và công tâm, nước Mỹ khó có thể dẫn dắt thế giới hướng về một tương lai phi hạt nhân. Thế giới hiểu rằng, nước Mỹ, dù muốn lãnh đạo thế giới trong vấn đề hạt nhân, song dĩ nhiên, vẫn phải đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết. Các hội nghị, diễn đàn về hạt nhân cuối cùng vẫn phải nằm trong khuôn khổ của Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế có đủ thẩm quyền mới có thể xử lý được vấn đề này./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực