Hy Lạp: Cuộc xuống đường đã được báo trước

Thứ bảy, 08/05/2010 09:05

(ĐCSVN) -  Trong những ngày này, hàng vạn người dân Hy Lạp liên tục xuống đường để phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ Hy Lạp trong vòng 3 năm tới. Cuộc xuống đường lần này dường như đã được báo trước ngay trong sự phát triển thiếu bền vững trên đất nước của những vị thần. 

 

       Người dân Hy Lạp xuống đường biểu tình (Ảnh tư liệu)

Trước năm 2009, kinh tế Hy Lạp tăng trưởng liên tục trong 16 năm liền. Đó là thời kỳ Hy Lạp việc áp dụng chủ nghĩa tự do mới do Anh và Mỹ khởi xướng. Theo Fred Weston và Stamatis Karayannopoulos, sự tăng trưởng của Hy Lạp trong thời gian quan chủ yếu dựa vào sự mở rộng, tự do hóa tín dụng và tăng cường chi tiêu công nhờ vay ODA.

 

Giai cấp tư sản Hy Lạp sinh sau đẻ muộn hơn so với tại Anh, Đức, Pháp, lạc hậu hơn và trong những thập kỷ qua phát triển chủ yếu nhờ các chính sách và biện pháp hỗ trợ từ chính phủ chứ không phải do đầu tư vào công nghệ để cải tiến nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng năng suất lao động. Do đó mặc dù lương công nhân Hy Lạp thấp hơn nhiều so với Đức nhưng chi phí sản xuất một đơn vị hàng hóa ở Hy Lạp lại cao hơn 30% so với tại Đức; Hy Lạp là nước có mức lương lao động thấp nhất nhưng lại có chi phí sản xuất cao vào loại nhất Tây Âu.

 

Trong khi đó, các chính phủ Hy Lạp nối tiếp nhau đều áp dụng các chính sách “thu của người nghèo để cho người giàu”. Ngân sách nhà nước chủ yếu là từ thuế đánh vào người làm công ăn lương và tầng lớp trung lưu. Thuế đánh vào thu nhập của người lao động ở Hy Lạp thuộc diện cao nhất còn thuế doanh nghiệp thuộc diện thấp nhất trong các nước EU. Hy Lạp cũng là nước để cho doanh nghiệp trốn thuế ở mức kỷ lục ở Tây Âu, ngay cả thuế bán lẻ cũng không thu đủ. Trong những năm qua, Hy Lạp còn cho phép người sử dụng lao động miễn thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào quỹ hưu trí với tổng số tiền hàng năm lên tới 10 tỷ euro.


Việc buông lỏng tín dụng và vay để chi tiêu công cùng với các chính sách trên chỉ làm giàu cho giai cấp tư sản trong và ngoài nước, còn cuộc sống của nhân dân lao động thì ngày càng khó khăn, làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo ở Hy Lạp trong gần 20 năm qua.

 

Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, các ngân hàng Hy Lạp cũng đứng trước nguy cơ phá sản. Chính phủ Hy Lạp, theo gương chính phủ Mỹ và các nước châu Âu khác, lao vào “cứu trợ” hệ thống ngân hàng. Khoản cứu trợ khổng lồ 28 tỷ Euro mà chính phủ cánh hữu của Thủ tướng tiền nhiệm Karamanlis đổ vào để cứu các ông chủ nhà băng đã làm cho thâm hụt ngân sách tăng vọt, tăng từ 6,2% lên 12,5% GDP chỉ trong vòng sáu tháng cuối năm 2009. Và để đưa thâm hụt ngân sách giảm từ 12,5% xuống còn 3% theo cam kết với các chủ nợ, chính phủ hiện hành dự kiến phải thu thêm từ người dân 25 tỷ euro trong vòng 3 năm tới. Còn để đáp ứng nhu cầu tài chính chỉ riêng trong năm 2010, chính phủ Hy Lạp đã phải phát hành khối lượng trái phiếu có tổng trị giá 55 tỷ euro với lãi suất 6,2% nhưng nếu cộng cả chi phí cho các ngân hàng thì lên tới 8%/năm. Và gánh nặng đó được trút hết lên người dân Hy Lạp. Trên thực tế thì nhà cầm quyền Hy Lạp đã biến các khoản nợ của các ngân hàng tư nhân thành nợ công và bắt toàn xã hội gánh chịu. Trong khi đó, năm 2009 các ngân hàng tư nhân Hy Lạp được Ngân hàng Trung ương châu Âu cho vay với lãi suất khoảng 1% thì cho vay lại tại Hy Lạp với lãi suất lên tới 4%.

 

Để trả nợ và thực hiện được lộ trình giảm thâm hụt ngân sách, chính phủ Hy Lạp, theo yêu cầu của EU và IMF, sẽ áp dụng các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu công, cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thực tế đã có thể lên đến 16% nhưng trong thời gian tới, chính phủ dự kiến sẽ chỉ tuyển dụng mới 1 người khi phải có 5 người về hưu, thực hiện cắt giảm thêm việc làm, tiền lương và các chế độ đối với người hưu trí. Hệ thống giáo dục và y tế võn đang thiếu kinh phí nghiêm trọng sẽ tiếp tục bị cắt giảm chi tiêu. Chính phủ cũng chủ trương sẽ tư nhân hóa hệ thống bảo hiểm lương hưu và bảo hiểm xã hội, tiến hành tư nhân hóa các dịch vụ bưu điện, năng lượng, nước sinh hoạt, v.v...Và người dân Hy Lạp vừa phải chịu thuế cao, bị cắt giảm việc làm, thu nhập, phúc lợi lại vừa sẽ phải chịu chi phí cao hơn cho cuộc sống hàng ngày của mình. Như vậy, để thực hiện mục tiêu ưu tiên của chính phủ, theo lời Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou là “khôi phục sự tín nhiệm của thị trường quốc tế” thì cái giá phải trả là cuộc sống của người dân. Và đó được coi là tinh thần “ái quốc” trong điều kiện khủng hoảng.  

 

Người làm công ăn lương bãi công  làm nền kinh tế Hy Lạp tê liệt
(Ảnh tư liệu)

Điều cũng rất cần nói thêm là về cái gọi là sự “cứu trợ” của EU và IMF đối với Hy Lạp. Mặc dù Hy Lạp chính là nạn nhân của việc áp dụng các chính sách “tự do mới” do EU, IMF ra sức áp đặt, phổ biến trong những thập kỷ qua, là nạn nhân của khủng hoảng tài chính toàn cầu, lại là nước thành viên của EU nhưng những con “cá mập” này cũng không hề chịu buông tha cho “đồng đội”. Chính nước Đức có nền kinh tế mạnh hơn nhiều đã vay các khoản cứu trợ với lãi suất 3% nhưng lại đòi hỏi áp dụng lãi suất cao đến 8% đối với Hy Lạp. Và các khoản cứu trợ này còn kèm theo hàng loạt điều kiện áp đặt rất không có lợi cho Hy Lạp, buộc Hy Lạp phải từ bỏ nhiều chủ quyền kinh tế, phải hy sinh các chính sách xã hội và mạo hiểm với ổn định chính trị trong nước, đến mức thậm chí một số chính khách Hy Lạp đã phải đề xuất về việc phải bán đi một số hòn đảo và ngay cả danh thắng lịch sử Acropolis nổi tiếng của Hy Lạp. Các giải pháp mà EU và IMF đưa ra không hề chịu rút kinh nghiệm từ hậu quả của mô hình “tự do mới” mà còn thúc đẩy các chính sách này ở mức cao hơn ở Hy Lạp. Và theo Rick Wolff thì “khủng hoảng tài chính toàn cầu đem đến suy thoái kinh tế ở Hy Lạp nhưng “giải pháp phục hồi” lại tìm cách áp đặt lên người dân Hy Lạp sự khổ sở về kinh tế vô thời hạn trong khi các chủ nợ quốc tế thì cung cấp tín dụng cho các nền kinh tế giàu hơn, mạnh hơn ở những nơi khác để họ tránh được những gì mà người ta đang đòi hỏi từ người Hy Lạp.” Về thực chất thì các chính sách, biện pháp này không có gì khác so với các chính sách mà IMF và các nước phương Tây đã áp đặt lên nhiều nước đang phát triển trong hơn 30 năm qua. Điểm khác duy nhất là lần này nó được áp dụng cho chính các nước phương Tây “chiếu dưới”, đầu tiên là Ai-len và nay là Hy Lạp.

 

Người dân Hy Lạp không muốn chấp nhận việc để những kẻ hưởng lợi, gây ra khủng hoảng nay lại tiếp tục ‘đục nước béo cò” và dồn hết hậu quả và gánh nặng lên quần chúng nhân dân lao động đã bị bóc lột nặng nề trong suốt thời gian qua. Nhiều tiếng nói trong nhân dân Hy Lạp đang đòi hỏi phải chấm dứt tình trạng trốn thuế phổ biến của các doanh nghiệp và các tỷ phú, triệu phú, yêu cầu quốc hữu hóa các ngân hàng, các tập đoàn tư bản lơn để giao cho nhà nước cùng với người lao động quản lý nhằm góp phần phục hồi kinh tế, đóng góp cho ngân sách để từng bước trả nợ và đảm bảo phúc lợi xã hội thay vì áp dụng các “giải pháp” nêu trên.

 

Đó là lý do tại sao người dân Hy Lạp xuống đường.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực