(ĐCSVN) – Năm 2009 được đánh dấu là một năm ngập tràn khó khăn khi toàn thế giới phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế nghiêm trọng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nếu thực hiện phép so sánh: Một quốc gia tương tự như tàu sân bay đứng trước cơn bão tài chính thì doanh nghiệp tương tự như một máy bay chiến đấu và người dân chính là phi công. Trong suốt năm vừa qua, mỗi “phi công”, “máy bay” và “tàu sân bay” đều phải đương đầu với vô số các khó khăn, thách thức và phải nỗ lực hết sức, thực hiện không ít chương trình hành động nhằm thoát khỏi tình cảnh này và tìm lại ánh mặt trời vốn đã bị mây mù che khuất.
Các nhân chứng đặc biệt: Lạc quan để thích ứng với hoàn cảnh
Không thể phủ nhận rằng kể từ khi “cơn sóng thần” tài chính quét qua nền kinh tế thế giới thì ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ một quốc gia nào, chúng ta cũng có thể chứng kiến, ghi nhận những diễn biến đổi thay, tích cực thì ít mà tiêu cực thì nhiều, trong cuộc sống sinh hoạt của người dân.
|
Nỗ lực tìm việc làm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới (Ảnh: Xinhua) |
Ngày mùa đông lạnh giá, một người dân Nhật Bản bước vào nhà hàng tại trung tâm thủ đô Tokyo, vào giờ ăn trưa. Thời gian đầu, ông đã ăn một bữa ăn trị giá 598 Yên (6,7 USD) mà vẫn chưa hết do dự. Tiếp sau đó, tình hình cũng xảy ra tương tự đối với bữa ăn 550 Yên (6,1 USD) và thậm chí là bữa ăn 480 Yên (5,4 USD). Đây là điều thường xảy ra đối với ông Nakagawa, một lao động 39 tuổi. “Trước đây, tôi thường ăn trong các nhà hàng bên cạnh với giá 800 Yên (9 USD)/bữa. (…) Nhưng hiện nay, tôi không thể tiêu quá 500 Yên (5,6 USD) cho bữa ăn trưa” - ông Nakagawa cho biết - “Những tháng vừa qua, vợ tôi không đưa cho tôi quá 30.000 Yên (336,7 USD) để chi tiêu, trong khi thời gian trước, cô ấy đưa cho tôi khoảng 50.000 Yên (561,2 USD)”.
Về phía các nước phương Tây, tình hình kinh tế khó khăn cũng đã và đang tác động mạnh mẽ tới đời sống thường nhật của nhiều người dân, điển hình là tại nước Mỹ, trong đó những người thất nghiệp chính là những người phải gánh chịu khó khăn lớn nhất. Ông Steven Nylon, cựu kỹ sư làm việc cho hãng sản xuất ô tô General Motors (GM) có trụ sở đặt tại Detroit, đã một lần nữa nhớ lại tâm trạng thất vọng và chán chường khi nhận được quyết định sa thải vào tháng 3/2009 trong khi ông hoàn toàn không mong đợi điều đó. “Hiện nay, mỗi ngày tôi bỏ ra thời gian để tìm việc làm nhiều hơn là thời gian tôi đi làm trước đó. Những ngày chưa có kết quả thật khủng khiếp”, ông khẳng định. Vợ ông, Stephanie, trước đây vốn luôn chỉ đảm nhiệm công việc nội trợ trong gia đình thì gần đây cũng đã phải đi tìm việc làm. Cặp vợ chồng này cũng thuê một ngôi nhà khác, nhỏ hơn để giảm bớt khoản vay ngân hàng, các khoản thuế nhà đất và các khoản chi tiêu liên quan khác. Tuy vậy, điều đáng nói là mặc dù liên tiếp phải chứng kiến nhiều diễn biến thay đổi trên song ông Nylon vẫn có vẻ lạc quan. Sự tức giận và áp lực hiện đã lùi ra phía sau và ông vẫn lạc quan về các cơ hội sắp tới để cải thiện cuộc sống và chuẩn bị cho tương lai. “Tuần này, tôi đã nghiên cứu lắp một phần mềm 3D để làm giàu thêm hiểu biết và kỹ năng của mình. Tôi cũng đã chuẩn bị được bữa tối cho vợ và hai con”, ông cho biết.
Ông Michael Balboa, cựu quản lý quỹ tại London, cũng có thái độ lạc quan tương tự khi nhìn nhận về cuộc khủng hoảng kinh tế với nhiều cơ hội mới. Sau khi bị sa thải như phần lớn các nhà đầu tư khác trong thời điểm thị trường đi xuống, ông Michael Balboa đã sáng lập ra một đơn vị chuyên giám sát và quản lý các cơ sở vật chất cho doanh nghiệp. Trong diễn biến phục hồi kinh tế thế giới, cơ sở của ông đã phát triển thêm công việc tại London, New York và Singapore. Khác với phần lớn các nhà đầu tư, ông Balboa tuyên bố lạc quan về tình hình kinh tế thế giới. Ông cho rằng mỗi khó khăn gặp phải chính là một bài học để thử thách năng lực của các nhà đầu tư cũng như tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp phát triển vững chắc.
Các doanh nghiệp: Hy vọng đi kèm lo sợ
Tại Mỹ, người khổng lồ trong lĩnh vực chế tạo ô tô General Motors cuối cùng cũng đã tìm được thị phần mới sau khi tiến hành cải tổ vào tháng 6/2009. Kết quả này đạt được phần lớn nhờ vào quyết định của chính phủ Mỹ áp dụng hồi mùa hè năm 2009, theo đó tặng lên tới 4.500 USD cho người dân nào đổi xe dùng xăng cũ lấy loại xe mới tiết kiệm nguyên liệu hơn. Song, do chương trình này chỉ được duy trì tạm thời nên tháng 8/2009, sau khi chương trình hết hiệu lực, doanh số bán xe hơi của Mỹ cũng bắt đầu giảm và người ta hoài nghi về tính bền vững của sự phục hồi này.
|
Công nghiệp chế tạo ô tô - một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế (Ảnh tư liệu) |
Tuy nhiên, mặc dù còn đầy rẫy những khó khăn song công nghiệp chế tạo ô tô vẫn chỉ là một trong vô số các lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc khủng hoảng này. Bên cạnh đó, phải kể đến các ngành công nghiệp liên quan tới bất động sản vốn được xem là nạn nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
Tại Anh, ông Markus Arkermann, Tổng Giám đốc hãng sản xuất vật liệu xây dựng Holcim, cho biết tổng khối lượng sản xuất trong lĩnh vực xây dựng đã giảm xuống 15% kể từ khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng. Theo ông đánh giá, mặc dù chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế song các thị trường thương mại và bất động sản cũng bị tác động không ít.
Đặc biệt, vào thời điểm mà mọi người bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu phục hồi của nền kinh thế giới thì hy vọng của họ lại phần nào bị dập tắt cùng cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường Dubai hồi cuối tháng 11 năm trước. Người ta đặt ra một câu hỏi lớn: “Liệu mặt trời đã lặn ở Dubai World?”. Theo thống kê của Deutsche Bank, giá bất động sản tại Dubai đã giảm xuống một nửa kể từ tháng 8/2008.
Tại một quốc gia phát triển khác - Pháp, chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy, với cùng nỗ lực nhằm cứu vớt nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, cũng triển khai một chuỗi chính sách kích thích tăng trưởng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và bước đầu đạt được kết quả khả quan, đưa sản xuất công nghiệp đạt tăng trưởng bền vững. Các đơn hàng tăng lên đáng kể và hoạt động thương mại bắt đầu khôi phục. Song, theo một nghiên cứu được công bố trên tờ La Tribune, 2/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp vẫn còn tiếp tục phải chịu áp lực suy thoái và 20% các doanh nghiệp này dự kiến tiếp tục sa thải lao động để giảm bớt gánh nặng chi phí, bù đắp những thiệt hại về thương mại.
|
Khủng hoảng kinh tế buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa dừng hoạt động (Ảnh: AP) |
Một cuộc khủng hoảng có thể được nhìn nhận như một cơ hội để các doanh nghiệp huy động mọi nguồn lực, thực hiện mọi hành động và tìm thấy lối ra phù hợp, hiệu quả nhất cho mình, ông Thomas Mademann, Phó Chủ tịch công ty Hoechst Procurement International (HPI) cho biết. Theo ông, các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội này để “khám phá ra nhiều lỗ châu mai mới” và tìm tòi, loại bỏ các cách thức để tăng sức cạnh tranh.
Các quốc gia: Kinh tế nhạy cảm và dễ bị tác động, thuận lợi pha lẫn khó khăn
Cho tới thời điểm này, trách nhiệm cao và nặng nề nhất đặt ra đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, và thậm chí ngay cả đối với các công dân và các doanh nghiệp, là đấu tranh để loại bỏ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới. Ngay cả khi còn không ít mối đe dọa đang rình rập thì các viễn cảnh về một nền kinh tế quốc tế cải thiện và tăng trưởng ổn định vẫn luôn luôn tồn tại.
Theo ông Thomas Mademann, mặc dù đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực về tình hình kinh tế thế giới kể từ quý II năm 2009 song Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) toàn cầu vẫn suy giảm trong năm qua và đây là diễn biến sụt giảm đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai. Việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát cùng xu hướng bảo hộ thương mại và các bất bình đẳng trên thế giới vẫn là các trở ngại lớn cản trở quá trình phục hồi.
|
Nhân loại hồi hộp theo dõi diến biến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 (Ảnh tư liệu) |
Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của IMF đưa ra nhận định trong năm 2010, châu Á tiếp tục là động lực mạnh mẽ nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Về phía các nền kinh tế phát triển, IMF dự báo mức tăng trưởng 2,1% trong năm nay và 2,4% trong năm 2011.
Tại Mỹ, tăng trưởng năm 2010 dự kiến chỉ đạt ở mức 2,5%. Động lực cơ bản cho nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn vẫn là chi tiêu tiêu dùng, chiếm gần 70% GDP, tuy nhiên động lực này tiếp tục yếu trong năm 2010. Tiêu dùng giảm mạnh vào đầu năm 2010, kéo theo việc giảm tốc độ tăng GDP và sẽ chỉ tăng lại vào giữa năm 2010.
Trong khi đó, dự báo kinh tế của Canada năm 2010 lại rất lạc quan sau giai đoạn suy thoái kéo dài trong năm qua với tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,6 - 2,7%, cao hơn so với mức giảm 2,5% năm 2009. Các chuyên gia nhận định mặc dù triển vọng kinh tế Canada có dấu hiệu cải thiện, song nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và chính phủ nước này cần tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích tăng trưởng. Việc chấm dứt các gói kích thích kinh tế quá sớm có thể làm chậm quá trình phục hồi, làm suy giảm lòng tin của giới kinh doanh, đồng thời khiến thị trường việc làm càng thêm căng thẳng.
Theo Liên hợp quốc, triển vọng kinh tế của các nước Mỹ Latinh sẽ có phần khởi sắc hơn trong năm 2010 với mức tăng trưởng cao nhất là Brazil dự báo ở mức 5,5%, tiếp đến là Urugoay 5%, Panama, Chile và Bolivia đều là 4,5%.
Tại châu Âu, nhìn chung, hầu hết các quốc gia phát triển đều dự báo sẽ thoát khỏi suy thoái, trong đó kinh tế Anh dự kiến tăng trưởng 0,8%; song một số nền kinh tế Tây Âu như Iceland, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha lại vẫn tiếp tục giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.
Tổng thống Nga Medvedev dự đoán kinh tế Nga sẽ tăng trưởng từ 2,5-5%.
Đối với châu Phi, IMF đã nêu ra sự yếu kém và bất ổn của nền kinh tế châu lục này với nguy cơ phải đối mặt với việc giảm viện trợ từ những nước phát triển, bởi chính các quốc gia này cũng là nạn nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính. Do vậy, nghèo đói và thất nghiệp sẽ đe dọa một số nước khu vực Nam Phi, làm cho tình hình xã hội trong vùng càng thêm bất ổn. Bên cạnh đó, thiên tai nhất là hạn hán và lũ lụt tại Đông Phi gây ra hậu quả là cuộc khủng hoảng lương thực thường xảy ra sau đó cũng gây nhiều trở ngại cho con đường phục hồi của châu lục này. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, nhiều người vẫn rất lạc quan về khả năng cải thiện của kinh tế châu Phi. IMF đã dự báo mức tăng trưởng của châu lục này sẽ đạt 4% vào năm 2010; Angola có thể tăng trưởng đến 8,2%; Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất châu Phi có thể tăng trưởng 1,5%.
|
Bông hoa dại nở trên công trường đã buộc phải dừng thi công tại California, Mỹ Triển vọng kinh tế thế giới năm 2010: Cầu vồng sẽ lại đến sau cơn mưa? (Ảnh tư liệu) |
Nhìn chung, báo cáo mới nhất này của IMF đã thể hiện cách nhìn lạc quan hơn về kinh tế thế giới so với thời điểm đưa ra hồi cuối năm trước. IMF cho rằng, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,9% trong 2010 và 4,3% trong năm 2011. Dự báo mới nhất của IMF cũng cao hơn con số mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, theo đó dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2010, đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái kép khi các biện pháp kích thích tăng trưởng kết thúc./..