Khủng hoảng nợ của Hy Lạp và những động thái của EU

Thứ sáu, 26/02/2010 23:55

(ĐCSVN) - Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu khả quan về sự phục hồi thì nền kinh tế Hy Lạp vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ lớn nhất từ trước đến nay, vượt ra khỏi biên giới quốc gia và có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn EU.

 

 Cảnh sát Hy Lạp trấn áp một cuộc biểu tình phản đối chính phủ
  tại thủ đô Athens  
(Ảnh: AFP)

Hy Lạp chưa từng trải qua một cuộc khủng hoảng nào với quy mô lớn đến thế trong vòng 30 năm trở lại đây. Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia, riêng trong quý 4 năm 2009, GDP của nước này đã giảm tới 1, 8%, tiếp tục đà suy giảm 1.5% từ quý 3. Nguyên nhân là nước này đã trở thành con nợ lớn của hàng loạt quốc gia kể từ cuối năm 2008, với số nợ chiếm tới 12,7% GDP, vượt quá xa so với con số nợ an toàn mà EU quy định là 3% GDP. Tỉ lệ thất nghiệp cuối năm 2009 đã vượt mức 10% và dự đoán còn có thể lên tới mức 16% trong năm nay.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi những quyết sách của các nhà lãnh đạo Hy Lạp hiện nay chỉ mang tính chất tình thế thậm chí gây bất đồng trong nhân dân. Đã có một số cuộc biểu tình phản đối chính quyền vì sự kém cỏi trong quyết định cắt giảm lao động và tăng tiền thuế. Chưa cần xét đến hiệu quả của những chính sách này nhưng chắc chắn trong thời điểm hiện nay, nó chỉ làm gia tăng thêm sự bức xúc của người dân đối với chính quyền.

Thủ tướng Hy Lạp George Papaconstantinou trong bản kế hoạch tài chính trình bày trước phiên họp thường kỳ của EU đã hứa hẹn đưa số nợ về mức an toàn 3% GDP vào năm 2012, đồng thời giảm 10 tỉ Euro các khoản nợ ngay trong năm nay. Tuy nhiên các quốc gia khác trong khối đã bác bỏ và yêu cầu một kế hoạch cụ thể hơn nữa, bắt đầu bằng việc siết chặt chi tiêu cho bộ máy chính quyền.

Những động thái của EU

Vấn đề đã không chỉ gói gọn trong biên giới quốc gia này. Tuy nền kinh tế Hy Lạp chỉ đóng góp một phần khiêm tốn trong tổng giá trị nền kinh tế của EU với 2,5%, nhưng vấn đề kinh tế của Hy Lạp có thể ảnh hưởng không nhỏ tới các nền kinh tế khác trong cộng đồng, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ, vốn chiếm đa số trong khối EU.

Đây chính là thời điểm EU cần phải thể hiện sức mạnh nội lực của mình với các cường quốc kinh tế khác, bằng cách cùng gánh vác khó khăn với Hy Lạp và vượt qua những sóng gió trong lĩnh vực tiền tệ. Giải pháp viện tới sự trợ giúp của Quỹ tiền tệ thế giới IMF sẽ chỉ là phương án cuối cùng, khi EU thực sự không có khả năng hỗ trợ. Chắc chắn các nhà lãnh đạo EU không muốn vị thế của mình bị suy giảm khi không giúp đỡ được cho một nền kinh tế thành viên của mình mà phải nhờ tới nguồn lực bên ngoài.

Rõ ràng là EU cần trợ giúp Hy Lạp, các cường quốc trong EU như Đức và Pháp đã lên tiếng khẳng định điều này, tuy nhiên tất cả dường như mới chỉ dừng ở lời nói. Các quốc gia hiện đều án binh bất động và trông chờ vào động thái của Đức – nền kinh tế lớn nhất trong EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định “Sẽ có hành động kiên quyết, đồng bộ nếu cần thiết” để gánh vác khó khăn cùng Hy Lạp.

Việc giảm, xóa nợ và đưa ra một khoản ngân sách cứu trợ cho Hy Lạp xem ra là giải pháp duy nhất, tuy nhiên trong thời điểm mà nền kinh tế thế giới mới chỉ đang gượng dậy sau cơn suy thoái, thì việc rút ngân sách quốc gia ra giúp đỡ chắc chắn không được các cử tri và cũng là những người đóng thuế cho ngân sách ủng hộ. Hơn thế nữa, ngay cả các nền kinh tế mạnh trong khối EU cũng đang còn gặp nhiều khó khăn. Đà phục hồi của Đức đang có nguy cơ bị chững lại, các con số đã chỉ ra GDP quý 4 của nước này không hề tăng trong 3 tháng cuối năm 2009, khiến các nền kinh tế khác càng thêm dè dặt trong việc rút quỹ giảm nợ cho Hy Lạp.

Tuy nhiên, tình trạng án binh này cũng khó có thể kéo dài hơn nữa. Đồng Euro đang tụt giá một cách đáng lo ngại. Kể từ cuối năm 2008, giá trị của đồng này đã suy giảm 10%. Trong khi đồng đôla và bảng Anh đang có chiều hướng tăng giá trị thỉ đồng Euro vẫn tiếp tục đà mất giá, gây nên mối quan ngại lớn cho các nhà lãnh đạo châu Âu.

Trong hoàn cảnh này, EU không có nhiều lựa chọn và dù miễn cưỡng cũng sẽ phải rút hầu bao nếu không muốn cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng hơn.

Tuy nhiên, không ai trong số các nhà lãnh đạo châu Âu muốn trường hợp của Hy Lạp trở thành một tiền lệ xấu, nhất là khi cũng đang có một số nước lâm vào nguy cơ không trả được nợ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ai Len. Cuộc khủng hoảng lần này ở Hy Lạp đã chỉ ra nhiều kẽ hở trong hệ thống giám sát tiền tệ chung của EU và những nguy cơ tiềm ẩn đối với đồng tiền chung Euro. Các nhà lãnh đạo EU sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đưa đồng tiền chung của mình cũng như nền kinh tế toàn khối vực dậy sau cơn suy thoái bắt nguồn từ Hy Lạp./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực