Kinh tế Châu Âu phục hồi chậm chạp

Thứ hai, 05/04/2010 23:11

(ĐCSVN) - Theo số liệu công bố đầu tháng 4 của Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực 16 nước sử dụng đồng tiền chung euro trong tháng 2/2010 đã tăng lên mức kỷ lục là 10% và tỷ lệ lạm phát vẫn tiếp tục tăng.

 
Khả năng phục hồi kinh tế của các nước Châu Âu vẫn còn rất mong manh.                                                  Ảnh : Tư liệu

Là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ, kinh tế EU về căn bản đã thoát ra "cơn nguy kịch" khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bắt đầu tăng trở lại vào quý III năm ngoái, sau thời kỳ suy thoái dài và trầm trọng nhất trong lịch sử EU.

Báo cáo cũng cho biết cứ 10 người ở khu vực đồng euro thì có một người bị thất nghiệp và trong tháng 2/2010 đã có thêm 61.000 người bị mất việc làm. Tỷ lệ này tăng chút ít so với 9,9% trong tháng 1/2010. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào lưu hành năm 1999, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này ở mức hai con số. Tính chung ở Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước, tỷ lệ thất nghiệp tháng 2/2010 là 9,6%, tăng chút ít so với 9,5% trong tháng trước đó.

Trong khi đó, số liệu của Eurostat cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm khu vực đồng euro cũng tăng ngoài dự đoán, lên 1,5% trong tháng 3/2010, cao hơn so với 0,9% của tháng 2/2010 và là mức cao nhất trong 15 tháng qua.

Giới trẻ Italy tiếp tục trở thành nạn nhân lớn nhất của cuộc suy thoái kéo dài và chưa có xu hướng hạ nhiệt. Theo các số liệu của cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1980, tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên Italy lên tới 28,2% trong tháng 2/2010, tương đương với cứ ba người thì một người không có việc làm. Tỷ lệ này là cao nhất trong số các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu của EU và cao hơn tỷ lệ trung bình của EU là 7,6%.

Chiến lược châu Âu năm 2020 nhằm hiện đại hóa nền kinh tế sẽ phải song hành cùng với việc chỉnh đốn hệ thống tài chính công. Điều này là cần thiết để đạt được sự tăng trưởng bền vững và tạo ra nhiều việc làm. Và người ta đang hy vọng vào thời gian tới khi công cuộc chỉnh đốn hệ thống tài chính công đạt hiệu quả khả quan hơn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực