Lãnh đạo BP điều trần trước Quốc hội Mỹ

Thứ bảy, 19/06/2010 20:44

Các nghị sỹ Mỹ ngày 17/6 đã cáo buộc Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu mỏ Anh BP Tôni Hâyuốt (Tony Hayward) lẩn tránh trách nhiệm khi ông này từ chối trả lời các câu hỏi trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, kéo dài 3 giờ, nhằm tìm ra nguyên nhân của thảm họa tràn dầu được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

 
 Giám đốc điều hành BP Tony Hayward trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ
                                                                                               Ảnh: Xinhua
Xuất hiện lần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ kể từ khi xảy ra sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon hồi cuối tháng 4, làm hàng triệu lít dầu tràn ra biển, ông Hâyuốt vẫn kiên quyết không đi sâu vào chi tiết của sự cố tràn dầu, cho rằng hiện còn quá sớm để đi đến các kết luận. Ông khẳng định không liên quan đến bất kỳ quyết định nào về việc tiến hành khoan, kiểm tra và đảm bảo an toàn giếng khoan.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành BP khẳng định tập đoàn này sẽ bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường tại các khu vực chịu tác động của "thủy triều đen". Ông cho biết hiện mỗi ngày BP đã thu hồi được khoảng 20.000 thùng dầu và dự kiến sẽ tăng thêm 8.000 thùng dầu nữa vào đầu tuần sau.

Trước đó, sau cuộc họp kéo dài bốn giờ ngày 16/6, Tổng thống Barắc Ôbama (Barack Obama) và các quan chức Tập đoàn BP đã đạt được thỏa thuận về một quỹ trị giá 20 tỷ USD nhằm bồi thường các nạn nhân của vụ tràn dầu ở Vịnh Mêhicô. Theo thỏa thuận, quỹ độc lập này sẽ nằm dưới sự quản lý của luật sư Kennét Phênbớc (Kenneth Feinberg) và BP sẽ chi trả 5 tỷ USD/năm trong vòng bốn năm tới để bồi thường thiệt hại do vụ nổ và chìm giàn khoan Deepwater Horizon hồi cuối tháng 4 gây ra.

Trong khi đó, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí "Nhà kinh tế" (The Economists) cho rằng sự cố tràn dầu tại Vịnh Mêhicô hiện đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến tương lai của ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu, nhất là việc khai thác dầu ở vùng nước sâu và khả năng sẽ có các quy định cứng rắn hơn về môi trường đối với hoạt động của các công ty dầu mỏ. EIU cho rằng các vấn đề này sẽ tác động lớn đến khu vực Trung Đông và Bắc châu Phi (MENA) - hai khu vực chiếm 2/3 trữ lượng dầu và gần 40% sản lượng dầu của thế giới hiện nay.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo giới, Thủ tướng Anh Đavít Camêrôn (David Cameron) đã kêu gọi tổ chức "cuộc đối thoại hợp lý" về sự cố tràn dầu của BP trong bối cảnh các quan chức cấp cao của tập đoàn này phải tham gia các phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Kể từ khi xảy ra vụ nổ, ước tính lượng dầu đổ ra biển đã vượt quá 370 triệu lít, cao gấp hơn chín lần lượng dầu tràn trong thảm họa Exxon Valdez năm 1989 ở Alaxca (Alaska), Mỹ. Hiện nhà chức trách Mỹ đã phải tăng diện tích vùng cấm đánh bắt cá ở hải phận lên gần 210.000 km vuông, (tương đương 33,4% vùng lãnh hải so với 32,3% hồi đầu tháng).

Thảm họa trên đã khiến lòng tin của người dân Mỹ đối với vị lãnh đạo của mình sụt giảm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát do CNN/Opinion Research tiến hành, chỉ có 53% người được hỏi cho rằng cách điều hành và giải quyết công việc của Tổng thống Barắc Ôbama  là hiệu quả, giảm 7% so với 6 tháng trước và 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống G.Busơ (G.Bush) cũng chỉ giành được sự ủng hộ của khoảng 52% người dân Mỹ trong việc đối phó với cơn bão Katrina hồi năm 2005.

Mặc dù vậy, ông Ôbama vẫn đang giữ được sự tín nhiệm cao của người dân tại châu Âu và châu Á. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew đối với 24.000 người dân tại 22 quốc gia trên thế giới, có tới 84% người dân Pháp, 90% người dân Đức, 84% người dân Anh, 76% người Nhật Bản, và 95% người Kênia đặt niềm tin vào Tổng thống Mỹ. Thậm chí kết quả khảo sát còn cho thấy ông Ôbama được ưa chuộng hơn cả Tổng thống Pháp Nicôla Xáccôdi (Nicolas Sarkozy) và Thủ tướng Đức Angiêla Mécken (Angela Merkel)./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực