Liên minh phòng thủ Tây Âu (WEU) giải thể: Dỡ bỏ "di sản" thời Chiến tranh Lạnh

Thứ năm, 08/04/2010 16:54

Ảnh minh họa
Sau 63 năm tồn tại, Liên minh Phòng thủ Tây Âu (WEU) - tổ chức quân sự được thành lập từ thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh nhằm đối trọng với Liên Xô - sẽ chính thức giải thể vào cuối tháng 6 năm 2011. Một số thành viên kỳ cựu của tổ chức này cho rằng, đã đến lúc WEU phải rời khỏi vũ đài quân sự thế giới do quá lỗi thời, không còn phù hợp với cơ cấu an ninh ở châu Âu hiện nay.

Được thành lập năm 1948 theo Hiệp ước Brúcxen, WEU có 10 thành viên chính thức gồm: Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hy Lạp, Lúcxămbua và 18 nước thành viên liên kết. Hiện tại, cơ quan này có trụ sở đặt tại Brúcxen (Bỉ), với số nhân viên hơn 60 người, nhưng ngân sách chi cho WEU lên đến 13 triệu ơrô/năm cho thấy tầm mức hoạt động của WEU trong hơn 6 thập kỷ qua.

Dẫu vậy, sự tồn tại của WEU đã chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng không thể vất bỏ, khi Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời năm 1949, một năm sau khi WEU thành lập, theo sáng kiến của một số cường quốc Tây Âu và Mỹ. Kể từ đó, WEU mất vai trò là "nhân vật" chính đối trọng với Liên Xô. Từ năm 1996, theo hiệp định sửa đổi Hiệp ước EU ký tại Amxtécđam (Hà Lan), WEU trở thành một bộ phận của EU, chuyên về lĩnh vực phòng thủ và nhiệm vụ chủ yếu của nó là phối hợp chính sách an ninh giữa các nước châu Âu. Sự kiện EU thông qua Hiệp ước Lisbon cuối năm 2009, trong đó thúc đẩy xây dựng một chiến lược an ninh mới, tương xứng các chính sách hợp tác về chính trị và kinh tế của khối đã tiếp tục loại WEU khỏi nhiệm vụ chủ yếu nêu trên.

Mặc dù "xóa sổ" WEU được xem là một hành động mang tính thủ tục, song thời điểm EU chọn để từ bỏ một "di sản" từ thời Chiến tranh Lạnh, đúng lúc Nga đang nỗ lực kêu gọi xây dựng một hiệp ước an ninh châu Âu mới, là một tín hiệu thiện chí nhằm cải thiện mối quan hệ Đông - Tây vốn không mấy êm ả trong thời gian qua.

Mátxcơva cho rằng, trong 20 năm qua, nền an ninh châu Âu ngày càng trở nên yếu kém do bị xói mòn niềm tin trong kiểm soát vũ khí và sự bùng phát các cuộc xung đột nghiêm trọng. Vì vậy, châu Âu cần thay thế cấu trúc an ninh hiện nay được hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh bằng một cấu trúc an ninh mới mang tính ràng buộc pháp lý. Với Điện Cremli, một cấu trúc an ninh cùng một hiệp ước đi kèm sẽ thiết lập một không gian an ninh thống nhất, giúp "đoạn tuyệt với di sản của Chiến tranh Lạnh". Vì vậy, cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Đmitơri Métvêđép đã đề nghị đưa vào luật pháp quốc tế nguyên tắc thống nhất về an ninh. Theo đó, không một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương được củng cố an ninh của mình theo hướng gây phương hại đến an ninh của các nước và tổ chức khác.

Mặc dù đến thời điểm này, EU vẫn chưa đưa ra một lập trường thống nhất trước đề xuất của Nga về hiệp ước an ninh mới cho châu Âu; nhưng trong bối cảnh Mátxcơva đang rất thành công trong quá trình phục hồi vị thế vốn có thì, việc EU quay mặt lại với đối tác khổng lồ phía Đông cùng những lợi ích trông thấy sẽ là một lựa chọn không khôn ngoan.

Vượt lên mọi con số về kinh tế, việc gỡ bỏ một biểu tượng từ thời Chiến tranh Lạnh từng tồn tại hơn 60 năm qua tại Brúcxen (Bỉ) như WEU chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Đây là một sự kiện mang tính lịch sử. Nó làm tăng đáng kể "thiện chí" của EU theo hướng góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Nga tiến lên phía trước.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực