Liệu Nhật Bản có thể thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập hơn với Mỹ

Thứ hai, 01/03/2010 16:32
(ĐCSVN) - Mong muốn cân bằng lại chính sách đối ngoại, tiến tới quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Ha-tô-y-a-ma đã dấy lên hồi chuông cảnh báo và làm nảy sinh mối nghi ngờ về sự đổ vỡ trong quan hệ liên minh Mỹ - Nhật.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, trên hực tế, Tô-ki-ô không có sự lựa chọn những vấn đề hiện tại có thể sẽ gây tổn hại lâu dài cho quan hệ song phương. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn mô tả quan hệ Nhật - Mỹ là “đích thực không thể thiếu”.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến liên minh Mỹ - Nhật sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Lý do rõ ràng nhất là Tô-ki-ô và Oa-sinh-tơn đang cùng chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích địa chính trị. Bên cạnh đó, liên minh này cũng sẽ bảo đảm an ninh cho Nhật Bản với chi phí thấp. Người dân Nhật Bản phàn nàn về khoản tiền khoảng 4 tỷ USD mà họ phải bỏ ra mỗi năm như một khoản hỗ trợ của nước chủ nhà, nhưng trên thực tế, hầu hết số tiền đó được trả cho người Nhật Bản làm việc tại các căn cứ của Mỹ và làm lợi cho nền kinh tế địa phương. Hơn thế nữa, thậm chí khoản tiền 6 tỷ USD mà Nhật Bản có thể phải bỏ ra để di dời lực lượng Hải quân đánh bộ Mỹ tới đảo Gu-am là số tiền quá nhỏ so với chi phí để thay thế lực lượng này bằng quân địa phương. Về phòng thủ tập thể, không có kiến trúc an ninh đa phương nào ở khu vực châu Á, hay ít nhất là không có cơ chế nào để Nhật Bản có thể tin tưởng khi các mối đe doạ đang hiện hữu từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Đằng sau những thách thức về chính trị và ngoại giao là một loạt những vấn đề kinh tế cấp bách có nguy cơ ngăn cản việc Nhật Bản theo đuổi con đường an ninh mới. Mọi sự điều chỉnh đều đòi hỏi Tô-ki-ô phải tăng ngân sách quốc phòng, cao hơn mức 1% GDP mà nước này duy trì từ vài thập kỷ qua.

Xu hướng chi tiêu tiết kiệm có lẽ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn dưới thời Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma. Dù những nhân vật có ảnh hưởng lớn của đảng  Dân chủ Nhật Bản cầm quyền (DPJ) muốn Tô-ki-ô thực hiện một chính sách ngoại giao quyết đoán và độc lập hơn với Oa-sinh-tơn, nhưng trọng tâm của Chính phủ lại chủ yếu hướng vào các vấn đề đối nội. Mục tiêu cao nhất của Chính phủ Nhật Bản hiện nay là giành quyền kiểm soát vững chắc đối với ngành dân chính và chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện. Nếu đạt được những mục tiêu đó, Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma và Nội các của ông sẽ bắt tay vào chương trình nghị sự trong nước, bao gồm thúc đẩy công nghệ xanh, dành thêm trợ cấp cho nông dân và các chương trình vận động ưu tiên khác, mở rộng hỗ trợ chăm sóc trẻ em và những khoản trợ giúp khác cho các hộ gia đình và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cơ cấu dân số đang già đi nhanh chóng.

Giới phân tích cho rằng, những ưu tiên này sẽ “chiếm” nhiều nguồn lực và ảnh hưởng tới mở rộng sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma trì hoãn vô thời hạn việc xây dựng phương hướng mới cho Chương trình phòng thủ quốc gia cũng như Chương trình phòng thủ trung hạn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn hiện nay là việc Chính phủ Nhật Bản đang thiếu ngân sách. GDP của Nhật Bản sẽ không thể tăng trưởng đủ nhanh trong thập kỷ tới để tài trợ cho những chương trình mới vốn rất tốn kém. Trong ngắn hạn, Nhật Bản có thể tạo được tăng trưởng cao hơn nếu có đủ nhu cầu để tận dụng công suất dư thừa hiện tại. Tuy nhiên, các công ty sẽ đóng cửa dần những cơ sở sản xuất dư thừa và tăng trưởng GDP có khả năng sẽ giảm xuống dưới 1,5%.

Để có đủ ngân sách cho chiến lược quốc phòng mới, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ phải đi vay. Tuy nhiên, khả năng Tô-ki-ô thực thi một chiến lược mới là không cao. Tổng nợ quốc gia đã lên tới 200% GDP, mức đáng báo động đối với các quan chức Chính phủ và cử tri Nhật Bản. Khoản vay mới sẽ lên tới 8% GDP trong năm 2010, trước khi có thể giảm xuống dưới 6% vào năm 2016 và hạ dần trong những năm tiếp theo.

Tóm lại, do khả năng tài chính hạn hẹp, Tô-ki-ô không thể từ bỏ quan hệ đồng minh với Oa-sinh-tơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Mỹ có thể tiếp tục giữ lập trường cứng rắn trong đàm phán với Nhật Bản. Do đó, có thể Mỹ sẽ dần chấp thuận một số yêu cầu hợp lý của Nhật Bản và chấp nhận rằng, đóng góp tài chính của Tô-ki-ô cho đồng minh có thể sẽ giảm đi.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực