Nhiều năm nay, bất chấp việc bị phản ứng gay gắt, mỗi năm một lần, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại tự trao cho mình cái "quyền" phán xét về nhân quyền của các quốc gia khác, qua một văn bản có tên gọi là "Báo cáo hằng năm về nhân quyền trên thế giới".
Ngày 11-3 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố cái gọi là Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2009 (Báo cáo 2009). Trong đó tiếp tục trịch thượng phán xét tình hình nhân quyền trên thế giới, song lại tảng lờ tình trạng vi phạm nhân quyền đang xảy ra tại chính Hoa Kỳ.
Ðối với Việt Nam, Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2009 tiếp tục lặp lại một số luận điệu cũ rích, thậm chí lặp lại cả một số sự kiện - vấn đề mà bản chất là cố tình xuyên tạc, bôi đen, dựng đứng và bịa đặt do mấy kẻ chống đối Nhà nước và nhân dân Việt Nam vẫn rêu rao trên in-tơ-nét, hoặc truyền bá tại một vài diễn đàn được tổ chức chỉ với mục đích duy nhất là chống phá, làm tổn hại tới hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu không thể phủ nhận trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nói là cũ rích, vì không thể soi mói được cái gì khả dĩ hơn, những người soạn thảo Báo cáo 2009 tiếp tục lặp lại những nhận định có tính chất vu khống đã đề cập trong Báo cáo năm trước, coi bầu cử Quốc hội năm 2007 ở Việt Nam "không tự do, không công bằng", bất chấp thực tế hiển nhiên là Quốc hội Việt Nam đã, đang hoạt động theo tinh thần đổi mới và luôn nhận được sự tin cậy, ủng hộ của nhân dân trên cả nước. Bầu cử dân chủ và công bằng ở Việt Nam hoàn toàn khác xa với bầu cử tại Hoa Kỳ, vì ở Việt Nam, mọi công dân đều có quyền lựa chọn đại biểu của mình vào Quốc hội. Còn ở Hoa Kỳ, như một tác giả đã phân tích thì: "Nơi các nhà dân cử hội họp để soạn thảo và thông qua luật, quy định ngân sáchquốc gia, kiểm soát chi tiêu của Nhà nước và sát hạch những đề cử viên vào các chức vụ quan trọng của chính quyền, và thỉnh thoảng lên tiếng về các vụ việc quốc tế không thuận lợi cho các sách lược của Mỹ...; ta lại biết rằng nơi ấy cũng đã có "các nhóm vận động hành lang quốc hội" tích cực hoạt động không kém... để làm gì? Ðể "hối lộ mua chuộc" các nhà dân cử bởi những đại tập đoàn tiêu tiền như rác cố vận động những đạo luật thông qua sẽ có lợi cho họ; còn nếu cứng đầu không chịu nghe lời thì sẽ không chi tiền để tranh cử trong nhiệm kỳ tới. Hỏi có "dân biểu" nào mà không rét. Dân quèn làm sao đi lọt qua cánh cửa tòa nhà Quốc hội. Vì vậy mà luật lệ đặt ra hằng ngày chất cao như núi, nhưng người thường dân nào có hiểu chút gì trong hòn núi luật ấy?". Nói là cũ rích, bởi Báo cáo 2009 tiếp tục đánh đồng tự do báo chí, tự do tôn giáo với hành vi lợi dụng tự do báo chí, lợi dụng tự do tôn giáo để tuyên truyền chống phá Nhà nước, vi phạm pháp luật và đã bị chính quyền trừng trị. Nói là cũ rích, bởi Báo cáo 2009 vẫn bao che, chạy tội cho mấy "nhà dân chủ cuội" cố tình phạm pháp, cố tình gây nhiễu loạn đời sống tinh thần của xã hội, vừa mong "đục nước béo cò", vừa mong kiếm chác từ nguồn tài trợ của mấy kẻ là người Việt lưu vong đang sống ở Hoa Kỳ. Nói là cũ rích, bởi Báo cáo 2009 chưa khách quan tỉnh táo để nhận ra sự lố bịch trong quan niệm của Hoa Kỳ khi coi việc cơ quan chức năng của Việt Nam thực thi pháp luật là "đàn áp", lại quên (hay cố tình quên) các "nhà tù bí mật" do Cục tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) thành lập đã bị phanh phui? Và họ cũng quên luôn cả sự kiện quân nhân Hoa Kỳ lấy việc hành hạ những người bị giam giữ trái phép ở Goan-ta-na-mô làm thú tiêu khiển đã làm cả thế giới phẫn nộ; còn bốn cảnh sát ở San Jose - Hoa Kỳ, dù đánh đập tàn bạo một sinh viên Việt Nam là Hồ Quang Phương thì lại được miễn tố!?
Thiết nghĩ, trước khi công bố, những người soạn thảo Báo cáo 2009 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần tham khảo một thông tin được công bố trên Ðài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 4-6-2009. Ðó là danh sách các nước an toàn nhất trên thế giới năm 2009 theo Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) do tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) tiến hành, theo danh sách này, Việt Nam đứng thứ 39, còn Hoa Kỳ đứng thứ 83! Lưu ý rằng, chỉ số GPI được đánh giá dựa trên các yếu tố: chiến tranh, xung đột, tôn trọng quyền con người, số các vụ giết người, số người bị cầm tù, tổng lượng mua bán vũ khí và mức độ dân chủ. Chẳng lẽ một tổ chức phân tích có uy tín trên thế giới như EIU lại không sáng suốt, không khách quan bằng những người soạn thảo Báo cáo 2009 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ?
Có một điều cần nhấn mạnh ở đây là, để tiến hành các đánh giá, nhận xét về vấn đề nhân quyền của nước khác, dường như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ khai thác thông tin một chiều, không cần phân định đúng - sai, không cần tìm hiểu nguồn và xuất xứ của thông tin. Nên thông tin về tình hình nhân quyền ở Việt Nam mà Báo cáo 2009 đề cập chủ yếu là khai thác từ các "kênh thông tin đen" do các thế lực thù địch với Nhà nước và nhân dân Việt Nam rắp tâm truyền bá trên in-tơ-nét và một số cơ quan báo chí nước ngoài. Sự phiến diện này hoàn toàn có thể đưa tới câu hỏi có tính nghi ngờ về thiện chí của Hoa Kỳ trong khi đề cập, phê phán vấn đề nhân quyền ở nước khác. Ðúng vậy, nếu nhân quyền là khát vọng và mục đích hướng tới của một số người trong chính giới Hoa Kỳ thì họ hãy hành động để những người dân lành lương thiện ở Pa-le-xtin, ở I-rắc và nhiều nước trên thế giới được làm chủ vận mệnh của mình, được sống trong hòa bình, thoát khỏi cảnh nghèo đói và phát triển.
Khi phân tích sự khác nhau giữa nhân quyền ở Hoa Kỳ và nhân quyền ở Việt Nam, một tác giả đã viết trên web sachhiem của người Việt ở nước ngoài như sau: "Người ta hay ca tụng nền dân chủ tây phương hiện nay là hệ thống dân chủ cho phép dân chúng có quyền thay đổi giới cầm quyền mà không cần thay đổi căn bản luật pháp của chính thể tức Hiến pháp. Ðiều này có thể giảm bớt những bất trắc và bất an chính trị hơn là thay đổi chính trị bằng bạo động. Nhưng ta cũng không nên quên bộ máy công lực trấn áp siêu hiệu lực những mầm mống hỗn loạn ngay từ trứng nước để không bùng nổ lớn được; nó đã góp một phần không nhỏ trong tiến trình "dân chủ hóa" này. Vì các nước nhỏ chưa kiện toàn được bộ máy trấn áp một cách dứt khoát vì sự ổn định của xã hội nên thường là đối tượng để tây phương tìm cách gây rối loạn qua việc kêu gào "nhân quyền, tự do, dân chủ"... Theo Hiến pháp thì người dân Việt Nam bầu ra Quốc hội những người đại diện cho dân để họ bầu ra chủ tịch nước và chính phủ. Nền dân chủ này dĩ nhiên chưa phải là hoàn hảo nhưng là cần thiết để ổn định xã hội, để người dân rồi sẽ tìm ra được một thể chế tốt đẹp, hợp với nếp sống và văn hóa của mình mà không bị xáo trộn bởi những âm mưu xâm lấn phá hoại của các thế lực từ bên ngoài". Một người Việt còn có thể nhận thức đầy đủ về sự khác nhau về tổ chức xã hội và vấn đề nhân quyền như vậy, chẳng lẽ những người soạn thảo Báo cáo 2009 lại không có được nhận thức ấy? Và phải chăng, họ không quan tâm tới các bài học mà Việt Nam đã rút ra được từ kinh nghiệm thành công của mình trong vấn đề nhân quyền là: đặt nhân tố con người vào trung tâm của sự phát triển đất nước, các quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia; kết hợp hài hòa giữa các giá trị phổ quát của các quyền con người và hoàn cảnh đặc thù riêng của quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế và mở rộng đối thoại trong lĩnh vực quyền con người; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao nhận thức và năng lực của người dân trong việc thụ hưởng các quyền.
Trong những năm qua, để phát triển đất nước và bảo vệ quyền con người, Nhà nước Việt Nam coi xóa đói, giảm nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu, và đã triển khai một kế hoạch rộng khắp, với đầu tư lớn và kết quả số hộ nghèo ở Việt Nam ngày càng giảm thiểu. Công việc ấy được kết hợp với việc tiếp tục các chương trình cải cách pháp luật và hành chính, ưu tiên các chính sách chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể chất của người dân, ưu tiên phát triển mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết mặt trái của kinh tế thị trường, ưu tiên bồi dưỡng thế hệ trẻ và đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nghề nghiệp... chính vì thế cho nên sự nghiệp đổi mới đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Do vậy, để đánh giá, nhận xét vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, thì Hoa Kỳ cần nhìn thẳng vào các thành tựu đó. Và tin chắc rằng, nếu thật sự thiện chí thì qua đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của họ, và hằng năm sẽ không còn luẩn quẩn với những điều cũ rích, vừa xúc phạm Nhà nước và nhân dân Việt Nam, vừa can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.