(ĐCSVN) - Tại hội nghị công tác về môi trường đầu tư trong nước vừa được tổ chức
mới đây, Tổng thống Nga Mét-vê-đép tỏ ra không hài lòng về điều kiện đầu tư
hiện nay của Nga. Theo ông, Nga cần khắc phục tình trạng này, thúc đẩy các
doanh nghiệp lớn trong nước trở thành chủ thể kinh tế chủ yếu nhằm thu hút vốn
đầu tư nước ngoài.
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn
cầu, Chính phủ Nga đã thúc đẩy nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Sau
khủng hoảng, Chính phủ Nga đã đưa ra biện pháp chống khủng hoảng tích cực. Hiện
trong nước Nga đã hình thành môi trường đầu tư tốt. Ông Mét-vê-đép cho biết,
Chính phủ Nga đã đi đầu trong các cơ chế ngoại hối tự do, giảm thiểu hạn chế
lưu động vốn, cho phép kinh doanh thương mại, cơ chế kiểm tra kinh tế cá thể và
nới lỏng chính sách liên quan ở mức tối đa. Năm 2009, tỷ lệ đầu tư trực tiếp
nước ngoài chiếm 3,6% giá trị GDP, tổng vốn nước ngoài đầu tư vào kinh tế Nga
giảm 17% và tỷ lệ vốn của Nga trên thị trường đầu tư thế giới giảm 41%.
Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Nga là thay đổi tình
trạng trên. Nếu tiếp tục duy trì cơ chế và biện pháp quan liêu, Nga sẽ mất
nguồn thu nhập từ tài nguyên và nhiều cơ hội tạo công ăn việc làm. Để ủng hộ
những doanh nghiệp quốc doanh sau khủng hoảng, Chính phủ Nga sử dụng nguồn dự
trữ lớn trước khủng hoảng. Sắp tới, Nhà nước sẽ hỗ trợ các công ty lớn ở Nga để
thành những chủ thể kinh tế chủ yếu thu hút vốn nước ngoài.
Theo Tổng thống Mét-vê-đép, Nga cần tích cực thu hút các
chuyên gia kỹ thuật cao của nước ngoài, hoàn thiện môi trường trưng thu thuế,
thúc đẩy gây dựng nguồn vốn, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm phi tài nguyên và
tối ưu hóa cơ chế đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nga sẽ thực thi cơ
chế thu thuế hải quan tiện lợi hơn đối với các sản phẩm công nghệ cho xe hơi và
xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao. Đồng thời, Ông Mét-vê-đép cũng bày tỏ mong
muốn thu hút nguồn “đầu tư lâu dài”, đặc biệt là nguồn đầu tư từ dự trữ của
người dân. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Nga là nỗ lực khôi phục và duy trì
tăng trưởng kinh tế ổn định trên cơ sở cơ cấu kinh tế cân bằng hơn. Theo Tổng
thống Mét vê-đép, năm 2010, Nga tiếp tục hiện đại hóa, đa dạng hóa cải cách và
đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới. Từ góc độ kinh tế và tài
chính, cuộc khủng hoảng lần này cho thấy, ổn định và khôi phục kinh tế là một
quá trình diễn ra lâu dài đối với cả Nga và với thế giới. Năm 2010, các nước
trên thế giới đều coi trọng phát triển kinh tế hậu khủng hoảng, trong đó đầu tư
vào nghiên cứu khoa học sẽ trở thành phương hướng ưu tiên phát triển kinh tế.
Nga đã có những hành động hỗ trợ các lĩnh vực khoa học như năng lượng, năng
lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ, thông tin và y tế nhằm duy trì phát triển
kinh tế ổn định lâu dài.
Để hiện đại hóa kinh tế đất nước, Nga cần phải nhập thiết bị
từ nước ngoài, thu hút kỹ thuật và dịch vụ hiện đại nhất. Nga hy vọng trở thành
một phần trong hệ thống thương mại thế giới và nâng quan hệ với đối tác nước
ngoài lên tầm cao mới. Ông Mét-vê-đép hy vọng, các cuộc đàm phán để Nga gia
nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ hoàn tất trong năm 2010.