Năm 2010: Vượt khó để đi lên

Thứ năm, 21/01/2010 22:37

(ĐCSVN) - Năm 2009, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra, vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý; đồng thời chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại.

 

 Tăng trưởng GDP phụ thuộc
rất nhiều vào xuất khẩu (Ảnh: Internet)

Kết quả đạt được này một lần nữa khẳng định: Sự nhất trí đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt hiệu quả của Chính phủ đã mang lại thành công, đây thành công đáng ghi nhận trong bối cảnh khủng hoảng tài chính của một số nền kinh tế lớn trong năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội khác.

Năm 2009, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,32%, vượt mục tiêu đề ra và đứng vào hàng các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới. Sản xuất công nghiệp thoát khỏi tình trạng trì trệ những tháng đầu năm và cả năm đã tăng 7,6%. Sản xuất nông nghiệp được mùa với sản lượng lúa cả năm đạt 38,9 triệu tấn, tăng 165.700 tấn so với năm 2008. Cân đối kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Tuy nhiên, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Mức thâm hụt ngân sách tuy đã được khống chế, nhưng đã lên tới 7% GDP; nhập siêu hàng hoá năm 2009 tuy đã giảm 32,1% so với năm 2008, nhưng vẫn bằng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá; nhập siêu dịch vụ bằng 18,6% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và tăng 17% so với năm 2008. Lạm phát trong năm tuy được khống chế ở mức hợp lý, nhưng nhìn chung giá cả ngày càng tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát cao.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2010-năm có tầm quan trọng đặc biệt đối với Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010, Chính phủ đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ, trong quí I năm 2010 sẽ tiếp tục chủ động triển khai thực hiện giải pháp ngăn chặn lạm phát cao trở lại nhằm ứng phó với những tác động trễ của các chính sách kích thích kinh tế trong năm 2009 như: Gói kích thích kinh tế, chính sách nới lỏng tiền tệ…

Bên cạnh đó, nắm bắt cơ hội kinh tế thế giới phục hồi, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường mới, đặc biệt là thị trường không đòi hỏi hàng hoá chất lượng quá cao hoặc không có hàng rào kỹ thuật khắt khe đối với hàng hoá Việt Nam như thị trường châu Phi.

Song song xuất khẩu, việc quan tâm và tập trung phát triển thị trường trong nước nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịch vụ làm ra cũng là giải pháp hết sức cần thiết. Chính phủ và từng bộ, ngành, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng mạng lưới phân phối và bán lẻ hàng hoá trong nước để khai thác tốt thị trường nội địa với sức mua của 86 triệu dân; thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời đón bắt tâm lý, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của dân cư để đưa vào kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp, nhằm tạo ra các hàng hoá có mẫu mã phù hợp, bảo đảm chất lượng và giá cả cạnh tranh; có giải pháp mạnh mẽ ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông.

Các chương trình, đề án nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân cần khẩn trương xây dựng và triển khai; trong đó tập trung vào việc thu mua dự trữ các sản phẩm nông sản để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất và chủ động xuất khẩu khi có thị trường thế giới có lợi cho ta; triển khai các biện pháp giảm chi phí giá thành, trọng tâm là sản phẩm thực ăn chăn nuôi và giống cây con; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và công tác dự báo, phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng cần tập trung triển khai chính là đẩy nhanh công tác quy hoạch kinh tế-xã hội vùng và từng địa phương; xây dựng quy hoạch vùng sản phẩm, vùng nông nghiệp chất lượng cao có thế mạnh; tăng cường phối hợp liên kết các địa phương, liên kết vùng nhằm phát huy sức mạnh đồng thời khắc phục hạn chế của mỗi địa phương, mỗi vùng, từ đó tạo sức tăng trưởng mạnh, hiệu quả và bền vững./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực