Hôm nay (20-1-2010) tròn một năm Barắc Ôbama - Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chính thức tiếp quản Nhà Trắng. Chiến thắng trong cuộc bầu cử gay cấn, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ giành được 69% sự ủng hộ của cử tri đã phải tiếp nhận một "di sản" đầy gai góc cả về đối nội với nền kinh tế bên bờ vực khủng hoảng lẫn quan hệ quốc tế cùng sự hoài nghi dâng cao giữa Mỹ với các nước lớn mà người tiền nhiệm để lại sau hai nhiệm kỳ.
Đó là một nước Mỹ cao ngạo, nhân danh chống khủng bố, dùng sức mạnh quân sự lật đổ chính quyền Taliban ở Ápganixtan, rồi đổ quân vào Irắc mà hậu quả là nước Mỹ bị sa lầy trong hai cuộc chiến này. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là gánh nặng nhất trút lên vai Tổng thống B.Ôbama. Với quyết tâm "thay đổi" và "làm mới lại đất nước", đa số cử tri Mỹ và dư luận thế giới ngày này một năm trước đã hy vọng chính quyền Tổng thống Ôbama sẽ nhanh chóng cải thiện được tình hình, sớm khôi phục kinh tế đặc biệt là cải thiện mối quan hệ với các nước.
Dễ dàng nhận thấy, trong năm qua, vực dậy được nền kinh tế là thành công nổi bật nhất của ông B.Ôbama trong chính sách đối nội khi đưa nước Mỹ thoát khỏi đáy khủng hoảng. Gói cứu trợ kinh tế 787 tỷ USD, các bước ổn định tài chính, tái cơ cấu công nghiệp xe hơi - ngành xương sống của nền kinh tế Mỹ, khuyến khích phát triển năng lượng sạch, kinh tế xanh, tạo thêm việc làm... đã giúp nền kinh tế cường quốc này không sụp đổ. Bên cạnh đó, chương trình cải cách y tế đầy tham vọng bước đầu được chấp nhận tại Quốc hội và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã có những bước đi đáng khích lệ.
Trên trường quốc tế, với chính sách đối ngoại thực dụng, kết hợp giữa sức mạnh cứng và quyền lực mềm, hình ảnh một nước Mỹ hung hãn đang được cải thiện với một nước Mỹ biết đối thoại và lắng nghe hơn. Không thể không nhận ra rằng, mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ là không thay đổi. Nước Mỹ vẫn bằng mọi giá duy trì vị trí bá chủ thế giới về chính trị, quân sự và kinh tế. Mục tiêu này được coi là bất biến. Song phương pháp tiếp cận và giải quyết các vấn đề của ông B.Ôbama đang được xem là rất mới và khác biệt với "triều đại" trước. Thông điệp mà chính quyền Ôbama gửi tới thế giới là nước Mỹ giờ đây đã thay đổi, sẵn sàng lắng nghe và hợp tác cùng tất cả các nước, bất kể đó là đồng minh, đối tác hay địch thủ. Ngay trong năm đầu cầm quyền, Tổng thống B.Ôbama đã công du tới trên 20 nước, liên tục gặp gỡ, trao đổi hoặc điện đàm với các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm tạo sự tin cậy và cùng nhau bàn bạc các vấn đề song phương cũng như đa phương. Chính sách ngoại giao này dường như đã đem lại kết quả. Quan hệ giữa Mỹ với hầu hết các trung tâm quyền lực trên thế giới như châu Âu, Nga, Trung Quốc... đều được nâng lên hoặc khởi động lại. Những nỗ lực ngoại giao của chính quyền Ôbama trong năm đầu cầm quyền là đáng ghi nhận. Nó không chỉ giúp cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước và các khu vực trên thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy xu thế đối thoại và duy trì ổn định trên thế giới. Đây hẳn là nguyên nhân khiến ông B.Ôbama trở thành vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ nhận Giải Nôben Hòa bình khi các nỗ lực từ chính trị đến kinh tế và các vấn đề xã hội vẫn còn dang dở.
Rõ ràng, còn bộn bề thách thức đang chờ đợi Tổng thống B.Ôbama ở phía trước. Mặc dù đà suy thoái kinh tế đã được chặn đứng, nhưng chưa báo trước một tiến trình phục hồi mạnh mẽ, thậm chí nền kinh tế hàng đầu thế giới này còn có thể đối mặt với những nguy cơ mới. Hai cuộc chiến tại Ápganixtan và Irắc vẫn chưa tìm ra lối thoát trong khi sự bất bình của người dân Mỹ cũng như của dư luận quốc tế đang ngày càng tăng. Quan hệ đồng minh truyền thống Mỹ - Nhật đang đứng trước thách thức chưa từng có trong vòng 50 năm qua. Tiến trình hòa bình Trung Đông cùng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran vẫn bế tắc. Mục tiêu của Oasinhtơn giành lại ảnh hưởng tại Mỹ Latinh (khu vực từng một thời là "sân sau" của Mỹ) giậm chân tại chỗ. Cam kết đóng cửa nhà tù quân sự Goantanamô không như hứa hẹn, bị hoãn vô thời hạn do Quốc hội Mỹ bác bỏ đã khiến vị tổng thống được người Mỹ đặt nhiều kỳ vọng bước vào năm thứ hai cầm quyền mất tới 19% sự ủng hộ của cử tri. Thêm vào đó, lỗ hổng an ninh đáng báo động suýt nữa khiến nước Mỹ lâm vào chao đảo do vụ đánh bom bất thành trên chuyến bay của Hãng Hàng không Delta Airlines đúng dịp Giáng sinh vừa qua đã ít nhiều làm nước Mỹ choáng váng trên mặt trận chống khủng bố...
Tuy nhiên, sẽ không công bằng khi đánh giá hiệu quả làm việc của Tổng thống Mỹ trong thời điểm này mà không nhìn nhận bối cảnh khi ông Ô.bama tiếp quản Nhà Trắng. Phản ứng của nước Mỹ và quốc tế cho thấy, hơn 350 ngày qua là khoảng thời gian khá khắc nghiệt với ý tưởng thay đổi nước Mỹ. Để biến một mơ ước táo bạo thành hiện thực cần thời gian nhiều hơn thế... Khép lại một năm được cho là đầy sóng gió, năm 2010 được dự báo sẽ vẫn là một năm bộn bề thách thức với vị tổng thống da màu.