(ĐCSVN) - Cuộc chiến ở Iraq do Mỹ phát động đã bước sang năm thứ 8 và vẫn chưa có hi vọng kết thúc trong tương lai gần. Nhìn lại những gì Mỹ và các đồng minh đã làm trong cuộc chiến nhằm "diệt tận gốc" chủ nghĩa khủng bố, người ta không thể không cảm thấy thất vọng.
|
Cảnh đổ nát ở Baghdad (Ảnh: CNN) |
Thiệt hại nặng nề cho các bên tham chiến
Dân thường vẫn luôn là những người chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất trong các cuộc chiến. Theo ước tính, đến nay số thường dân Iraq thiệt mạng đã vượt quá 100 000 người, hàng trăm ngàn người khác bị thương, mất nhà cửa trong các cuộc đánh bom và xung đột. Tính đến cuối năm 2007, đã có tới hơn 2,5 triệu dân Iraq mất nhà cửa vì chiến tranh và cũng khoảng con số đó những người dân phải tị nạn ở Jordan và Syria. Những điều mà nhà cầm quyền Mỹ nói với công chúng về việc chỉ tấn công vào những mục tiêu khủng bố không che giấu nổi sự thật rằng có quá nhiều mục tiêu phi quân sự bị tấn công trong suốt những năm qua.
Tình hình kinh tế Iraq đã lâm vào cảnh nghèo nàn sau cuộc chiến. Ở một số thời điểm, tỉ lệ lạm phát giá tiêu dùng đạt tới 50%. Tỉ lệ thất nghiệp ở đất nước này ở mức 28%, nền kinh tế vốn trông chờ 80% vào khai thác dầu mỏ phục hồi một cách chậm chạp và bấp bênh.
Phía gây chiến cũng phải chịu nhiều tổn thất. Cuộc chiến đã kéo dài quá dự định ban đầu của Mỹ, cho đến nay quốc gia này đã chi 900 tỷ USD, đổ 115 000 quân vào chiến trường Iraq, trong đó 32 000 lính bị thương và chết 5000 lính. Cuộc chiến bắt đầu từ thời Tổng thống George W. Bush, vốn đã không được sự ủng hộ của dư luận trong nước. Dự định ban đầu khi tiến hành cuộc chiến này mà ông Bush đưa ra là nhằm tiêu diệt nhóm khủng bố Al – Qaeda, “bảo vệ nước Mỹ”. Tuy nhiên, không như những gì tính toán, Mỹ và đồng minh đã nhúng chân quá sâu vào vũng lầy chiến tranh, và những gì thu được trước mắt không lấy gì làm khả quan.
Tổng thống Obama sau khi đắc cử đã đưa ra lời khẳng định sẽ kết thúc cuộc chiến và rút toàn bộ lính Mỹ khỏi chiến trường Iraq đến hết năm 2011. Theo ông Obama, đây là một tiến trình hòa bình không thể thực hiện trong chốc lát và cần có thời gian để chính quyên Iraq đủ lực để lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên dường như tiến trình này đã diễn ra quá chậm chạp Ngay tại nước Mỹ, hàng nghìn người đã biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh hôm 20/3 vừa qua nhân kỷ niệm 7 năm ngày Mỹ phát động cuộc chiến chống Iraq.
Bất ổn chính trị kéo dài
Trái ngược với những hứa hẹn tái thiết từ phía Mỹ, đời sống chính trị - xã hội ở đất nước dầu mỏ này vẫn hết sức bấp bênh. Quân đội Mỹ chưa thể giải quyết hết mối đe dọa từ lực lượng khủng bố Al – Qaeda, các chiến binh của lực lượng chiến binh chống Mỹ và một số lực lượng du kích tự phát. Tình hình chỉ lắng dịu trên bề nổi vào khoảng năm 2008 khi có sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng gìn giữ hòa bình. Ngay sau khi quân đội rút quân khỏi thủ đô Baghdah và một số vùng khác, hàng loạt vụ đánh bom liều chết với mục tiêu nhằm vào các cơ quan đầu não đã liên tiếp xảy ra, gây nhiều thương vong cho thường dân vô tội.
Ngay trong nội bộ chính trường Iraq hiên nay cũng tồn tại mâu thuẫn sâu sắc, bắt nguồn từ những mâu thuẫn sắc tộc giữa các nhóm người Shiite, Sunni và nhóm người thiểu số Kurd đã tồn tại rất lâu đời tại quốc gia này. Với trữ lượng dầu đứng hàng thứ 3 trên thế giới và 80% nguồn thu trong nước là từ dầu mỏ, việc phân chia quyền lực có ý nghĩa sống còn với lợi ích sắc tộc, và chừng nào chính quyền non trẻ của Iraq chưa tìm được giải pháp dung hòa giữa các nhóm lợi ích thì tình trạng bạo lực triền miên vẫn chưa thể kết thúc.
Mới đây, ngay trong ngày bầu cử, tuy hàng rào an ninh đã được thắt chặt, nhiều vụ nổ và tấn công bằng đạn pháo vẫn xảy ra ngay tại thủ đô Baghdah, làm chết 37 người. Hiện kết quả cuộc bầu cử cũng đang gây nhiều sóng gió trên chính trường Iraq với tỉ lệ chênh lệch số phiếu giữa các phe không đạt tới mức áp đảo, báo hiệu việc thiết lập chính quyền mới sẽ gặp nhiều trở ngại.
Quá trình tái thiết chậm chạp
Khẳng định của Tổng thống Obama về việc rút phần lớn quân khỏi Iraq vào tháng 8 năm nay xem ra khó có thể thực hiện được với tình hình này. Hãy chờ xem thời hạn rút toàn bộ quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011 có thể thành hiện thực hay không.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Iraq vẫn đang trong quá trình lên kế hoạch tái thiết đất nước.
Với nguồn thu chủ yếu từ dầu mỏ, đẩy mạnh khai thác là cách hữu hiệu nhất đưa đất nước này phục hồi. Một số kế hoạch hợp tác và đẩy mạnh khai thác dầu mỏ giữa chính phủ Iraq với các nhà đầu tư nước ngoài đã được ký kết, ước tính mang lại 200 tỉ USD cho nước này trong vòng 6 – 7 năm tới. Tuy nhiên, thời gian đó có lẽ là quá dài, trong khi ước tính ¼ người dân Iraq đang sống trong cảnh nghèo khổ và thiếu thốn điều kiện sinh hoạt cơ bản.
Nghịch lý giữa quá trình xây dựng lâu dài và những vụ bạo động gây nhiều thiệt hại vẫn đang liên tiếp xảy ra, giữa số tiền khổng lồ bỏ ra cho chiến tranh trong khi chỉ cần chưa đầy 1/3 số đó để tái thiết nước khiến cho tương lai phục hồi của đất nước này vẫn còn rất mịt mờ./.