Những nghi ngại mới trong quan hệ Nga - NATO

Thứ hai, 01/03/2010 15:29
 
Bệ phóng tên lửa Patriot PAC-3 của quân đội Mỹ.
Cuối tháng 1-2010, Nga và NATO phê chuẩn khung hiệp ước hợp tác quân sự, bước đi quan trọng hướng tới khôi phục đầy đủ quan hệ song phương. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lại rộ lên những nghi ngại chung quanh các vấn đề chủ chốt từng gây mất lòng tin trong quan hệ giữa Nga với NATO và Mỹ: NATO xúc tiến mở rộng liên minh, đi kèm triển khai chiến lược an ninh mới; Mỹ tiếp tục kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Trong chuyến thăm Moscow giữa tháng 2 vừa qua, nhóm chuyên gia NATO, do cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Ôn-brai dẫn đầu, lần đầu thảo luận với phía Nga về chiến lược an ninh mới của NATO, trong đó có khả năng NATO tiến công quân sự nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng ở bên ngoài khu vực trách nhiệm truyền thống của khối này. Quan điểm chiến lược này được đưa ra tại Hội nghị cấp cao NATO kỷ niệm 60 năm thành lập, tháng 4-2009. Dự thảo kế hoạch hoạt động 10 năm tới của NATO nêu rõ các nguy cơ mới liên quan cung cấp năng lượng, máy tính và internet, cướp biển... và khẳng định sẽ đối phó các nguy cơ bằng vũ lực, ở bất cứ nơi nào, chỉ cần quyết định từ ban lãnh đạo NATO. Tổng Thư ký NATO A.Rasmussen tuyên bố trong một cuộc gặp sinh viên nước ngoài ở Washington ngày 22-2 rằng, Gruzia và Ukraine nên đẩy nhanh cải cách phù hợp các tiêu chuẩn tư cách thành viên của NATO...

Nhưng cả Mỹ và NATO vẫn muốn làm dịu căng thẳng và kêu gọi sự "hợp tác tốt đẹp hơn" với Nga. Tại một hội nghị quốc tế tổ chức ở Washington ngày 22-2, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton khẳng định, NATO không gây nên những thách thức về an ninh đối với Nga và kêu gọi tạo lập mối quan hệ quân sự song phương cởi mở hơn. Ông Rasmussen cũng nhắc lại rằng, Moscow không nên lo ngại về NATO, mà thúc đẩy hợp tác tốt hơn với NATO trong một loạt vấn đề quan tâm chung, như Afghanistan hay phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa...

Tuy nhiên, chiến lược an ninh mới của NATO vẫn khiến Moscow lo ngại. ITAR-TASS dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga S. Lavrov tuyên bố, quan điểm mới của NATO hoàn toàn không phù hợp Hiến chương LHQ. Nga không thể không lo ngại trước việc NATO tiếp tục kế hoạch Ðông tiến, đi kèm chiến lược quân sự mới nhằm mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn thế giới. Giới chuyên gia an ninh Nga khẳng định, chiến lược an ninh của NATO, đứng đầu là Mỹ, hoàn toàn ngược với học thuyết quân sự mới của Nga được Tổng thống D.Medvedev tuyên bố hôm 5-2. Moscow, cho rằng sự mở rộng NATO tới gần biên giới Nga là nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Nga. Moscow không bao giờ tán thành việc NATO bỏ qua LHQ, tự ra các quyết định tiến công quân sự trên thế giới.

Trong khi đó, những nghi ngại chung quanh kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu đe dọa an ninh quốc gia Nga xuất hiện trở lại, sau hàng loạt động thái gần đây của Mỹ. Nga từng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ B.Obama, đưa ra hồi tháng 9-2009, từ bỏ kế hoạch của chính quyền tiền nhiệm bố trí trạm ra-đa và tên lửa tại CH Séc và Ba Lan, một phần hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (NMD). Tuy nhiên, ông Obama vẫn xúc tiến một kế hoạch mới. Ngày 4-2, Rumani đã đồng ý để Washington triển khai trên lãnh thổ của mình các tên lửa đánh chặn tầm trung, một phần trong NMD. Theo giới phân tích, dường như quyết định của Nhà trắng chuyển sang triển khai lá chắn tên lửa tại Rumani là giải pháp ôn hòa, không khiến Moscow phật lòng. Mặc dù hệ thống mới này trên thực tế không đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga, nhưng Moscow vẫn nghi ngại và yêu cầu Mỹ giải thích về quyết định "tạo bước đệm" tại Rumani, cũng như dự định đưa tàu Aegis trang bị tên lửa vào Biển Ðen. Với Moscow, các kế hoạch trên của Mỹ tác động lớn đến bức tranh an ninh chung của cả châu Âu, trong đó có Nga.

Nghi ngại gia tăng sau khi Bộ Quốc phòng Ba Lan, ngày 21-2, công bố kế hoạch triển khai khẩu đội tên lửa Patriot và khoảng 100 binh sĩ Mỹ tại TP Morag, miền bắc Ba Lan, từ đầu tháng 4 tới. Ðây là một phần trong thỏa thuận giữa Ba Lan và Mỹ ký tháng 12-2009 về nâng cấp hệ thống phòng không của Ba Lan, được coi là điều kiện cơ sở để Mỹ triển khai NMD ở nước Ðông Âu này. Giới chuyên gia Nga chỉ trích, việc Mỹ và Ba Lan bố trí các bộ phận của NMD tại địa điểm cách biên giới tỉnh Kaliningrad của Nga khoảng 100km, khi không có nguy cơ nào đe dọa an ninh châu Âu, là không thể chấp nhận được. Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo sẽ nâng cấp các căn cứ hải quân nước này tại Kaliningrad và triển khai tên lửa chiến thuật Iskander ở đây khi có mối đe dọa trực tiếp...

Theo kế hoạch, các quan chức Nga và NATO sẽ gặp nhau vào tháng 5 tới để thảo luận hoàn tất kế hoạch hợp tác quân sự. Nga và Mỹ đang trong giai đoạn thảo luận cuối cùng về hiệp ước cắt giảm kho vũ khí chiến lược và hai bên lạc quan rằng thời điểm ký Hiệp ước START rất gần. Trong bối cảnh đó, những động thái nêu trên của Mỹ và NATO đi ngược những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương giữa Nga và NATO. Giới phân tích chỉ rõ, sự thiếu tin cậy về chính trị đã khiến cho Hội đồng Nga - NATO, khuôn khổ hợp tác song phương quan trọng, không thể giúp xây dựng một mối quan hệ đối tác thật sự hiệu quả giữa hai bên. Những nghi ngại nếu không sớm được gạt bỏ chắc chắn sẽ làm xói mòn mối quan hệ giữa Nga và NATO vốn đã trải qua nhiều thăng trầm.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực