Những quyết định quan trọng, những trận xuất sắc

Thứ năm, 22/04/2010 17:25
Ngày 22-4-1975, tại Hà Nội, Bộ Chính trị triệu tập họp khẩn cấp để hội ý về sự phát triển của tình hình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam và đề ra chủ trương, phương châm lãnh đạo trong những ngày sắp tới.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, 15 giờ 30 phút, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn điện gửi các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Ðức Thọ, Phạm Hùng và Lê Trọng Tấn, nêu rõ những nhận định và phân tích đánh giá của Bộ Chính trị, rằng "Tiếp theo những thất bại dồn dập, gần đây địch lại mất Phan Rang và buộc phải rút khỏi Xuân Lộc.

Chúng không những đã phát hiện lực lượng lớn của ta ở cánh ven biển hướng đông, mà còn phát hiện lực lượng lớn của ta ở hướng lộ 4 và tây - nam Sài Gòn, phần nào phát hiện lực lượng lớn của ta ở hướng bắc. Trước nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt, chúng đã vội vã điều chỉnh bố trí lực lượng. Thế bố trí mới không thể hiện rõ ý đồ cố thủ Sài Gòn, mà để lộ ý định giữ cho được hành lang đường số 4 từ Sài Gòn đến Cần Thơ... Ðể làm chậm cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn, Mỹ - ngụy đã lập chính phủ mới, đưa ra với ta đề nghị ngừng bắn, đi đến một giải pháp chính trị, hòng cứu vãn tình thế thất bại hoàn toàn của chúng"(1). Ðiều đó cho thấy, kẻ địch của chúng ta đang hết sức hoang mang, rối loạn, lâm vào bước đường cùng, tìm mọi cơ hội có thể để nhằm cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn biết chắc là không tránh khỏi đang đến gần. Từ những phân tích, đánh giá khoa học đó, Bộ Chính trị khẳng định "Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi"(2). Do đó, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam cần phải nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, nỗ lực cao độ "tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công". Bởi vì, "hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị"(3). Bộ Chính trị chỉ thị: "Ra mệnh lệnh ngay cho các hướng hành động kịp thời, đồng thời chỉ thị cho Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội. Sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động"(4).

Cùng ngày, Quân ủy Trung ương điện cho đồng chí Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, nêu rõ: Ðịch trì hoãn để tìm cách đề nghị ngừng bắn, kéo dài sang mùa mưa... Sài Gòn không giữ nổi thì chúng rút về đồng bằng sông Cửu Long, lấy Cần Thơ làm trung tâm... Do đó, lệnh cho cánh quân hướng tây nam và đường số 4 sẵn sàng ngăn chặn, tiêu diệt địch trong tình huống chúng rút từ Sài Gòn về Cần Thơ.

Chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các cánh quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh của ta gấp rút làm công tác chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Tại sở chỉ huy cánh đông, sau khi nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh do phái viên của Bộ Tư lệnh chiến dịch truyền đạt, ngay trong đêm 22-4, Ðảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã triệu tập họp khẩn cấp để kịp thời nghiên cứu, quán triệt nhiệm vụ được giao và xây dựng kế hoạch tác chiến của Quân đoàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Cũng trong ngày 22-4, Kế hoạch tiến công Sài Gòn-Gia Ðịnh được Ðảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức thông qua và phê duyệt lần cuối cùng với tư tưởng chỉ đạo bảo đảm chắc thắng; chú trọng những trận đánh quan trọng vòng ngoài; không cho địch co cụm về Sài Gòn; tổ chức các mũi thọc sâu đủ mạnh đánh thẳng vào các mục tiêu đầu não, nhanh chóng kết thúc chiến tranh... Các đồng chí Hoàng Cầm và Hoàng Thế Thiện, Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn 4, tới Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh báo cáo tình hình và thông qua quyết tâm với các đồng chí Phó Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn và Phó Chính ủy chiến dịch Lê Quang Hòa.

Với quyết tâm giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tập trung binh lực lớn lên tới 270 nghìn quân (trong đó 250 nghìn bộ đội chủ lực, 20 nghìn bộ đội địa phương) và 180 nghìn lực lượng bảo đảm hậu cần chiến dịch).

Như vậy, trên cơ sở nắm bắt tình hình chiến sự kịp thời, Bộ Chính trị đã sáng suốt đề ra quyết tâm chiến lược chỉ đạo quân và dân ta tranh thủ thời gian quý báu từng giờ, tích cực chuẩn bị lực lượng áp đảo, chính thức mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam.

(1), (2), (3), (4): Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2004, tr 166-167.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực