Một loạt nỗ lực ngoại giao con thoi đang được tăng cường nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên (bao gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản). Bắc Kinh, chủ nhà của cuộc đàm phán sáu bên, khẳng định tương lai của cuộc đàm phán "hoàn toàn phụ thuộc sự sẵn sàng hợp tác của Oa-sinh-tơn và Bình Nhưỡng".
Cuối tháng 2 vừa qua, các quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên của Mỹ thăm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cùng thời gian này, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc cũng đến Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Hàn Quốc gặp nhau tại Washington Trước đó, Ðặc phái viên LHQ L.Pascoe đã công du Bình Nhưỡng, trong chuyến thăm Triều Tiên lần đầu của một quan chức cấp cao LHQ kể từ năm 2004. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yu Myung–hwan cho rằng, sau chuyến thăm Trung Quốc của Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Kye Gwan và chuyến thăm Triều Tiên của Trưởng Ban Ðối ngoại T.Ư Ðảng CS Trung Quốc Vương Gia Thụy hồi đầu tháng 2, đàm phán sáu bên có thể được nối lại trong tương lai gần.
Những nỗ lực thúc đẩy nối lại đàm phán sáu bên của Trung Quốc thời gian gần đây gây nhiều chú ý. Cuối tháng 2, Trưởng Ban Ðối ngoại Ðảng Lao động Triều Tiên Kim Yâng In đã tới Bắc Kinh, đáp lại chuyến thăm Bình Nhưỡng trước đó của ông Vương Gia Thụy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết, tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên gần đây đang được làm dịu; nhấn mạnh vấn đề hạt nhân Triều Tiên rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan lợi ích của nhiều bên và chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự mềm dẻo để nối lại cuộc đàm phán sáu bên. Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Kye Gwan dự kiến tiến hành chuyến thăm Mỹ trong tháng 3. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Trung Quốc Vũ Ðại Vĩ cũng có kế hoạch tới các nước tham gia đàm phán sáu bên sau dịp nghỉ Tết âm lịch.
Hai "điều kiện tiên quyết" mà Triều Tiên nêu ra cho việc quay trở lại bàn đàm phán sáu bên là: LHQ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận và Triều Tiên ký một hiệp định hòa bình với Mỹ, nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hàn Quốc và Nhật Bản đã bác bỏ những yêu cầu của Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng phải trở lại bàn đàm phán về giải giáp hạt nhân và chứng tỏ tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa trước khi có bất kỳ thảo luận nào về hiệp định hòa bình hay các lệnh cấm vận. Trong khi đó, Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên không nên nhằm mục đích cô lập nước này về kinh tế, mà cần hướng tới việc gạt bỏ những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Quan hệ liên Triều từ đầu năm đến nay có những tín hiệu tích cực. Ðầu tháng 2, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tuyên bố chính phủ của ông sẵn sàng tiến hành một hội nghị cấp cao với CHDCND Triều Tiên, có thể diễn ra trong nửa đầu năm 2010. Cuối tháng 2, Triều Tiên đề xuất tiến hành đàm phán quân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại qua biên giới giữa hai miền tại khu công nghiệp Kaesong. Hai miền cũng đã bắt đầu đàm phán nhằm nối lại các tua du lịch tới núi Cưm Cang và thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên. Tuy nhiên, giữa hai miền còn nhiều bất đồng. Trong tháng 2, quân đội Hàn Quốc nhiều lần được đặt trong tình trạng báo động sau khi CHDCND Triều Tiên diễn tập quân sự bắn đạn pháo vào các khu vực gần đường ranh giới trên biển tranh chấp với Hàn Quốc.
Trong quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ, Bình Nhưỡng cũng đã có những hành động thể hiện thiện chí như trả tự do cho công dân Mỹ và đề xuất nối lại công tác tìm kiếm hài cốt các quân nhân Mỹ mất tích từ thời chiến tranh Triều Tiên. Ðầu tháng 2, Tổng thống Mỹ B.Obama thông báo quyết định chưa đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, bất chấp sức ép của QH Mỹ về việc này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.Crowley bình luận, Triều Tiên vừa qua "đã có những phát ngôn đúng đắn", song nhấn mạnh rằng những tuyên bố này phải được thể hiện bằng hành động là Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và thực hiện cam kết theo thỏa thuận giải trừ hạt nhân để đổi lấy viện trợ.
Trong cuộc gặp Trưởng Ban Ðối ngoại T.Ư Ðảng CS Trung Quốc Vương Gia Thụy vừa qua, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il đã nhắc lại cam kết của nước này về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời lưu ý "sự thành thật của các bên liên quan để khôi phục đàm phán sáu bên là rất quan trọng". Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) gần đây có bài xã luận nhấn mạnh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là nhằm đối phó mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và khẳng định yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là Oa-sinh-tơn phải chấm dứt chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.