Các nạn nhân vụ thảm sát được chôn tập thể. Ảnh: Roi-tơ
|
Cuộc tàn sát kinh hoàng tại một ngôi làng nghèo khó có đông người Thiên Chúa giáo ở Ni-giê-ri-a vừa qua, khiến khoảng 500 người thiệt mạng, là vụ mới nhất trong số các vụ xung đột tôn giáo đẫm máu thời gian qua tại quốc gia châu Phi này.
Đêm ác mộng ở Đô-gô Na-ha-oa
Vụ tàn sát dã man đã qua vài ngày nhưng người dân làng Đô-gô Na-ha-oa đầy nắng và bụi, thuộc thị trấn Giô, thủ phủ bang Pla-tô vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng loạn. Họ vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh những kẻ giết người cao lớn, đeo mặt nạ xuất hiện trong bóng tối vung mã tấu chém giết loạn xạ. Nhà cửa bị đốt cháy. Các mái nhà bằng tôn bị phá hỏng và đập méo mó, các phương tiện đi lại thì bị đốt cháy và chất đống trên các con đường bẩn thỉu. Vết máu đỏ, thâm tím loang khắp nơi trên nền đất cát. Xác chết nằm la liệt. Nhiều người may mắn sống sót đã phải đi lánh nạn.
Theo các nhân chứng, những kẻ giết người điên loạn là nhóm có tổ chức. Chúng đã bí mật bao vây ngôi làng trước khi trời tối. Các tay súng bắn chỉ thiên để đe dọa dân chúng và xua họ ra khỏi nhà. Sau đó chúng bắt đầu thực hiện chém giết. Các bác sĩ địa phương cho biết, các nạn nhân bị chém bằng mã tấu hoặc đốt cho tới chết. I-xắc Pam, một người dân của làng nhớ lại, đầu tiên anh nghe thấy một tiếng nổ cực lớn, sau đó là tiếng súng lác đác từ mọi ngóc ngách. “Ngôi làng bị bao vây. Và tiếng súng nghe ngày càng gần hơn”, Pam kể và cho biết những kẻ giết người cầm trên tay những thanh kiếm dài sáng loáng. Một số mặc đồ màu đen, còn một số mặc đồ ngụy trang. Anh I-dê-ki-en Choang nói trong nước mắt: Chúng giết đứa con gái 6 tuổi và con trai 4 tuổi của tôi. Khi hai đứa đang ngủ trên giường, bọn giết người đã xông vào cắt cổ rồi ném hai con tôi vào lửa.
Hầu hết nạn nhân là trẻ em và phụ nữ. Ngoài làng Đô-gô Na-ha-oa, bọn giết người còn tấn công hai ngôi làng gần đó là Dót và Rát-xát. Chính phủ đã đặt các cơ quan an ninh bang Pla-tô trong tình trạng báo động đỏ, đồng thời chỉ thị lực lượng an ninh ngăn chặn các phần tử tội phạm mang theo vũ khí từ bên ngoài vào bang Pla-tô, và truy bắt các phần tử đứng sau vụ tấn công trên.
Vì sao?
Nhóm giết người được xác định là những phần tử Hồi giáo và nguyên nhân chúng thực hiện cuộc tàn sát đẫm máu được cho là để trả thù cho vụ giết hại khoảng 150 người Hồi giáo Hausa bởi các tay súng Thiên Chúa giáo ở Cu-ru Ca-ra-ma, phía nam thị trấn Giô, hồi tháng 1-2010. Những người sống sót kể lại rằng , những kẻ sát nhân nói tiếng Hausa và Fulani, ngôn ngữ của người Hồi giáo có nguồn gốc từ miền bắc. Người Fulani là những người Hồi giáo phải sống di chuyển nhiều, chăn thả gia súc. Những người này đã sống ở Giô và có xu hướng hòa nhập với người Hausa- chủ yếu sống ở miền nam Ni-giê và Bắc Ni-giê-ri-a.
Giô là nơi có đông người Thiên Chúa giáo sinh sống với các nhóm thiểu số nổi bật là Bê-rom, A-na-gu-ta và A-phi-xa-rê. Họ là những người nông dân sống từ đời này qua đời khác tại vùng đất này. Trong suốt thời kỳ thống trị của chế độ quân sự tại Ni-giê-ri-a (đã chấm dứt năm 1999), người Hồi giáo được coi là những đại diện tiêu biểu của Giô nên đã gây tâm lý oán giận trong cộng đồng Thiên Chúa giáo tại đây. Tại thị trấn Giô, đa số người Hồi giáo sinh sống tại phía Bắc, còn người Thiên Chúa giáo chiếm số đông ở phía Nam. Hơn 50 nhóm thiểu số sống tại đây đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Giô là nơi khét tiếng với nạn bạo lực sắc tộc và tôn giáo tới mức khó tổ chức được các cuộc bầu cử ở đây. Cuộc bạo loạn tháng 9-2001 đã giết chết hơn 1.000 người, các cuộc tấn công giữa những người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo năm 2004 đã cướp đi mạng sống của 700 người. Năm 2008 có thêm hơn 300 cư dân Giô chết vì một cuộc bạo lực tương tự.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng sẽ là sai lầm khi cho rằng nguyên nhân vụ tàn sát bắt nguồn từ lý do tôn giáo. Cuộc xung đột hồi tháng 1-2010 chỉ là một phần. Không thể loại trừ các yếu tố địa phương và phân chia quyền lợi tại đây. Ở Giô, người Hồi giáo luôn bất mãn vì bị khước từ việc làm và không được hưởng nhiều phúc lợi khác do người Thiên Chúa giáo nắm ưu thế trong chính quyền. Những người Thiên Chúa giáo luôn sống trong sự nơm nớp lo sợ bị những người Hồi giáo báo thù. Chính tình trạng đói nghèo tại đây được cho là đã thổi bùng sự căng thẳng giữa các nhóm thiểu số trong thời gian trước đây. Chẳng hạn như khi luật Hồi giáo Sharia được ban hành ở một số bang miền bắc vào năm 1999, tình trạng căng thẳng địa phương đã bùng phát do thất nghiệp tăng cao.
Trong bối cảnh phức tạp ấy, chiến lược của chính phủ Ni-giê-ri-a nhằm tạo sự hòa hợp thông qua đối thoại cộng đồng gần như không hoạt động. Các cuộc đối thoại như vậy và các nỗ lực xây dựng hòa bình được thực hiện từ năm 2001. Ngoài ra, chính phủ Ni-giê-ri-a cũng không hành động mạnh tay để trừng trị những kẻ gây bạo loạn. Trong các vụ bạo loạn trước đây cũng có các vụ bắt giữ nhưng không ai bị đưa ra xét xử. Sau vụ tàn sát ở Đô-gô Na-ha-oa, Ni-giê-ri-a đang phải chịu sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đòi điều tra và đưa những kẻ gây bạo loạn ra xét xử.
Mấy tháng qua, Ni-giê-ri-a nằm trong tình trạng rối loạn về chính trị do Tổng thống U-ma-ru I-a-đua phải ra nước ngoài điều trị bệnh. Ông đã trở về nước nhưng tình trạng sức khỏe chưa cho phép ông điều hành đất nước. Hiện Phó tổng thống Giô-na-than đang tạm quyền. Khoảng trống quyền lực này càng gây lo ngại sẽ xảy ra tình trạng tranh giành quyền lực giữa phe cánh của ông Y-a-đua ở miền Bắc và ông Giô-na-than ở miền Nam.