Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8, gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Ðức, Pháp, Italy, Canada và Nga) họp trong hai ngày 29 và 30-3, tại Thủ đô Ottawa (Canada).
Chương trình nghị sự của hội nghị tập trung vào các vấn đề giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, trong đó chương trình hạt nhân của Iran được đặt lên hàng đầu. Nước chủ nhà Canada kêu gọi G-8 áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Iran. Tín hiệu cứng rắn của Ottawa được phát đi, trong bối cảnh Nga đã tỏ ý ủng hộ các biện pháp trừng phạt Iran, còn Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn của Iran, lần đầu đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Canada L.Cannon thông báo, các nước G-8 đã thảo luận và nhận thấy chương trình hạt nhân của Iran rất đáng lo ngại, kêu gọi các nước không phải thành viên như Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran. Nhóm G-8 một mặt nhất trí tiếp tục mở cơ hội đối thoại với Iran, mặt khác tìm kiếm những biện pháp cứng rắn nhằm buộc Tehran chấm dứt phát triển chương trình hạt nhân của mình. Các Bộ trưởng Ngoại giao G-8 nêu rõ rằng, Hội đồng Bảo an LHQ, chứ không phải G-8, có thể quyết định các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran; đồng thời yêu cầu Iran tuân thủ các nghị quyết của LHQ và hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Trên bình diện quốc tế, hàng loạt cuộc họp, chuyến thăm hay điện đàm liên quan vấn đề hạt nhân của Iran được tiến hành. Cuộc họp của Nhóm P5+1 (gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Ðức) được tổ chức ở Luân Ðôn (Anh) cũng tập trung bàn thảo việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran. Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn thông báo, P5+1 đã nhất trí về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Tuy nhiên, cuộc họp chưa đưa ra được các biện pháp cụ thể. Nhóm P5+1 dự kiến sẽ thảo luận với mười nước Ủy viên không thường trực HÐBA nhằm tranh thủ sự ủng hộ của mười nước này về các biện pháp trừng phạt Iran. Trong dự thảo mà Mỹ và phương Tây gửi Nga và Trung Quốc hồi tháng trước, các biện pháp trừng phạt đối với Iran chủ yếu nhằm vào Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, ngành bảo hiểm và hàng hải của nước này. Nếu được HÐBA thông qua, đây sẽ là nghị quyết thứ tư của LHQ đối với chương trình hạt nhân của Tehran.
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp N.Sarkozy tại Washington, Tổng thống Mỹ B.Obama kêu gọi Paris và cộng đồng quốc tế ủng hộ việc thông qua một nghị quyết bổ sung chống Iran trong vài tuần tới. Tuy nhiên, ông Obama thừa nhận Washington vẫn chưa đạt được thỏa thuận quốc tế về vấn đề này. Tổng thống Pháp Sarkozy cũng bày tỏ lập trường cứng rắn, cho rằng Iran không thể tiếp tục "chạy đua vũ trang" thông qua chương trình phát triển hạt nhân, nếu không muốn "nhận được" các đòn trừng phạt mạnh. Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào và Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm kéo dài một giờ về vấn đề hạt nhân Iran. Ông Obama đánh giá cao việc Trung Quốc nhất trí tham gia đàm phán chung tại LHQ để bàn các biện pháp trừng phạt Iran, coi đây là bước đi quan trọng để buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chủ trương thúc đẩy đàm phán ngoại giao, đối thoại và hòa bình, coi đây là giải pháp thích hợp nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Bắc Kinh tuyên bố sẽ nỗ lực góp phần đưa ra một nghị quyết hòa bình cho vấn đề này.
Bất chấp những động thái đe dọa từ phương Tây, Iran tuyên bố vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân. Tổng thống Iran M.Ahmadinejad cho rằng, áp lực của phương Tây đối với Tehran trong thời gian qua, nhất là khả năng về các biện pháp trừng phạt mới, sẽ chỉ khiến Iran thêm quyết tâm. Ông Ahmadinejad cho biết, Iran đã bắt đầu tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho lò phản ứng nghiên cứu sau khi các nước ngừng cung cấp nguyên liệu cho nước này. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran đã đệ trình Tổng thống Ahmadinejad kế hoạch xây dựng một hoặc hai nhà máy làm giàu uranium mới, có thể bắt đầu ngay trong năm nay. Cùng với các tuyên bố cứng rắn trên, Tehran cũng tìm kiếm sự ủng hộ ngoại giao từ bên ngoài. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran S.Jalilii đã thăm Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Ông Jalilii cho rằng, gây sức ép lên Iran thông qua trừng phạt sẽ không đem lại hiệu quả, phương Tây nên ngừng đe dọa và từ bỏ các "hành động sai lầm"./.