Trong một động thái gây bất ngờ,
Tổng thống Nga Đmitri Métvêđép vừa tuyên bố rằng, hiệp ước mới (START-II) thay
thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn I (START-I) giữa Nga
và Mỹ "đã hoàn tất 95%".
Thái độ lạc quan và "nhã nhặn" này hoàn toàn trái
ngược với những dự đoán trước đó từ châu Âu về phản ứng của Mátxcơva sau khi Bộ
Quốc phòng Ba Lan công khai kế hoạch đặt một khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ
cách biên giới Nga 100km, thay vì bố trí gần thủ đô Vácsava như trước đây.
Đây là thông điệp thiện chí của Mátxcơva ngay trước vòng đàm
phán mới về START dự kiến diễn ra vào đầu tháng 2 tới. Tuy nhiên, với thông
điệp này, Điện Cremli đã tung "bóng" sang phần sân của Mỹ. Hay nói
một cách khác, 5% còn lại để START-II thành công sẽ phụ thuộc vào thái độ của
Oasinhtơn liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa, vấn đề gai góc nhất tồn tại
giữa quan hệ hai nước suốt thời gian qua.
Trên thực tế, START là vấn đề nhẹ nhàng nhất mà hai bên đã
chọn để khởi động lại mối quan hệ. Việc cắt giảm các đầu đạn hạt nhân trong kho
vũ khí khổng lồ của Nga và Mỹ được cả hai bên nhận ra là sẽ đem lại lợi ích cho
hai nước vì duy trì chúng vô cùng tốn kém và không cần phải sở hữu nhiều đầu
đạn hạt nhân như vậy. Trong quan hệ Nga - Mỹ, việc cắt giảm vũ khí hạt nhân
được ví như là quả ở dưới thấp, rất dễ hái. Một trì hoãn kéo dài hoặc thất bại
trong việc phê chuẩn START-II đồng nghĩa với thực tế là hai nước chưa thật sự
có biến chuyển đáng kể trong quan hệ. Điều này gây bất lợi về ngoại giao cho cả
Mỹ lẫn Nga. Do đó, đây là "phép thử" đầu tiên để xem Mátxcơva và
Oasinhtơn sẽ hợp tác với nhau như thế nào để chấm dứt di sản thù địch của thời Chiến
tranh Lạnh.
Trải qua nhiều cuộc đàm phán, dù hai bên đã nhất trí được
phần lớn điều khoản, nhưng START-II vẫn chưa ký được do tồn tại vấn đề trao đổi
dữ liệu về tên lửa. Mỹ không gắn START-II với vấn đề phòng thủ tên lửa, mà cho
rằng cần phải giải quyết riêng biệt hai vấn đề này. Trong khi đó, Nga lại cho
rằng bộ phận tấn công và phòng thủ của các lực lượng chiến lược luôn gắn bó và
không thể tách rời. Đây chính là lý do ra đời của Hiệp ước hạn chế hệ thống
phòng thủ tên lửa (ABM) năm 1972. Sau đó, Mỹ đơn phương rút khỏi ABM, làm nảy
sinh nguy cơ phá vỡ thế cân bằng về hệ thống tấn công và phòng thủ chiến lược.
Vì thế, Mátxcơva luôn gắn yêu cầu này với văn kiện mới thay thế START-I. Đây là
lý do khó khăn cho cả Mátxcơva và Oasinhtơn để hoàn tất 5% còn lại; nhất là khi
các tên lửa Patriot của Mỹ sắp xuất hiện ngay sát lãnh thổ Nga.
Đáng lưu ý là, trước đó, để "khởi động lại" mối
quan hệ với Nga, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố không triển khai dự án của người
tiền nhiệm Gioócgiơ Busơ, đặt dàn tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và hệ thống rađa ở
CH Séc. Để đáp lại "tấm thịnh tình" của Oasinhtơn, Mátxcơva cũng
tuyên bố không đưa tên lửa chiến thuật hiện đại Iskander tới Kaliningrát. Câu
hỏi đặt ra là, khi Nhà Trắng thay dàn tên lửa này bằng một dàn tên lửa khác thì
Điện Cremli có thể một lần nữa tỏ "tấm thịnh tình" bằng cách đưa tổ
hợp tên lửa "Topol-M" cơ động đặt dưới tầng hầm vào chế độ trực chiến
hay không? Cũng cần thêm rằng, không kém gì Iskander, "Topol-M" là
tên lửa có tốc độ xuất phát cao và thời gian lấy đà tăng tốc ngắn nên đối
phương rất khó phát hiện và đánh chặn. Đây là lý do khiến người ta lo ngại vòng
đàm phán Nga - Mỹ sắp tới về START-II rơi vào bế tắc.
Đến thời điểm này, Điện Cremli vẫn bác bỏ thông tin rằng Nga
sẽ tăng sức mạnh hải quân nhằm đáp trả việc Ba Lan "kê" tên lửa Mỹ
gần biên giới Nga. Mátxcơva vẫn kiên trì chờ lời giải thích của Vácsava và
Oasinhtơn về động thái này. Ngoại trưởng Nga Xécgây Lavrốp trong một tuyên bố
(ngày 23-1) đã bày tỏ mối quan tâm tới quan hệ Ba Lan - Tổ chức Hiệp ước Bắc
Đại Tây dương (NATO); đồng thời tỏ ý hoài nghi về một "điều gì đó"
đang diễn ra khiến "mọi người nghĩ rằng hình như Ba Lan đang chống lại
Nga".
Chưa biết Oasinhtơn sẽ phản ứng thế nào sau bước đi của
Mátxcơva, nhưng chắc chắn để người Nga "hiểu" và "thông
cảm" trước một vấn đề mang tầm chiến lược sống còn không phải là chuyện
đơn giản.