(ĐCSVN) - Trong thời gian gần đây, căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu gia tăng sau hàng lọat sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận. Hiện tại, những quan điểm khác nhau về chính sách tỷ giá đối với đồng Nhân dân tệ có thể tiếp tục làm nóng thêm quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế này.
|
Mỹ và Trung Quốc đang có quan điểm khác nhau về vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ (Ảnh minh hoạ) |
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có những cuộc gặp gỡ với Dalai Lama - người mà Bắc Kinh cho là theo đuổi đường lối ly khai cho Tây Tạng, và coi đó là hành động thiếu thiện chí trong quan hệ với Trung Quốc. Trước khi những cuộc gặp gỡ này diễn ra, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bán lượng vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho đảo Đài Loan. Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc kiểm soát không gian mạng, trong khi Bắc Kinh cho rằng, Mỹ đã can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Ngoài ra, Bắc Kinh và Washington còn mâu thuẫn về các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran và của CHDCND triều Tiên. Song hành với những căng thẳng về chính trị là những quan điểm khác nhau về chính sách tỷ giá đối với đồng Nhân dân tệ.
Ngày 11-3, phát biểu tại hội thảo của các ngân hàng xuất - nhập khẩu Mỹ, diễn ra tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp quản lý đồng Nhân dân tệ và để thị trường quyết định tỷ giá đồng tiền này. Tổng thống Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc thay đổi chính sách với đồng Nhân dân tệ sẽ có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối với quá trình tái cân bằng nền kinh tế thế giới. Với chính sách đồng Nhân dân tệ rẻ hiện nay, các nhà xuất khẩu Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn khi hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ tại thị trường Trung Quốc. Ông Obama nhấn mạnh: “Những quốc gia có thâm hụt mậu dịch nên tiết kiệm và xuất khẩu nhiều hơn. Trong khi đó, nước đang thặng dư thương mại nên kích thích tiêu dùng và thị trường nội địa. Nếu Trung Quốc để thị trường quyết định tỷ giá Nhân dân tệ, đó sẽ là đóng góp rất lớn vào quá trình tái cân bằng kinh tế thế giới”.
Lời kêu gọi này của người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhanh chóng nhận được ý kiến không đồng tình từ phía chính quyền Trung Quốc. Phát biểu tại Quốc hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Su Ning cho rằng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ mang đầy tính chính trị. Ông nói: “Chúng tôi không đồng ý đánh đồng việc điều hành tỷ giá đồng tiền với các quan điểm chính trị. Càng không đồng tình với việc một quốc gia yêu cầu một quốc gia khác giải quyết vấn đề do chính họ gây ra”.
Trong cuộc gặp các thượng nghị sĩ Dân chủ mới đây, ông Obama cho biết sẽ "cứng rắn hơn nhiều" trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong đó có chuyện tỷ giá, nhằm đảm bảo rằng hàng hóa của Mỹ không bị thua thiệt. Ông Obama và các phụ tá cho rằng tiền tệ Trung Quốc đang bị định giá quá thấp. Giá thấp khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ một cách giả tạo khi quy ra các tiền tệ khác, khiến cho Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, và cướp đi việc làm của người Mỹ.
"Chúng tôi hy vọng Trung Quốc có hành động để lập lại cân bằng thương mại toàn cầu", một quan chức Nhà Trắng nói. Nếu Bắc Kinh không ra tay, thì "Mỹ sẽ chịu sức ép đáp trả ngày càng lớn". Trước những động thái từ phía đối tác, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố " sẽ chống lại bất cứ áp lực nào của nước ngoài đòi tăng giá đồng Nhân dân tệ".
Cho rằng Trung Quốc đang “thao túng tiền tệ” như một hình thức trợ cấp không công bằng, gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ và khiến quá trình phục hồi kinh tế Mỹ sau khủng hoảng trở nên khó khăn, các thượng nghị sĩ Mỹ vừa công bố một dự luật với dự định áp đặt “các hình phạt ngặt nghèo” nếu Trung Quốc không định giá lại đồng Nhân dân tệ. Ngay lập tức, dự luật nhận được sự ủng hộ của đại đa số thượng nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Tác giả dự luật này là Thượng nghị sỹ Chuck Schumer của đảng Dân chủ và Thượng nghị sỹ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa. Trước đó, năm 2005, hai thượng nghị sĩ này đã từng soạn thảo một dự luật tương tự nhằm áp mức thuế 27,5% đối với tất cả các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Khi đó, dự luật này đã nhận được sự ủng hộ của 67 thành viên Thượng viện Mỹ.
Dự luật do Thượng viện đề xuất yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ xác định các nước không định giá gốc tiền tệ của mình và lên danh sách những nước thực hiện chính sách mất cân bằng trong tiền tệ. Đây là những nước sẽ phải chịu những biện pháp đáp trả của Mỹ, kể cả việc Bộ Thương mại áp thuế chống bán phá giá và chính phủ cấm mua hàng hóa hoặc dịch vụ (đối với những nước không phải là thành viên của Hiệp định thương mại giữa các chính phủ của Tổ chức Thương mại Thế giới-WTO).
Dự luật yêu cầu quan chức thương mại Mỹ tham vấn với chính phủ có đồng tiền bị phá giá để giải quyết bất đồng trong khuôn khổ WTO, đồng thời đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng Dự trữ Liên bang của Mỹ và các ngân hàng trung ương khác xem xét các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Trong khi đó, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNTACD) đã lên tiếng bảo vệ Trung Quốc trước sức ép của Mỹ và phương Tây đòi nâng giá đồng Nhân dân tệ. Tổ chức này cho rằng Trung Quốc là nước đi đầu trong khuyến khích tiêu dùng trong nước và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Trong một tuyên bố ngày 16-3, UNTACD cho rằng thả nổi tiền tệ cho các chính sách kiểm soát thị trường bất hợp lý sẽ không giúp tái cân bằng được nền kinh tế thế giới và một quyết định của Bắc Kinh theo hướng này sẽ có nguy cơ tạo ra một cú sốc kinh tế tương tự như đã từng xảy ra tại Nhật Bản hồi những năm 1990 của thế kỷ trước. Hệ quả tiếp theo sẽ là toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ trở nên bất ổn.
UNCTAD cho rằng quá tập trung chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc, các nước đã bỏ qua các vấn đề lớn hơn có thể hủy hoại sự tăng trưởng của nền kinh thế giới. Theo tổ chức này, phương thuốc hữu hiệu là cần có một cơ chế toàn cầu về kiểm soát tỷ giá nhằm hạn chế các sai lầm và ổn định tiền tệ.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn khẳng định, chính sách tỷ giá là công việc nội bộ của nước này nên sức ép mà Wasinhton có ý định áp đặt có thể mang lại kết quả không mong muốn. "Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ định giá lại nhân dân tệ trước tháng 4, cho dù Mỹ có dán mác cho Trung Quốc là thao túng tỷ giá hay không", Ji Zhu, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bắc Kinh, dự đoán. "Nước này sẽ không bị đẩy vào thế bắt buộc phải ra quyết định chỉ vì sức ép của Mỹ"./.