Ngày 1/3, Tổng thống Nga Dimitri Medvedev thực hiện chuyến thăm tới Pháp, phát động “Năm giao lưu Pháp –Nga”. Phải chăng Pháp và Nga đang muốn nâng tầm mối quan hệ song phương của mình?
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Pháp và Nga có phần “êm ả”, không nhiều sóng gió như quan hệ Nga - Mỹ. Cả phía Pháp và Nga đều tỏ rõ mong muốn tăng cường quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực.
Ông Arnaud Dubien, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) nhận xét: “Sau một khoảng thời gian quan tâm nhiều tới Đức và Italy, phía Nga bắt đầu coi Pháp là một đối tác châu Âu quan trọng của mình. Giờ đây, Pháp là một ưu tiên trong các mối quan hệ của Nga. Về phía Pháp, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng rất coi trọng mối quan hệ với Nga.”
Chỉ cần nhìn vào 2 quyết định mới đây của Pháp cũng có thể thấy nước Nga có ý nghĩa như thế nào đối với Pháp. Quyết định đầu tiên là thông báo chính thức của Công ty điện lực Pháp (EDF) tham gia đường ống dẫn khí South Stream - một đường ống dẫn khí nằm dưới biển Đen, đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu mà không đi qua Ukraine. Ngoài dự án này, EDF cũng dự kiến tham gia tuyến dẫn khí North Stream phía Bắc châu Âu. Điều đáng lưu ý là phía Pháp tham gia hai đường ống dẫn khí lớn đều do phía Nga khởi xướng, nhưng lại không tham gia đường ống Nabuco dẫn khí đốt từ Trung Á tới châu Âu không đi qua Nga, được Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn.
Quyết định thứ hai không kém phần gây bất ngờ của Pháp là Paris đã bật đèn xanh để Nga mua tàu lưỡng dụng Mistral - một loại tàu chiến hiện đại của Pháp, có thể vận chuyển máy bay trực thăng, xe tăng và bộ binh. Quyết định này đã khiến các nước láng giềng của Nga như Ba Lan, Gruzia, Latvia, Litva... lo lắng và khiến nhiều nghị sỹ Mỹ không khỏi bất bình.
Không phải ngẫu nhiên mà Pháp lại đi ngược dòng với các đồng minh trong mối quan hệ với Nga. Việc thắt chặt quan hệ với Nga vừa vì động cơ kinh tế vừa mang ý nghĩa về mặt chính trị và chiến lược. Với việc xích lại quan hệ với Nga, Pháp ngày càng chứng tỏ sự độc lập của mình với Mỹ và NATO.
Pháp cũng hy vọng cùng với sự hợp tác của Nga, Pháp và EU có thể tham gia giải quyết nhiều vấn đề quốc tế như vấn đề hạt nhân Iran hay những nỗ lực chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Trong chuyến thăm Paris lần này, Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Pháp Sarkozy sẽ có cơ hội trao đổi nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà 2 bên cùng quân tâm và vượt qua những thách thức để cải thiện mối quan hệ song phương, như nhận định của ông Arnaud Dubien: “Thách thức lớn đối với Pháp và Nga là phải tìm cách đổi mới mối quan hệ song phương làm sao cho phù hợp với bối cảnh chiến lược mới trên thế giới”.
Quan hệ Pháp - Nga sẽ tiến xa tới đâu, thời gian sẽ đưa ra câu trả lời thích đáng. Chỉ chắc một điều là phía Pháp coi việc tăng cường quan hệ với Nga là một điều kiện để đảm bảo những lợi ích chiến lược của Pháp và châu Âu trong thời đại mới. Đây cũng là khẳng định của ông Pierre Lellouche, Quốc vụ khanh Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu, trên tờ Le Monde mới đây. Ông Pierre Lellouche cho rằng: “Nếu châu Âu muốn khép lại trang sử thời Chiến tranh Lạnh thì không thể vừa tiếp tục cấm vận Nga vừa khẳng định Nga là bạn và đối tác của mình. Lợi ích chiến lược của ngày hôm nay còn quan trọng hơn những bất đồng của ngày hôm qua”)./.