Tham vọng của các nước mới nổi trong lĩnh vực thị trường điện hạt nhân

Thứ ba, 11/05/2010 17:28
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt, các nguồn năng lượng sạch được ưu tiên phát triển để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiều nước trên thế giới chuyển sang phát triển nguồn năng lượng hạt nhân có tiềm năng lớn và ít gây hại cho môi trường.

Từ lâu, các tập đoàn công nghiệp hạt nhân của châu Âu, Mỹ và Nhật Bản thống lĩnh thị trường công nghệ cao này. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi khi những nền kinh tế mới nổi ngày càng cho thấy lợi thế của mình. Sự tham gia của các tập đoàn công nghiệp điện hạt nhân Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc đang thách thức vị thế truyền thống của phương Tây trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự. Điều này càng được khẳng định khi Hàn Quốc giành hợp đồng lớn trị giá hàng chục tỷ USD xây dựng bốn lò phản ứng tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Các chuyên gia cho biết, đây là lần đầu tiên một nước mới nổi chen chân vào “sân chơi” của các tập đoàn lớn phương Tây như Areva (Pháp), General Electric (Mỹ) hay Toshiba-Westinghouse (Mỹ-Nhật). Các tập đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga được cho là sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong lĩnh vực mà trọng tâm chính sẽ là các yếu tố công nghệ, an toàn và giá cả.

Giới quan sát nhận định, Hàn Quốc là nước có nhiều tham vọng lớn trong lĩnh vực điện hạt nhân. Sau Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, công ty điện lực Kepco của Hàn Quốc đã ký hợp đồng với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 3 vừa qua, theo đó sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đàm phán với Tập đoàn Rosatom của Nga để xây dựng một lò phản ứng tại miền Nam.

Trung Quốc, đang phụ thuộc vào Pháp và Mỹ trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ ba, có ý định xuất khẩu các nhà mãy cũ hơn. Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CNNC) đang vào cuộc và đối thủ của họ là Công ty Năng lượng Hạt nhân Quảng Đông (CGNPC). Nhiều chuyên gia hạt nhân thế giới thừa nhận, Trung Quốc có khả năng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân do Bắc Kinh mở cửa thị trường, nhập khẩu công nghệ tiên tiến của nước ngoài, điều phối sự tiếp nhận và tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu để có thể tự thiết kế các nhà máy điện hạt nhân.

Nga, “án binh bất động” sau sự cố Chernobyl, được cho là sẽ “trở lại” mạnh mẽ thị trường điện hạt nhân trong thời gian tới. Nếu việc thỏa thuận giữa Rosatom và Siemens (Đức) thành công sẽ tạo ra tổ hợp Nga - Đức, một đối thủ được cho là đáng gờm cho bất cứ công ty kinh doanh điện hạt nhân nào trên thế giới. Rosatom đã có mặt ở Ấn Độ, sắp tới sẽ là I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Ả rập, và xa hơn sẽ là khu vực Mỹ La-tinh. Mới đây, Thủ tướng Nga Pu-tin không giấu giếm tham vọng của “con gấu” Nga nhằm kiểm soát không dưới 25% thị trường hạt nhân thế giới và củng cố vị thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này.

Thị trường điện hạt nhân được cho là “miếng bánh béo bở” khi số tiền đầu tư mà các nước giành cho lĩnh vực này có thể lên tới 1.000 tỷ USD cho tới năm 2030. Theo các số liệu thống kê của Hiệp hội Năng lượng Nguyên tử Thế giới, hơn 400 dự án, với nhịp độ triển khai rất khác nhau, đang nằm trên giấy và có thể được đưa vào thi công từ nay đến năm 2030. Báo chí Nhật Bản cho biết, nước này dự kiến xây dựng ít nhất 14 nhà máy điện hạt nhân trong 20 năm tới. Tuy nhiên, 400 dự án này có thể sẽ không thành hiện thực do thiếu vật tư, nhân sự và trở ngại về “văn hóa hạt nhân” ở nhiều nước.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực