|
Một cuộc tuần hành tại Sydney (Australia) khẳng định vai trò của phụ nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 |
Phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong mọi lĩnh vực. Với lực lượng lao động chiếm hơn 40% dân số, phụ nữ có vị trí hết sức to lớn trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo. LHQ nêu rõ, bình đẳng giới và cải thiện địa vị của phụ nữ là những nhân tố quan trọng để phát triển bền vững. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, đầu tư cho phụ nữ là một trong những biện pháp hiệu quả giúp phục hồi kinh tế thế giới.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phụ nữ là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của suy thoái kinh tế: Năm 2009 có ít nhất 22 triệu phụ nữ mất việc làm; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ gia tăng, trong khi khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế bị giảm. Trên thế giới mỗi phút có một bà mẹ chết do thiếu các dịch vụ sinh đẻ. Hàng trăm nghìn phụ nữ chết vì bệnh HIV/AIDS hằng năm. LHQ nêu rõ, bình đẳng giới và cải thiện địa vị của phụ nữ là những nhân tố quan trọng để phát triển bền vững.
Người đứng đầu Chương trình phát triển LHQ (UNDP), bà Helen Clark khẳng định, phụ nữ được quyền tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản sẽ thúc đẩy các mục tiêu phát triển cũng như tăng cường bình đẳng giới. Bà H.Clark cho biết, hơn 200 triệu phụ nữ trên thế giới sống đói nghèo hiện nay không được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình, không được tiếp cận cơ hội giáo dục và không được trả lương tương xứng. Theo bà, việc giúp phụ nữ giành được quyền tiếp cận dịch vụ y tế vẫn là một thách thức lớn, đồng thời khẳng định, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới đang làm mất đi nhiều nguồn tài trợ quan trọng và đẩy lùi những thành tựu phát triển ở các nước đang phát triển. Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) kêu gọi thế giới chi 23 tỷ USD/năm để giúp phụ nữ tránh tử vong khi sinh đẻ.
Ðề cập vấn đề ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ có chiều hướng gia tăng trên thế giới, Phó Tổng Thư ký LHQ, bà A.R.Migiro nêu rõ, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong thời gian gần đây, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ đã tăng lên. Bà yêu cầu các nước giàu phải nỗ lực để biến các cam kết quốc tế về hỗ trợ cho phụ nữ và các bé gái trở thành hiện thực. LHQ đã có những hành động nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, như chiến dịch của Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước phát động các chiến dịch ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ; Hiệp ước nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ đã được thông qua gần 30 năm và hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, theo bà Migiro, "con đường phía trước vẫn còn dài, để biến các hiệp ước quốc tế đầy ý nghĩa này được thực hiện đầy đủ". Bà nhấn mạnh rằng, chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ là "việc không dễ dàng. Nó đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và đa phương".
Nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong bối cảnh hiện nay, LHQ đang ráo riết đẩy nhanh việc thành lập một cơ quan mới trực thuộc LHQ với nhiệm vụ thúc đẩy các quyền và phúc lợi của phụ nữ trên toàn cầu, tiến tới bình đẳng hoàn toàn về giới. Theo đó, cơ quan này được thành lập trên cơ sở sáp nhập bốn cơ quan trước đây của LHQ, gồm Quỹ phát triển phụ nữ (UNIFEM), Vụ vì sự phát triển của phụ nữ, Văn phòng cố vấn đặc biệt về các vấn đề giới, Viện nghiên cứu và đào tạo vì sự tiến bộ của phụ nữ (UN-INSTRAW). Cơ quan này do một Phó Tổng Thư ký LHQ đứng đầu. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định, đây là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường hoạt động của LHQ trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao thêm quyền cho phụ nữ, cũng như bảo đảm chuyển giao hiệu quả cho phụ nữ các hoạt động vì sự phát triển.
Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN) cũng tăng cường quan tâm việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong bối cảnh hiện nay. Trong khuôn khổ Ðại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) mới đây đã diễn ra Hội nghị các nữ nghị sĩ AIPA. Ðoàn nữ đại biểu QH Việt Nam do Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng dẫn đầu dự hội nghị. Tại hội nghị, các nữ nghị sĩ tập trung thảo luận bốn chủ đề: Làm thế nào để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, giải quyết đói nghèo và xây dựng cộng đồng ASEAN; Thúc đẩy bình đẳng giới; Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em; Trao quyền chính trị cho phụ nữ và tăng cường đóng góp của phụ nữ đối với chính trị. Các đại biểu đều khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đề nghị phải có chính sách ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp, giúp phụ nữ phát huy vai trò lãnh đạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và làm chủ kinh tế gia đình. Các đại biểu cho rằng, cần trao cho phụ nữ nhiều quyền chính trị hơn, tăng tỷ lệ nữ và lãnh đạo nữ trong QH, Chính phủ, các cấp chính quyền và các doanh nghiệp. Nghị viện các nước cần tạo cơ sở pháp lý để phụ nữ thật sự có quyền, phát huy được quyền của mình trong xã hội; đồng thời bảo đảm bình đẳng giới, phòng, chống các tệ nạn xã hội để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, giúp phụ nữ vượt qua những khó khăn, nhất là trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu... Các đại biểu đã thông qua nghị quyết, thể hiện quyết tâm của các nghị viện thành viên AIPA trong việc tích cực tham gia bảo vệ quyền và phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi nước.