Trong thời gian gần đây, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai luôn có những chỉ trích gay gắt dành cho Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang tham gia cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan.
Ông Karzai cho rằng Mỹ đang cố gắng thống trị Afghanistan, trong khi cáo buộc phương Tây nhúng tay vào vụ gian lận bầu cử tổng thống cuối năm ngoái. Dư luận không khỏi bất ngờ trước những động thái của ông Karzai bởi lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu là lực lượng chính giúp Tổng thống Afghanistan chống Taliban và xa hơn nữa là người “đỡ đầu” ông khi ông được đưa lên làm tổng thống quốc gia Nam Á. Vậy vì lý do gì khiến ông Karzai lại chĩa mũi dùi vào những người ông “mang ơn”?
Nhiều người cho đây là hành động phản kháng tự nhiên của ông Hamid Karzai trước sức ép gần đây của Mỹ và đồng mình phương Tây trong cuộc chiến chống tham nhũng không có nhiều kết quả của Tổng thống Afghanistan. Tờ New York Times ngày 4-4 vừa qua còn cho hay, trong cuộc gặp với nghị viện Afghanistan, ông Karzai tuyên bố ông sẽ gia nhập Taliban nếu phương Tây tiếp tục gây sức ép!
Một số nhà phân tích cho rằng, ông Karzai không hề bị “ức chế” mà tất cả đều nằm trong tính toán. Tổng thống Karzai “dám” lên án phương Tây bởi ông tin rằng ông đủ lực kiểm soát tình hình đất nước. Ông Karzai biết rằng nếu ai có thể thay thế ông, phù hợp với chiến lược của Mỹ tại Afghanistan, thì giờ này ông đã không còn tại vị để lên án những đồng minh của mình.
Ông cũng hiểu rằng người dân Afghanistan sẽ không chấp nhận sự hiện diện của quân đội NATO khi hàng ngày vẫn có nhiều người thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự của họ. Hơn nữa, việc ông Karzai dựa dẫm vào đồng minh, không thể hiện chính kiến, sẽ khiến những người phản đối trong nước coi ông là bù nhìn và không nắm giữ chút thực quyền nào.
Nếu như ông Karzai thoát khỏi cái bóng của NATO, đương nhiên Tổng thống Afghanistan sẽ có một hình ảnh mới, ở một vị thế mới - một nhà lãnh đạo có quyền độc lập tự quyết.
Ngoài vấn đề tham nhũng, Mỹ cũng gây sức ép với ông Karzai về chiến lược chống Taliban. Thời gian qua, ông Karzai luôn nói về việc đối thoại, thuyết phục Taliban quy hàng chính phủ bằng một loạt các chính sách khoan hồng dành cho phiến quân. Rất nhiều các cuộc đàm phán bí mật giữa chính phủ với Taliban đã bị báo giới nước ngoài tiết lộ.
Mỹ không hề thích chống Taliban kiểu này. Chính quyền Tổng thống Obama cho rằng việc dùng tiền đổi lấy hòa bình của ông Karzai sẽ không đi đến đâu. Nhưng quá khứ lại chỉ ra rằng chính Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã sử dụng chiến thuật này trong những ngày đầu tham gia cuộc chiến tại Afghanistan với các dự án xóa mù cho phụ nữ để mua chuộc các lãnh chúa, kiểm soát các thung lũng. Chính vì điều đó mà ông Karzai hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch của mình.
Việc Mỹ bị chi phối bởi quá nhiều vấn đề như chiến trường Iraq, khôi phục kinh tế trong nước… không thể toàn tâm toàn ý cho Afghanistan, cũng là điều ông Karzai lo ngại.
Ông Karzai tin rằng việc Mỹ đổ lỗi cho chính phủ không thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng khiến phong trào chống chính phủ tăng mạnh là dấu hiệu Mỹ đang tính đến chuyện “buông” Afghanistan.
Và giờ đây, hơn bao giờ hết, ông Karzai cũng đang có những tính toán cho riêng mình và tính toán đó không nằm ngoài mục đích nào khác đó là củng cố quyền lực khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.