(ĐCSVN) - Ngày 27/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức đọc Thông điệp liên bang lần đầu tiên sau một năm cầm quyền với trọng tâm đặt vào vấn đề kinh tế. Trong đó, giảm thất nghiệp, bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ và giảm thâm hụt ngân sách sẽ là những ưu tiên hàng đầu của ông trong năm thứ hai nhiệm kỳ.
|
Ảnh: Xinhua |
Mục tiêu của Thông điệp liên bang mà Tổng thống Obama kỳ vọng chính là giành sự tin tưởng của cử tri, đưa nền kinh tế và nhiệm kì Tổng thống của ông vào thế chắc chắn hơn. Phát biểu trong bầu không khí thoải mái cùng sự hủng hộ nhiệt tình từ mọi phía của Quốc hội, vị Tổng thống da mầu đầu tiên của nước Mỹ đã tự tin khẳng định: “Nước Mỹ phải đáp lại lời kêu gọi của lịch sử trong những thời khắc thử thách”. Bất chấp không ít lời chỉ trích, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu vì các kế hoạch tham vọng là những thay đổi dài hạn về chăm sóc y tế, năng lượng, giáo dục và các vấn đề khác.
Cam kết chấm dứt hoàn toàn chiến tranh tại Iraq trước tháng 8/2010
Trong Thông điệp liên bang lần đầu tiên trình bày trước Quốc hội, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ mong muốn rút tất cả các đội quân chiến đấu của nước Mỹ tại Iraq trong giai đoạn từ nay đến tháng 8/2010. Người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa khẳng định cam kết chấm dứt cuộc chiến không hợp lòng dân vốn đã từng được ông đưa ra khi còn là ứng cử viên tranh cử Tổng thống hồi năm 2008 và đây cũng chính là những gì ông sẽ làm khi nắm giữ cương vị cao nhất này.
“Chúng ta sẽ rút tất cả các binh sĩ khỏi Iraq trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 8 (…) chiến tranh sẽ kết thúc và tất cả binh lính của chúng ta sẽ quay trở về nhà của mình”, ông Obama tuyên bố.
Tiếp tục theo đuổi cải cách tài chính nhằm tránh một cuộc khủng hoảng mới
|
Ảnh: Xinhua |
Theo người đứng đầu chính phủ Mỹ, thời điểm nhậm chức của ông cách đây một năm diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn “giữa lúc xảy ra hai cuộc chiến, một bên là nền kinh tế bị chao đảo bởi cuộc suy thoái nghiêm trọng, hệ thống tài chính có nguy cơ đổ vỡ và một bên là chính phủ đang đắm chìm trong các khoản vay nợ”. Và cho tới tận thời điểm này, những khó khăn vẫn còn chưa chấm dứt: “Trong số 10 người Mỹ thì vẫn có 1 người chưa có việc làm. Nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản. Người nghèo rơi vào kiệt quệ và khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị ngày càng trở nên đáng lo ngại”. Chính vì vậy, trong bối cảnh nước Mỹ đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp tăng tới mức hai con số suốt trong năm 2009 và ngân sách liên bang thâm hụt kỷ lục 1.400 tỷ USD thì Thông điệp liên bang được Tổng thống Obama đưa ra hơn lúc nào hết, đã tập trung vào các vấn đề được cử tri quan tâm.
Ông Obama cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi cải cách tài chính nhằm đấu tranh bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước một cuộc khủng hoảng mới. “Điều này không có nghĩa là tôi sẽ tiếp tục trừng phạt các ngân hàng, điều tôi quan tâm, đó là bảo vệ nền kinh tế của chúng ta”, ông Obama tuyên bố. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, một thị trường tài chính mạnh và trong sạch sẽ cho phép thương mại có khả năng tiếp cận với tín dụng và tạo ra nhiều việc làm.
Cũng nhân dịp này, Tổng thống Mỹ đã lên tiếng bảo vệ các vụ mua lại ngân hàng vốn gây nhiều tranh cãi, khẳng định rằng chúng là cần thiết để cứu nền kinh tế: “Khi tôi tranh cử Tổng thống, tôi đã cam kết không chỉ làm những điều mọi người mong muốn mà phải làm cả những điều cần thiết”. “Nếu chúng ta để sụp đổ hệ thống tài chính, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp đôi so với hiện nay. Nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng cửa. Nhiều ngôi nhà sẽ bị mất”, ông nêu rõ.
Ông Obama nhấn mạnh về dự luật việc làm mới. “Hạ viện đã thông qua dự luật việc làm 155 tỷ USD. Tôi mong Thượng viện cũng làm như vậy”.
Đặt Bình Nhưỡng và Teheran trong phạm vi đề phòng vì tham vọng hạt nhân
|
Ảnh: Xinhua |
Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cũng một lần nữa lên tiếng khẳng định quan điểm của Mỹ xung quanh vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran. Tổng thống Mỹ đã đặt Bình Nhưỡng và Teheran trong phạm vi đề phòng, chống lại các “hệ quả ngày càng tăng” về tham vọng hạt nhân của họ, và coi đây là “một mối đe dọa nguy hiểm” đối với nước Mỹ.
Ông Obama cũng bày tỏ quyết tâm của chính phủ Mỹ tiếp tục theo đuổi quá trình xây dựng một thế giới phi hạt nhân.
Tổng thống Obama khẳng định rằng chính quyền Mỹ đã luôn luôn sử dụng con đường ngoại giao để đàm phán với các nước khác nhằm ngăn chặn các thỏa thuận quốc tế về vũ khí hạt nhân.
Triển khai kế hoạch ngân sách trong vòng 3 năm
Theo Tổng thống Barack Obama, thâm hụt ngân sách phải được giải quyết: “Bắt đầu từ năm 2011, chúng ta dự kiến sẽ đóng băng chi tiêu của chính phủ trong vòng 3 năm”. Ông cho biết đây là những khoản chi tiêu không liên quan tới an ninh quốc gia, an ninh xã hội và không thuộc nguồn quỹ dành cho Medicare và Medicaid (chương trình trợ cấp y tế). Ông cũng đồng thời cam kết tiếp tục theo dõi, giám sát các khoản chi tiêu ngân sách và loại bỏ các chương trình mà chính phủ không có khả năng thực hiện.
Theo Tổng thống, chính phủ của ông đã đặt ra mục tiêu tiết kiệm 20 tỷ USD trong năm 2011.
Ông cũng cho biết sẽ không tiếp tục cắt giảm thuế cho các công ty dầu mỏ, các nhà quản lý ngân sách và những đối tượng có thu nhập trên 250.000 USD/năm. Ông kêu gọi nước Mỹ cần có những bước đi ý nghĩa nhằm kiềm chế vay nợ và cho biết sẽ thúc đẩy thông qua một điều luật tại Quốc hội nhằm giảm bớt thâm hụt ngân sách liên bang.
Hàng trăm binh sĩ thuộc al-Qaida đã bị Mỹ bắt giữ và tiêu diệt
Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ khẳng định trong năm 2009, nước này đã bắt giữ hay tiêu diệt được hàng trăm tội phạm khủng bố thuộc mạng lưới al-Qaida cũng như các đối tác của chúng, trong đó phần lớn là các lãnh đạo cấp cao.
Ông cũng hoan nghênh các tiến bộ đáng kể đã đạt được để đảm bảo an ninh của đất nước này trong năm qua.
“Kể từ ngày nhậm chức, chúng tôi đã đưa các mối ưu tiên về khủng bố lên hàng đầu bởi đây chính là mối đe dọa đối với đất nước chúng ta. Chúng tôi đã tăng cường đầu tư cho an ninh nội địa và dập tắt mọi dự định đe dọa tới cuộc sống của người dân Mỹ”, ông nêu rõ.
Nga – Mỹ với thỏa thuận mới về loại trừ vũ khí hạt nhân
|
Ảnh: Xinhua |
Theo người đứng đầu chính phủ Mỹ, Mỹ và Nga hiện đang trong quá trình xác định các vòng đàm phán để đi tới kết luận về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân, dựa trên Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-1).
“Mỹ và Nga đang trong quá trình kết thúc vòng đàm phán kiểm soát các loại vũ khí. Đây là thỏa thuận tham vọng nhất kể từ hai thập kỷ trở lại đây”, ông Obama khẳng định.
Hiệp ước START-1, được ký kết năm 1991 giữa Liên Xô và Mỹ, yêu cầu hai bên cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống còn 6.000 đơn vị và số lượng các phương tiện vận chuyển xuống còn 1.600. Hiệp ước START-1 đã hết hiệu lực vào ngày 5/12/2009.
Và phản ứng của dư luận…
Theo nhận định của giới quan sát, Thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ Barack Obama có phần nghiêng về đối nội với trọng tâm là vấn đề giải quyết việc làm, cải thiện nền kinh tế. Đây cũng là một minh chứng cho thấy nỗ lực của người đứng đầu nước Mỹ nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri vốn chưa mấy tích cực trong năm 2009. Tuy nhiên, về phía dư luận Mỹ vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái chiều song phần nhiều còn dè dặt, thận trọng.
Đa số những người thuộc Đảng Dân chủ đều bày tỏ ý kiến hài lòng trước bài phát biểu “đầy tâm huyết” của ông Obama. Theo họ, Tổng thống Obama đã trình bày “tầm nhìn của người dân Mỹ về một hợp chủng quốc hùng mạnh hơn, một nền móng mới cho sự thịnh vượng và một tầng lớp trung lưu đang phát triển” hoặc cho rằng “"Tổng thống Obama đã nhắm trúng các chủ đề triển vọng, từng tạo tiếng vang trong chiến dịch vận động tranh cử của ông”… Kết quả thăm dò dư luận của CNN cho thấy một nửa số người theo dõi trực tiếp bài phát biểu của ông Obama đều có phản ứng tích cực về nội dung thông điệp này.
Tuy nhiên, hầu hết các thành viên của Đảng Cộng hoà hoặc những người ủng hộ đảng đối lập này lại lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trước bài phát biểu được chờ đợi của Tổng thống Obama. Phát biểu ngay sau khi Tổng thống Obama đưa ra bức Thông điệp, Thượng nghị sĩ Cộng hoà John McCain - cựu đối thủ của ông Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, cho rằng: "Tổng thống Obama đã yêu cầu quốc hội bãi bỏ chính sách ’không hỏi, không nói’ (...) Tôi tin đó là một sai lầm (...) Chính sách thành công này đã phát huy hiệu quả hơn 15 năm qua (...) Vào thời điểm mà các lực lượng vũ trang của chúng ta đang chiến đấu và hy sinh trên chiến trường, hiện không phải là lúc để từ bỏ nó".
Song dù đồng tình hay phản đối thì nhìn chung người dân Mỹ vẫn mang niềm hy vọng đối với các chính sách của Tổng thống Barack Obama trong năm thứ hai cầm quyền, đưa nền kinh tế Mỹ trở về vị trí vững chắc vốn có và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Mỹ./..