Tránh vết xe đổ

Thứ năm, 08/04/2010 14:06
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã có nhiều lời kêu gọi cải cách hệ thống tài chính ngân hàng nhằm tránh khả năng xảy ra thêm các vụ khủng hoảng mới. Mỹ đã đề ra nhiều luật mới siết chặt quy định chi tiêu của ngân hàng. Giờ đây các nhà băng không thể nào tự tung tự tác như trước.

Thủ tướng Anh Gordon Brown gần đây cho rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới đang tiến gần tới một thỏa thuận chung đánh thuế ngân hàng. Ông Brown cho rằng Anh, Pháp và Đức đồng ý mạnh mẽ cho một loại thuế như vậy và hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ. Thủ tướng Anh muốn đưa vấn đề này cùng với các quy định về vốn ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul vào tháng 11 tới. Các đảng phái tại Anh đề nghị đánh thuế 10% vào mức lợi nhuận của các ngân hàng.

Chưa rõ là Anh sẽ thu được bao nhiêu tiền thuế từ ngân hàng nhưng các quan chức nước này ước tính sẽ khoảng 2 tỷ bảng mỗi năm. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức có thể thu về 1,2 tỷ EUR hàng năm trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ước các khoản thuế ngân hàng sẽ giúp Mỹ lấy lại được 50 tỷ USD trong vòng 12 năm bù vào một phần khoản cứu trợ 117 tỷ USD lấy từ tiền thuế của dân.

Các nước có nhận thức chung là đánh thuế để buộc các ngân hàng có trách nhiệm với hoạt động của họ và trên hết là với nền kinh tế đất nước. Thái độ vô trách nhiệm của các ngân hàng vừa qua được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, để lại một hậu quả thật nặng nề về kinh tế, xã hội.

Để cứu nền kinh tế, các chính phủ buộc phải dùng những gói kích cầu từ tiền thuế của dân cứu lấy các ngân hàng. Nếu giờ đây, khoản thuế đánh vào ngân hàng được thực hiện thì chắc chắn các chính phủ có sẵn nguồn cứu trợ ngân hàng trong trường hợp các ngân hàng phá sản.

Đức có lẽ là nước đi đầu trong kế hoạch đánh thuế ngân hàng. Nội các Đức vừa thông qua một kế hoạch theo đó sẽ đánh thuế hàng năm vào bản cân đối tài chính của các ngân hàng, loại trừ tiền gửi của khách hàng.

Đức và Pháp cũng ủng hộ dự luật thiết lập chính sách ngân hàng chung cho toàn bộ các nước thành viên EU. Pháp và Đức muốn gia tăng sự can dự của chính phủ vào các ngân hàng thua lỗ nhằm ngăn chặn khả năng sụp đổ theo hệ thống, kể cả các chi nhánh tại nước ngoài. Kế hoạch mang tính tiên phong của Đức được Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Wolfgang Schašuble cho rằng “giúp giảm bớt nguy cơ phá sản ngân hàng nhưng không gây hại đến vai trò của ngân hàng trong tiến trình phục hồi kinh tế”.

Cử tri tại Đức cũng như nhiều nước khác đã tỏ ra bất bình trước việc lấy tiền thuế của người dân để cứu hệ thống ngân hàng trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Theo thống kê chính thức, Đức đã giành riêng 500 tỷ EUR từ tiền thuế của dân để sẵn sàng hỗ trợ các định chế tài chính trong cuộc khủng hoảng.

Trước đây, các nền kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng hoạt động tài chính-ngân hàng nên độc lập với công tác của chính phủ, thể hiện bản chất của nền kinh tế thị trường tự do. Thế nhưng, sau cuộc khủng hoảng, lập luận này đã trở nên lỗi thời và các nền kinh tế hàng đầu thế giới giờ đây đã nhận ra rằng chính phủ không thể nào ngồi yên để chờ sự sụp đổ của các ngân hàng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của công dân và của cả nền kinh tế.

Vì thế, biện pháp can dự sớm, trong đó có đánh thuế ngân hàng đang là sự chọn lựa của nhiều nước nhằm tránh lặp lại vết xe đổ của các ngân hàng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực