Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới năm 2010

Thứ ba, 05/01/2010 17:01

Bước vào năm 2010, nhiều hãng phân tích tài chính - kinh tế, các tờ báo, tạp chí lớn trên thế giới đưa ra những dự báo về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Phần lớn những ý kiến cho rằng, trải qua năm 2009 nhiều khó khăn, các nền kinh tế sẽ tiếp tục những nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng và năm 2010 hy vọng ghi nhận những tín hiệu tích cực của kinh tế toàn cầu.

Nhận định chung của khoảng 150 chuyên gia kinh tế quốc tế trong cuộc thăm dò dư luận do hãng Reuters tiến hành cho rằng, năm 2009 các nền kinh tế thế giới đã tung ra các chương trình chi tiêu, kích thích kinh tế, các khoản cho vay đặc biệt..., với tổng trị giá khoảng năm nghìn tỷ USD. Năm 2010 sẽ chứng kiến kết quả những nỗ lực này. Các chuyên gia thuộc Hãng dự báo và phân tích tài chính - kinh tế IHS Global Insight nhận định, các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đà tăng trưởng và dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng GDP tại các nền kinh tế này sẽ phục hồi vào năm 2010. Châu Á (trừ Nhật Bản) dự báo đạt mức tăng GDP 7,1% năm 2010; Mỹ la-tinh, Trung Ðông và châu Phi tăng 3%-4%. Khu vực chậm nhất sẽ là các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Âu, chỉ tăng 1,7%.

Tạp chí kinh tế uy tín của Pháp L'Expansion cũng chia sẻ dự báo lạc quan rằng, năm 2010 kinh tế thế giới tiếp tục "khỏe lên", trong lúc chờ phục hồi thật sự, nhất là các nền kinh tế châu Á. Trong đó, Trung Quốc sẽ tăng trưởng cao nhất (9%); tiếp theo là Ấn Ðộ (7%); Việt Nam, Lào (5%). Việc các nước châu Á tích cực chuyển hướng, chú trọng hơn thị trường nội địa, nhằm giảm phụ thuộc xuất khẩu là hướng đi hiệu quả, giúp lấy lại ổn định và tăng trưởng sau khủng hoảng. Bra-xin, nền kinh tế lớn ở Mỹ la-tinh có thể tăng đạt mức tăng trưởng hơn 5%, nhờ nhu cầu trong nước mạnh. Tăng trưởng của Nga có thể đạt 3,5%-4,5%. Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, có thể tăng 1,5%...

Theo Reuters, nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ, khu vực đồng euro, Anh và Nhật Bản dự báo sẽ tăng trưởng trong quý IV - 2009, tạo đà cho năm 2010. Nhìn chung, các nước phát triển ở phương Tây đã thoát khỏi suy thoái; các hoạt động kinh tế tốt hơn và dần dần ổn định trở lại ở mức trước khi ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ. L'Expansion cho rằng, châu Âu sẽ thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng dự kiến 0,9% trong năm 2010, tuy nhiên vẫn cần cảnh giác với những diễn biến bất thường, trong đó có nguy cơ khủng hoảng tín dụng trong năm nay. IHS Global Insight dự báo, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ ở mức 2%-2,5%. Ðộng lực cơ bản cho nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn vẫn sẽ là chi tiêu dùng, chiếm gần 70% GDP, tuy nhiên động lực này tiếp tục yếu trong năm 2010. Tiêu dùng giảm mạnh vào đầu năm 2010, kéo theo việc giảm tốc độ tăng GDP và sẽ tăng lại vào giữa năm 2010. Châu Âu và Nhật Bản trải qua suy thoái sâu hơn Mỹ và có thể sẽ phục hồi yếu hơn. Các nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro và Anh dự kiến tăng trưởng tương ứng là 0,9% và 0,8%. Một số nền kinh tế Tây Âu, như Iceland, Ireland và Tây Ban Nha, tiếp tục giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản sẽ vận hành tốt hơn, với mức tăng nhẹ 1,4%...

Mặc dù nhận định lạc quan về triển vọng phục hồi của các nền kinh tế thế giới, giới chuyên gia cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng năm 2010 có thể chậm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, gánh nặng nợ chính phủ trở nên nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, năm 2010 nợ của các nước thuộc Nhóm bảy nước phát triển nhất thế giới (G-7) sẽ tăng và xu thế này có thể duy trì đến năm 2014. Tờ Le Figaro (Pháp) cho rằng, thế giới sẽ phải đối mặt thách thức thâm hụt ngân sách tăng lên mức kỷ lục năm 2010 và khó khăn trong việc thanh toán nợ công vào các năm tiếp theo. Dự đoán, tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), nợ ngân sách trung bình chiếm 73,1% GDP năm 2007, sẽ tăng lên 100% vào năm 2011. Tổng nợ ngân sách các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung euro ước tính khoảng 1.000 tỷ euro năm 2010, so với 650 tỷ euro năm 2008. Nhật Bản nợ công tăng từ 167% lên 204%; Pháp tăng từ 70% lên 99%; Hy Lạp từ 103% lên 130%. Ngay cả Ðức, một hình mẫu về điều tiết ngân sách, cũng phải chấp nhận thực tế tăng từ 65% lên 85,5% GDP... OECD đánh giá, hiện các chính phủ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn: nguồn thu ngân sách từ thuế, phụ thuộc các hoạt động kinh tế bị giảm mạnh do suy thoái, trong khi các khoản chi tiêu công tăng vọt, do nạn thất nghiệp tăng, kéo theo các khoản trợ cấp xã hội tăng cùng chi phí bổ sung cho các giải pháp an sinh xã hội. Ðó là chưa kể ngân sách dành cho các kế hoạch phục hồi kinh tế cũng khiến nợ ngân sách tăng đột biến.

Những biến động của giá vàng và đồng USD sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong năm 2010. IHS Global Insight dự báo, nhờ triển vọng kinh tế Mỹ sáng sủa hơn đôi chút so với kinh tế châu Âu và Nhật Bản, nhu cầu về đồng USD sẽ cải thiện, nghĩa là giá trị đồng tiền Mỹ có thể tăng trong vài tháng tới. Tuy nhiên, sức ép giảm giá của đồng USD vẫn tiếp tục trong năm 2010 và đà giảm này chắc chắn sẽ là sâu hơn, so với các đồng tiền của những thị trường đang nổi. Tạp chí Tuần kinh doanh cũng cho rằng, đồng USD tiếp tục giảm giá trong những tháng đầu năm 2010, tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng về lâu dài, sẽ khôi phục lại vị trí của mình.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực