Ảnh minh họa
|
Những ngày gần đây, Trung Quốc bán ồ ạt trái phiếu Chính phủ Mỹ do căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt sau vụ Tổng thống Mỹ B.Obama gặp gỡ lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng - Dalai Lama.
Quan hệ song phương còn bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp về giá trị đồng Nhân dân tệ (NDT), tin tặc tấn công Google và việc Mỹ bán 6,4 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan.
Một lý do quan trọng khác khiến Trung Quốc không muốn nắm giữ quá nhiều trái phiếu Mỹ là tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong tháng 12/2009, lượng trái phiếu Trung Quốc nắm giữ giảm 4,3% tương đương 34,2 tỷ USD, xuống còn 755,4 tỷ USD. Đây là mức giảm kỷ lục đối với một chủ nợ nước ngoài đang nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn.
Với Trung Quốc, đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2000 nước này bán trái phiếu Mỹ với số lượng lớn như vậy. Trung Quốc hiện lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu Mỹ và số trái phiếu chính phủ Mỹ chiếm tỷ lệ khá lớn so với tổng dự trữ ngoại hối 2.200 tỷ USD của Trung Quốc.
Tháng 9/2008, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ và liên tục tăng mua cho tới tháng 12/2009. Việc Trung Quốc bán ồ ạt trái phiếu chính phủ Mỹ đã tạo điều kiện cho Nhật Bản trở thành nước nắm giữ trái phiếu Mỹ nhiều nhất thế giới. Lượng trái phiếu Nhật Bản nắm giữ tính tới cuối tháng 12/2009 là 768,8 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc có thể tiếp tục bán ròng trái phiếu chính phủ Mỹ như một thông điệp kinh tế và chính trị cảnh báo tới chính quyền của Tổng thống B.Obama.
Tuy nhiên, một số người lại nhận định rằng, Trung Quốc chỉ bán một lượng trái phiếu đủ để “đánh động” Nhà Trắng trước những căng thẳng gia tăng giữa hai nước, chứ không bán nhiều tới mức có thể phá hủy đà phục hồi kinh tế Mỹ. Bởi Bắc Kinh hiểu rằng kinh tế và chính trị của Trung Quốc sẽ bất ổn nếu Mỹ tiếp tục lún sâu vào suy thoái.
Tuy nhiên, mặc dù Nhật Bản và một vài nước vẫn tăng mua trái phiếu chính phủ Mỹ, song đã xuất hiện xu thế giảm dự trữ trái phiếu Mỹ khi cả năm 2009, lượng trái phiếu được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài giảm 500 triệu USD, trái ngược với xu thế của năm 2008.
Bắc Kinh ngày càng lo ngại tình trạng thâm hụt ngân sách tồi tệ của Mỹ có thể làm mất giá USD và đe dọa tới khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ thông báo trong tháng đầu năm 2010, ngân sách liên bang thâm hụt 42,63 tỉ USD. Đây là tháng thứ 16 liên tiếp ngân sách của Mỹ thâm hụt.
Như vậy, trong bốn tháng đầu tiên của tài khóa 2010 bắt đầu từ ngày 1/10/2009, khoản thâm hụt ngân sách đã lên tới 430,69 tỉ USD, tăng 8,8% so với mức thâm hụt 395,9 tỉ USD của cùng kỳ trong tài khóa 2009. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm 2009 là 380,66 tỷ USD.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, ngân sách liên bang thâm hụt lớn là do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng đã làm giảm lượng thu từ thuế và tăng chi cho các chương trình xã hội như bảo hiểm thất nghiệp và tem lương thực, thực phẩm cho người trong hoàn cảnh khó khăn.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2009 kết thúc ngày 30/9/2009 là 1.415 tỉ USD, tương đương 9,9% GDP, là mức cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nhà Trắng dự báo trong tài khóa 2010, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ vào khoảng 1.556 tỉ USD, ở mức 10,6% GDP năm nay. Cam kết sẽ giảm bớt thâm hụt, song Tổng thống Obama cảnh báo tình hình chưa thể khả quan ngay trong vòng 10 năm tới.
Một trong những nỗ lực mà chính quyền Obama sẽ tiến hành nhằm giảm thâm hụt ngân sách là thành lập một ủy ban lưỡng đảng về tài chính, do cựu chánh văn phòng Nhà Trắng E.Bowles dưới thời Tổng thống Bill Clinton và cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa A.Simpson đứng đầu.
Ủy ban này sẽ có trách nhiệm đưa ra báo cáo định kỳ về những biện pháp mà Quốc hội và chính quyền Mỹ phải tiến hành để giảm thâm hụt ngân sách xuống mức có thể chống đỡ được là tương đương 3% GDP. Khuyến nghị của ủy ban này cũng liên quan tới việc tăng thuế và giảm chi cho các chương trình phúc lợi.