Ảnh minh họa |
Trung Quốc vừa cảnh báo các nhà xuất khẩu của nước này về những rủi ro tiềm tàng liên quan tới vấn đề tỷ giá. Giới quan sát cho rằng, đây là một bằng chứng quan trọng nữa cho thấy Bắc Kinh sắp điều chỉnh chính sách tỷ giá trước sức ép từ Washington.
Hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 7/4 cho biết, Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu mới cho thấy họ đã sẵn sàng hơn với việc nâng tỷ giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, NDRC chưa nêu cụ thể những rủi ro có thể xảy đến khi điều chỉnh chính sách tỷ giá.
Một động thái khác cũng cho thấy Bắc Kinh có thể đã tiến gần tới sự đồng thuận về điều chỉnh chính sách tỷ giá. Đó là việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 7/4 đã đặt tỷ giá trung tâm ở mức 1 USD tương đương 6,8259 Nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ tháng 5/2009 tới nay.
“Trung Quốc sẽ giữ tỷ giá Nhân dân tệ cơ bản ổn định ở mức cân bằng và hợp lý, đồng thời sẽ tăng cường phân tích, theo dõi, kịp thời đưa ra thông báo về những rủi ro để giảm thiểu thiệt hại cho các nhà xuất khẩu”, Reuters trích tuyên bố của NDRC đăng trên tờ China Securities Journal của Trung Quốc.
Reuters cho hay, NDRC là cơ quan có tiếng nói trọng lượng lớn hơn bất kỳ cơ quan chính phủ nào của Trung Quốc trong việc ra các quyết sách liên quan tới tỷ giá đồng nội tệ.
Trước khi NDRC ra tuyên bố ngày 7/4, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành tổ chức một đợt điều tra để xác định khả năng chịu đựng của các nhà xuất khẩu nước này trong trường hợp tỷ giá Nhân dân tệ được điều chỉnh.
Reuters nhận định, tuyên bố của NDRC lần này là một bằng chứng rõ nét cho thấy Bắc Kinh muốn các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho một đồng Nhân dân tệ mạnh hơn - yếu tố sẽ xói mòn thêm tỷ suất lợi nhuận hiện vốn đã mỏng manh của họ.
Mấy ngày gần đây, thị trường đã dấy lên những đồn đoán cho rằng, Trung Quốc sẽ nâng tỷ giá đồng Nhân dân tệ trong vòng một vài tháng tới, đặc biệt là khi những căng thẳng xung quanh vấn đề tỷ giá giữa Trung Quốc và Mỹ đang xuống thang.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết, ông sẽ hoãn công bố một báo cáo xác định có hay không xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá đồng tiền. Tuyên bố này của Washington được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Mỹ để tham dự một diễn đàn về hạt nhân vào các ngày 12-13/4.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải từ chối bình luận về việc liệu hai nước có đàm phán về vấn đề tỷ giá trong chuyến thăm này của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay không. Trong khi, Nhà Trắng tuyên bố hôm 6/4 rằng, Tổng thống Barack Obama sẽ đề cập tới vấn đề này với ông Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân nói trên.
Reuters nhận định, Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực hạ nhiệt những căng thẳng song phương sau vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hồi đầu năm và mâu thuẫn giữa Google với các nhà chức trách Trung Quốc xung quanh vấn đề tự do Internet. Mỹ đang muốn có được sự hỗ trợ ngoại giao từ phía Trung Quốc nhằm ngăn chặn tiến trình phổ biến vũ khí hạt nhân tại Iran và CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo Reuters, phần lớn các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh sẽ chỉ để đồng Nhân dân tệ tăng giá với biên độ nhỏ, vì họ vẫn còn lo ngại về mức độ vững vàng của sự phục hồi kinh tế. Giới chuyên môn dự báo, trong tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã lần đầu có thâm hụt thương mại kể từ tháng 4/2004.
Mặc dù các nhà kinh tế học cho rằng sự việc này sẽ không mở đầu cho xu hướng thâm hụt thương mại của Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ khiến Bắc Kinh phải thận trọng khi tính chuyện điều chỉnh tỷ giá. Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là Bộ Thương mại nước này đã liên tục khẳng định rằng đồng Nhân dân tệ nên được duy trì ở mức tỷ giá ổn định cho tới khi lĩnh vực xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ.
Phát biểu hôm 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng, Trung Quốc rồi sẽ nhận thấy rằng chính sách tỷ giá đồng Nhân dân tệ linh hoạt hơn sẽ có lợi cho Trung Quốc, và rằng đó là “sự lựa chọn của Trung Quốc” cho dù Trung Quốc có định giá lại đồng tiền hay không.
Với tỷ lệ thất nghiệp gần 10%, Chính quyền Tổng thống Obama đang phải đối mặt với áp lực lớn từ phía các nhà làm luật trong việc gây sức ép đối với Bắc Kinh trong vấn đề điều chỉnh tỷ giá, theo đó giúp hàng hóa Mỹ cạnh tranh tốt hơn với hàng Trung Quốc.