(ĐCSVN) – Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ quan điểm có phần cứng rắn hơn đối với chương trình hạt nhân của Iran khi cho rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Tehran tiếp tục không thay đổi lập trường đối với vấn đề hạt nhân. Tuyên bố trên của ông Lavrov được coi là “lời khuyến cáo nghiêm túc nhất” mà Nga dành cho Iran từ trước đến nay.
|
Chương trình hạt nhân của Iran từ lâu vẫn trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh cãi quốc tế (Ảnh minh hoạ: Ria Novosti) |
Thậm chí lời chỉ trích gần đây nhất mà Tổng thống Nga Dmitry Medvedev dành cho Iran trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ hồi trung tuần tháng 4/2010 rằng “Iran đang gây nên một số vấn đề…và điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta cần tìm ra bằng chứng cho thấy thực chất của chương trình hạt nhân này là gì?” đã không khỏi khiến giới truyền thông Israel và phương Tây ngạc nhiên.
Không chỉ dừng lại ở đó, Nga còn tuyên bố rằng nước này sẽ không ủng hộ bản tài liệu cuối cùng được thông qua tại Hội thảo về giải trừ hạt nhân quốc tế vừa diễn ra tại Tehran.
Những động thái trên được Nga đưa ra trong bối cảnh một bản nghị quyết trừng phạt mới nhằm chống lại Iran đang có nguy cơ được hình thành và điều đó đã khiến nhiều nhà phân tích bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao lại có một sự thay đổi đáng kể đến vậy trong mối quan hệ Nga-Iran và liệu mối quan hệ này sẽ đi về đâu?
Tại sao lập trường của Nga đối với Iran lại trở nên cứng rắn hơn?
Các nhà phân tích đã đưa ra ba nguyên nhân, lý giải tại sao trong thời gian gần đây, Nga ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn đối với vấn đề hạt nhân nhạy cảm của Iran:
Thứ nhất, Nga vẫn cần duy trì mối quan hệ hợp tác với Mỹ. Kể từ khi ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2009, Nga và Mỹ đã theo đuổi nhiều nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ song phương dựa trên cơ sở những lợi ích chiến lược của cả hai bên.
Đầu tháng 4/2010, sau nhiều năm ròng rã theo đuổi, bản Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới đã được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama đặt bút ký kết tại Prague (CH Séc).
Sau đó ít lâu, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân thế giới diễn ra tại Washington (Mỹ), hai bên đã ký kết các bản thỏa thuận về cắt giảm plutonium ở cấp độ vũ khí – một vấn đề vốn đã bị treo lơ lửng trong suốt 10 năm qua.
Dựa trên quan điểm cải thiện mối quan hệ song phương với Mỹ, Nga tất nhiên không hề muốn chương trình hạt nhân của Iran trở thành yếu tố cản trở nỗ lực này và vì thế, Moscow bắt đầu tỏ ra cứng rắn hơn đối với vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran.
Thứ hai, Nga có những động cơ riêng của mình trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Kể từ sau khi Iran bác bỏ lời đề nghị của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về vấn đề trao đổi năng lượng hạt nhân và bắt đầu làm giàu uranium, những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề xung quanh chương trình hạt nhân của nước này bắt đầu lâm vào bế tắc.
Tuy nhiên, về phần mình, Nga không hoàn toàn ủng hộ Mỹ cũng như nhiều cường quốc phương Tây khác trong nỗ lực nhằm tìm kiếm những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm chống lại Iran. Các nhà phân tích cho rằng, việc Nga bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với Iran dựa trên một suy tính rằng “thông qua việc gia tăng áp lực đối với Iran cũng như buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này tỏ ra nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân, Nga có thể tránh được nguy cơ lâm vào một tính huống khó xử đó là buộc phải lựa chọn giữa việc hoặc là làm mếch lòng Mỹ và các cường quốc phương Tây khác, hoặc là chấp nhận những vết rạn nứt đáng kể trong mối quan hệ Nga-Iran”.
Thêm vào đó, theo các nhà phân tích thì bản thân mối quan hệ Nga-Iran đã tồn tại một số vấn đề cố hữu. Về phần mình, Iran vẫn không hài lòng trước việc Nga theo đuổi quan điểm linh hoạt, có phần dễ dao động đối với vấn đề hạt nhân của nước này. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn một số rắc rối xung quanh mối quan hệ Nga-Iran, điển hình là vấn đề hoàn tất việc xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân dưới sự trợ giúp của Nga trên lãnh thổ Iran cũng như những trì hoãn xung quanh kế hoạch chuyển giao cho Iran các tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất.
Liệu Iran có dễ bề thỏa hiệp?
Từ lâu, Iran vẫn coi Nga là “tấm lá chắn lớn”, giúp nước này tránh khỏi nguy cơ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt hà khắc của phương Tây. Chính bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng những tuyên bố mới đây nhất của Nga về chương trình hạt nhân của Iran không còn nghi ngờ gì, đã gây cho Iran những áp lực không nhỏ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, Iran đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chương trình phát triển công nghệ hạt nhân trong bối cảnh quốc gia này đã hình thành lên một chiến lược hạt nhân vốn được coi là một phần của niềm tự hào dân tộc cũng như điều đó đã trở thành một phần của nỗ lực nhằm cải thiện sức mạnh của Iran trong khu vực.
Chính bởi vậy, sẽ không có nhiều khả năng Iran tỏ ra “đầu hàng” trong vấn đề hạt nhân trước những sức ép của Nga.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi phải đối mặt với những đe dọa cứng rắn từ Mỹ, Iran cũng không hề tỏ ra nao núng trong lập trường hạt nhân. Vì thế, trong trường hợp này, Nga sẽ gặp phải không ít khó khăn nếu theo đuổi nỗ lực nhằm buộc Iran thay đổi hoàn toàn quan điểm hạt nhân của mình.
Gần đây, Iran đã thực hiện một loạt động thái với mục đích nhằm thể hiện sức mạnh tự vệ của mình trước những đe dọa từ nước Mỹ. Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Hạt nhân Quốc gia ở Tehran ngày 9/4, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã tuyên bố rằng Iran đã phát triển thành công máy ly tâm thế hệ thứ 3, và thiết bị này sẽ nâng cao đáng kể khả năng phát triển công nghệ hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong khi Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân đang được tổ chức tại Washington thì Iran cũng tuyên bố ý định tổ chức một Hội thảo giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế tại thủ đô Tehran.
Bên cạnh đó, Iran còn thực hiện một loạt các vụ diễn tập quân sự quy mô lớn ở khu vực vùng Vịnh và eo biển Hormuz nhằm thể hiện quyết tâm cũng như sức mạnh tự vệ của mình trong khu vực.
Mối quan hệ Nga-Iran sẽ đi về đâu?
Những khác biệt xung quanh chương trình hạt nhân nhạy cảm của Iran trong thời gian gần đây đã không khỏi khiến mối quan hệ Nga-Iran gặp phải nhiều sóng gió. Vậy tương lai mối quan hệ này sẽ ra sao?
Các nhà phân tích cho rằng, Nga không nhất thiết phải thay đổi những lập trường cơ bản của mình đối với vấn đề hạt nhân của Iran và trên thực tế, Moscow đang áp dụng cách tiếp cận “vừa phản đối, vừa hợp tác” với Tehran.
Về phần mình, Nga công nhận quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục tiêu hòa bình của Iran, tuy nhiên, Moscow vẫn khẳng định rằng, chương trình phát triển hạt nhân của Tehran nên được thực hiện, dựa trên sự giám sát và thanh tra của cộng đồng thế giới. Hay nói một cách khác, chương trình hạt nhân của Iran phải dựa trên nguyên tắc đó là nhằm phục vụ cho mục tiêu hòa bình và tuyệt đối không được sử dụng cho mục đích phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo ý kiến của các nhà phân tích, dựa trên những mối quan tâm riêng của mình cũng như tính cần thiết của một mối quan hệ hợp tác với Mỹ, rất có nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn đối với Iran trừ khi nước này tỏ ra “mềm dẻo hơn” trong lập trường hạt nhân và bắt tay hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Nga cũng cho rằng, việc Moscow áp đặt một lập trường cứng rắn đối với Tehran sẽ không có nhiều nguy cơ dẫn đến một “sự sụp đổ hoàn toàn” trong mối quan hệ Nga-Iran – một điều mà Nga không bao giờ mong muốn và những quan điểm cứng rắn mà Nga dành cho Iran trên thực tế vẫn chỉ là lời nói nhiều hơn hành động.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, cùng với việc “làm sứt mẻ các mối quan hệ với Iran” – một nước lớn tại Trung Đông, vị trí của Nga tại khu vực này sẽ có nguy cơ bị suy yếu và thông qua việc từ bỏ một đồng minh truyền thống của mình, hình ảnh siêu cường của nước Nga trên trường quốc tế sẽ phần nào trở nên mờ nhạt. Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà phân tích còn nhấn mạnh rằng, mối quan hệ với Iran bị sứt mẻ sẽ để lại nhiều hậu quả đối với những lợi ích kinh tế của Nga./.