Về việc giải quyết vấn đề căn cứ Phu-ten-ma của Chính phủ Nhật Bản thời gian tới

Thứ tư, 07/07/2010 18:12
(ĐCSVN) - Cuối tháng 6 vừa qua, trong nỗ lực nhằm xoa dịu sự tức giận của người dân địa phương, Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can lên tiếng xin lỗi người dân vùng Ô-ki-na-oa vì sự hiện diện của quân đội Mỹ trên hòn đảo này. Thủ tướng Na-ô-tô Can cũng tuyên bố cuộc cải cách tài chính là ưu tiên hàng đầu của ông trước thềm cuộc bầu cử, nhưng các đảng đối lập đã sử dụng cuộc tranh cãi về căn cứ Phu-ten-ma để chỉ trích những chính sách ngoại giao của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) kể từ khi đảng này lên nắm quyền vào năm 2009.

Việc duy trì căn cứ Phu-ten-ma trên đảo Ô-ki-na-oa - nằm sát Đài Loan và bán đảo Triều Tiên - đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ người dân địa phương. Họ phàn nàn về tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và tội phạm liên quan tới căn cứ của Mỹ.

Ông Na-ô-tô Can vẫn khẳng định, ông sẽ trung thành với thỏa thuận mà Mỹ và Nhật Bản đã đạt được trước khi ông Ha-tô-y-a-ma từ chức, đó là hai bên tiếp tục thực hiện thỏa thuận ký năm 2006 chuyển căn cứ Phu-ten-ma tới một khu vực thưa dân cư hơn, nhưng vẫn thuộc Ô-ki-na-oa.

Còn Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Sen-gô-cu cho biết, việc di chuyển căn cứ Phu-ten-ma của Mỹ tại Ô-ki-na-oa sẽ không thể hoàn tất trong năm 2014. Theo các văn bản được ký kết từ trước, Chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã ấn định đây là thời hạn muộn nhất để hoàn tất việc di chuyển căn cứ này. Ông Sen-gô-cu nhấn mạnh, việc duy trì quân đội Mỹ là điều kiện cần thiết trong tình trạng an ninh hiện tại của khu vực Đông Á. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải có những chính sách nhằm giảm bớt sự phản đối của người dân Ô-ki-na-oa đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại tỉnh này. Theo kế hoạch, căn cứ Phu-ten-ma sẽ được di chuyển sang một khu vực khác cũng thuộc tỉnh Ô-ki-na-oa, ngoài ra một số bộ phận khác sẽ được chuyển sang căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Gu-am. Ngoài ra, kết quả cuộc bầu cử thống đốc Ô-ki-na-oa dự kiến diễn ra vào tháng 11.2010 cũng có thể ảnh hưởng tới thỏa thuận về căn cứ Phu-ten-ma giữa Mỹ và Nhật Bản.

Theo giới phân tích quốc tế, vấn đề căn cứ Phu-ten-ma tại tỉnh Ô-ki-na-oa đang là thách thức rất lớn đối với tân Thủ tướng Na-ô-tô Can trong giai đoạn hiện nay. Ngoài việc phải đối phó với khó khăn về kinh tế, tài chính của đất nước hiện nay, sức ép đối với ông Na-ô-tô Can về vấn đề căn cứ Phu-ten-ma cũng không nhỏ. Hiện nay, các đảng đối lập đang tập trung khai thác vấn đề này nhằm hạ uy tín của đảng DPJ đối với dân chúng Nhật Bản. Vụ tranh cãi về Phu-ten-ma sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với đảng DPJ trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 11.7.2010 sắp tới.

Cho dù sức ép từ dân chúng địa phương rất lớn và vấn đề căn cứ Phu-ten-ma sẽ bất lợi cho đảng DPJ, nhưng trước tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng phức tạp và động thái gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Nhật Bản sẽ không mạo hiểm để “mất lòng” Mỹ, dẫn đến phá vỡ liên minh quân sự Mỹ - Nhật. Vì đây là một sự đảm bảo an ninh chắc chắn cho Nhật Bản hiện nay và trong tương lai. Do vậy, tìm mọi cách để xoa dịu sự phản đối của người dân địa phương đối với vấn đề căn cứ Phu-ten-ma là giải pháp khả thi nhất mà Thủ tướng Na-ô-tô Can đang áp dụng.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang diễn ra phức tạp, thì sự quan tâm của người dân Nhật Bản đang tập trung nhiều hơn vào các giải pháp kinh tế mà Chính phủ nước này đưa ra nhằm giúp Nhật Bản thoát khỏi những khó khăn và nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Chính phủ Na-ô-tô Can chuyển sự chú ý của dư luận đối với vấn đề căn cứ Phu-ten-ma, nhằm mục đích vừa giảm sức ép từ chức trong nước, vừa không tác động xấu đến quan hệ liên minh chiến lược Mỹ - Nhật. Nếu ông Na-ô-tô Can có được thành tích nổi bật trong các chính sách kinh tế, tài chính, đặc biệt là có các giải pháp hiệu quả nhằm giảm gánh nặng cho người dân Ô-ki-na-oa, thì áp lực về vấn đề di chuyển căn cứ không quân Phu-ten-ma của Mỹ tại tỉnh Ô-ki-na-oa sẽ giảm đi.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực