Vì một thế giới an toàn hơn
Chủ nhật, 18/04/2010 07:00 (GMT+7)
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân vừa kết thúc tại Oasinhtơn D.C., Mỹ ngày 14-4 (giờ Việt Nam). Sáng kiến này của Tổng thống Barắc Ôbama đã thu hút sự tham gia của 47 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự cuộc gặp vì an ninh toàn cầu này.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II và 20 năm sau kết thúc Chiến tranh Lạnh, một Tổng thống Mỹ đã mời gọi cả cộng đồng quốc tế để cùng bản thảo về an ninh hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.
Kết quả nổi bật nhất sau cuộc gặp 48 giờ về hạt nhân giữa các nguyên thủ trên thế giới tại Oasinhtơn D.C. là các nước đã ra Tuyên bố chung cùng Kế hoạch hành động - cụ thể hóa các điểm trong Tuyên bố chung. Đây là thành tựu nổi bật nhất của cuộc gặp thế kỷ tại Oasinhtơn vì một thế giới an toàn hơn. Điểm nổi bật trong Tuyên bố chung giữa các nguyên thủ của 47 quốc gia, trong đó có Việt Nam, là trong vòng 4 năm tới, các nước sẽ tự nguyện đưa tất cả nguyên liệu hạt nhân vào tình trạng an toàn. Như vậy, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thế giới giờ đây đã đạt được sự đồng thuận chưa từng có từ nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc về mối đe dọa từ vũ khí và nguyên liệu hạt nhân không được bảo đảm an toàn cũng như những bước đi nhằm không để vũ khí, nguyên liệu và kỹ thuật liên quan tới hạt nhân rơi vào tay những kẻ khủng bố.
Nhìn lại quá khứ, cuối Chiến tranh Thế giới thứ II (tháng 6-1945), Mỹ phát triển một loại vũ khí mới- vũ khí hạt nhân. Năm 1949, Liên Xô thử thành công bom nguyên tử và sau đó, vũ khí hạt nhân tiếp tục được chế tạo tại Anh, Pháp và Trung Quốc... Sự ra đời của thứ vũ khí hủy diệt ghê gớm này khiến cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu bước vào giai đoạn mới, khốc liệt hơn. Vũ khí hạt nhân đã làm thay đổi tận gốc rễ quan điểm và phương thức tiến hành chiến tranh nói chung cũng như cơ cấu tổ chức các lực lượng vũ trang nói riêng. Một khi chiến tranh hạt nhân tổng lực xảy ra thì không chỉ loài người mà tất cả những loài sinh vật bậc cao trên Trái đất đều bị hủy diệt. Hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Hirôshima và Nagasaki của Nhật Bản (8-1945) là tấn thảm kịch của nhân loại trước sức hủy diệt ghê gớm đó.
Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới được hưởng thời gian "an toàn" ngắn ngủi khi kinh phí quân sự toàn cầu giảm 30% liên tục trong một thập niên (1990-1999). Bước vào thế kỷ XXI, thế giới lại bước vào cuộc đua vũ trang mới. Sau sự kiện ngày 11-9-2001, Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, kéo theo chi phí quân sự không ngừng tăng. Năm 2007 là năm tổng ngân sách quân sự toàn thế giới lần đầu tiên vượt quá mức 1.000 tỉ USD, tới 1.066 tỉ USD. Con số này tiếp tục tăng trong những năm gần đây, trong đó Mỹ luôn chiếm gần 50%. Điều đáng lưu tâm là dù tốn kém đến vậy, nhưng thế giới lại không an toàn hơn mà ngày càng bất ổn với những cuộc chạy đua vũ trang từ mặt đất đến không trung (hệ thống phòng thủ tên lửa) và cả trong lòng đại dương... Sự đồng thuận của cộng đồng thế giới tại Oasinhtơn D.C. vừa qua cho thấy, chính quyền của Tổng thống B.Ôbama không giấu giếm dự định đưa nước Mỹ - quốc gia đầu tiên sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân - thành quốc gia tiên phong trong những nỗ lực quốc tế bảo đảm an toàn cho các nguồn nguyên liệu hạt nhân nhạy cảm ở khắp thế giới.
Tại Hội nghị An ninh hạt nhân toàn cầu đầu tiên này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố dưới mọi hình thức và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân an ninh, an toàn vì mục đích hòa bình, vì lợi ích của các quốc gia. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu vì một thế giới không vũ khí hạt nhân với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, nước chủ nhà vừa tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 16, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cho thấy Việt Nam thật sự là quốc gia đang tích cực đóng góp cho sự phát triển phồn thịnh và không vũ khí hạt nhân không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Ước mơ về một thế giới không vũ khí hạt nhân dẫu chưa thể sớm trở thành hiện thực nhưng chính sách kiểm soát hạt nhân mới mang tính toàn cầu vừa được các nước đồng thuận thông qua rõ ràng đang đi đúng hướng. Cuộc gặp mặt thế kỷ vừa khép lại đã thể hiện ước mơ đó. Nhân loại đang chứng kiến một khởi đầu mới, toàn diện nhằm đưa thế giới thoát khỏi nỗi ám ảnh về vũ khí hạt nhân.