(ĐCSVN) – Mặc dù bản danh sách các nước thù địch của Mỹ đã được rút ngắn, song các khoản chi quân sự của nước này vẫn đứng ở mức cao kỷ lục và không ngừng tăng mỗi năm. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh Lạnh cũng đã kết thúc từ gần 2 thập kỷ nay và Mỹ cũng đang từng bước giảm số lượng quân đội hiện diện quân sự tại một số chiến trường, điển hình là Iraq. Vậy đâu là lý do khiến ngân sách quốc phòng của Mỹ không ngừng tăng?
Mức chi kỷ lục
Trong ngân sách tài khóa 2011 trình Quốc hội hôm 1/2, Tổng thống Mỹ B.Obama đã đề xuất dành cho quốc phòng tới 548,9 tỷ USD (tăng 3,4% so năm 2010). Bên cạnh đó, ông Obama cũng đề xuất bổ sung 33 tỷ USD ngân sách quốc phòng năm 2010 so với mức 129,6 tỷ USD đã được phê chuẩn trước đó. Như vậy, tổng số tiền đề nghị cho ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2011 và bổ sung cho năm 2010 là 708 tỷ USD, mức đề xuất lớn nhất từ trước tới nay. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích thì mức đầu tư 708 tỷ USD cho các khoản chi quốc phòng không những chỉ là một con số cao kỷ lục đối với nền quốc phòng của nước Mỹ mà số tiền này còn giúp Mỹ tiếp tục duy trì vị trí vượt trội của mình với tư cách là một quốc gia “chịu chi” cho quốc phòng trên toàn thế giới.
Cây bút kỳ cựu Doug Bandow – thành viên thuộc Viện CATO (một tổ chức nghiên cứu độc lập có uy tín) nhấn mạnh: “Các nhà làm luật của Mỹ muốn có được khả năng nhằm can thiệp vào khắp mọi nơi trên thế giới”. Bên cạnh đó, ông Bandow cũng thẳng thắn lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đã “vung tay quá trán” cho các khoản chi quốc phòng. Theo sự lý giải của ông Bandow thì các khoản chi cho mục đích tấn công thường cao hơn so với các khoản chi cho quốc phòng. Ngoài ra, ông Bandow cũng đưa ra nhận định rằng, việc đầu tư mạnh tay cho các khoản chi quốc phòng đã phản ánh quan điểm của Washington đó là tự coi mình là “sức mạnh của sự ổn định toàn cầu”.
Trong khoản tiền do ông Obama đề xuất, 159 tỷ USD sẽ được dành cho các cuộc chiến của Mỹ ở nước ngoài; 10,7 tỷ USD cho các quỹ phát triển để giúp ổn định những nước như Afghanistan, Pakistan, Iraq và Yemen... Ngoài ra, Bộ quốc phòng Mỹ cũng đưa ra lời lý giải cho số tiền dành cho mục tiêu quốc phòng cao kỷ lục do ông Obama đề xuất, đó là mức đầu tư này là cần thiết nhằm trang trải nhiều chi phí khác nhau, từ vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho quân nhân cho tới kế hoạch phòng thủ tên lửa.
Bản thông cáo chung của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Việc tăng quỹ cho quốc phòng sẽ cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ đáp ứng được những ưu tiên cao nhất của mình, điển hình như thực hiện lời cam kết của Tổng thống nhằm cải thiện hệ thống quốc phòng, phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo nhằm đối phó được với những mối đe doạ mới cũng như tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tối ưu cho những quân nhân bị thương”.
Về phần mình, chuyên gia quân sự của Viện nghiên cứu Heritage Foundation, bà Mackenzie Eaglen lại cho biết, mức chi cho quốc phòng cao “ngất ngưởng” mà ông Obama đề xuất hoàn toàn nhằm phục vụ cho những mục tiêu mà Mỹ đã đề ra từ năm 1945 –hướng tới một vai trò tích cực trong việc lường trước và giải quyết các mối đe doạ, bảo vệ tự do và ngăn chặn xung đột toàn cầu.
“Khả năng của nước Mỹ nhằm bảo vệ những nước đồng minh, làm thoái chí đối thủ, đánh bại các quốc gia tham chiến và đe doạ các nước thù địch không nằm trong sức mạnh của những lời cam kết về ngoại giao của các nhà lãnh đạo chính trị nước Mỹ mà hơn thế nữa, điều nó nằm ở một nền tảng sức mạnh quân sự hùng hậu”, bà Eaglen cho biết thêm.
Ông Carl Conetta – một thành viên Học viện Cộng đồng thịnh vượng chung (Commonwealth Institute) cũng đưa ra một nhận định rằng, mức chi cho quân sự của nước Mỹ đã tăng đáng kể trong nhiều năm trở lại đây, và thậm chí mức tăng này còn cao hơn nhiều so với mức chi trung bình trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan
Ngân sách quốc phòng của Mỹ có đề cập đến một phần không nhỏ dành cho cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan ở nước ngoài.
Trong bài diễn văn đọc tại Nhà trắng hôm 1/2, ông Obama đã tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ trong việc thông qua khoản tăng nguồn quỹ dành cho các chương trình đào tạo và đầu tư trang thiết bị cho các lực lượng Pakistan. Bên cạnh đó, ông Obama cũng yêu cầu việc tăng nguồn quỹ dành cho việc chống các cuộc chiến tranh du kích tại Pakistan lên thành 1,2 tỷ USD trong thời gian tới.
Trong khi đó, câu hỏi “làm thế nào để cuộc chiến chống khủng bố được thực hiện một cách hiệu quả nhất” vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Phe phê phán việc đầu tư mạnh tay vào ngân sách quốc phòng cho rằng việc sử dụng quân đội theo cách thức truyền thống không phải là cách thức tối ưu để chống lại kẻ thù số 1 của nước Mỹ. Trong khi đó, những người ủng hộ vấn đề này lại nhấn mạnh rằng, Afghanistan cần sức mạnh truyền thống của quân đội Mỹ nhằm xoá sổ nơi trú ngụ của những lực lượng nổi dậy như al-Qaeda.
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Obama đã yêu cầu 33 tỷ USD cho kế hoạch tăng quân tại Afghanistan nhằm phục vụ cho công việc đào tạo các lực lượng của nước sở tại cũng như dành cho kế hoạch rút lui của Mỹ khỏi chiến trường này vào năm 2011.
Những lo ngại về thâm hụt ngân sách
Các khoản tăng quốc phòng của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn và các mối lo ngại về khả năng thâm hụt tại Mỹ ngày càng trở nên rõ nét.
Trong bài phát biểu ngày 1/2, ông Obama đã khuyến cáo rằng, tình trạng thâm hụt sẽ lên tới mức kỷ lục trong năm 2010. Bên cạnh đó, ông Obama cũng đổ lỗi cho Chính quyền cựu Tổng thống George W.Bush đã đưa ra một số khoản chi vô tội vạ.
Theo nhận định của ông Obama, trong năm 2010, thâm hụt của Mỹ sẽ đạt mức gần 1,6 nghìn tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số dự báo do Nhà trắng đưa ra hồi năm 2009
“Chúng ta không thể hạ mức thâm hụt chỉ trong một sớm một chiều…Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện các mục tiêu của mình, điển hình là việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Điều này đã được phản ánh đến trong khoản ngân sách tôi đưa ra và đó là điều cần thiết”, ông Obama nhấn mạnh./.