Vị thế của Trung Quốc năm 2009

Thứ hai, 22/02/2010 13:54

(ĐCSVN)Năm 2009, Trung Quốc đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận thế giới do nước này đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, ngoại giao cũng như cải thiện được hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Theo một nhóm nghiên cứu về truyền thông tại Mỹ, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường về kinh tế đã trở thành một đề tài được tìm kiếm nhiều nhất trong thập kỷ qua, vượt xa cả câu chuyện “ăn khách” đứng thứ 2 trên Internet về đề tài cuộc chiến tại Iraq đến 400% lượng truy cập.

Kinh tế

“Nhiều người đã từng nghĩ rằng tham vọng của Trung Quốc nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 8% trong năm 2009 là một giấc mơ giữa ban ngày, tuy nhiên trên thực tế, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu của mình”.

Tạp chí Time của Mỹ gần đây đã chỉ ra rằng “một năm trước, nhiều người coi tham vọng của Trung Quốc nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2009 là một giấc mơ giữa ban ngày, tuy nhiên, Trung Quốc đã thành công trong việc hiện thực hoá tham vọng của mình. Cụ thể, nước này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, đồng thời đóng vai trò là động lực phát triển cho nhiều nền kinh tế khác.

Trong khi đó, tạp chí Forbes của Mỹ mới đây cũng đăng bài viết với nhan đề “Tăng trưởng của Trung Quốc là có thật”, trong đó nêu bật những yếu tố được xem là sức bật đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Chính phủ và chính quyền các địa phương cũng như sự phục hồi đáng kể của lĩnh vực xuất khẩu. Bài báo viết: “…cộng đồng thế giới nên sẵn sàng cho một thế giới mà trong đó Trung Quốc sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng…”.

Văn hoá

 

 Các du khách người Mỹ thử tập hát Hò Quảng tại một nhà hát
ở Bắc Kinh, Trung Quốc
(Ảnh: People's Daily)


Năm 2009, Phó Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới 5 nước châu Âu và tham dự Liên hoan nghệ thuật Trung Quốc- Europalia cũng như tham dự vào một số hoạt động tại Hội chợ sách Franhkfurt. Liên hoan nghệ thuật Trung Quốc- Europalia là sự kiện văn hóa lớn nhất Trung Quốc phối hợp tổ chức ở nước ngoài với các quốc gia khác trong những năm gần đây, sau Năm Văn hóa Trung Quốc - Pháp năm 2003. Đối với Europalia, Liên hoan Nghệ thuật văn hóa năm 2009 cũng là một trong những sự kiện lớn nhất của tổ chức này kể từ năm 1969 được tổ chức với mục đích nhằm giới thiệu những khía cạnh của nền văn hoá Trung Quốc.

Sau đó, ngày 14/10/2009, tờ China Press USA cũng đăng tải một bài viết với nhan đề “Thể hiện quyền lực mềm, cuộc phô diễn văn hoá của Trung Quốc đã bắt đầu”. Theo nhận định của bài báo này thì chuyến công du vừa qua của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát đi một tín hiệu về chính sách ngoại giao văn hoá của Trung Quốc.

Bài báo cho rằng, sự tham gia của một đại diện cấp cao Trung Quốc tại Hội chợ sách Frankfurt lần đầu tiên với tư cách là một khách mời danh dự chính là một cơ hội để Trung Quốc phô diễn những nét đẹp văn hoá của mình. Quan điểm “chủ động hội nhập” đã cho thấy Trung Quốc đang ngày càng trở nên tự tin hơn về nền văn hoá của mình và “quyền lực mềm” của Trung Quốc ngày càng được khẳng định vị thế trên trường thế giới.

Chính trị

“Nền kinh tế của Trung Quốc đang được cải thiện đáng kể và Trung Quốc đang ngày càng có trách nhiệm hơn trong lĩnh vực chính trị của mình”.

Gần đây, tạp chí Forbes của Mỹ đã xuất bản một bài báo với nhan đề “Đúng thế, Trung Quốc đã hoàn toàn trở lại với tư cách là một siêu cường”. Theo bài báo này, Trung Quốc sẽ không chỉ trở nên mạnh mẽ hơn về mặt kinh tế mà còn ngày càng vững mạnh hơn về mặt chính trị. Không chỉ đối phó một cách hiệu quả với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc còn đóng vai trò quan trọng trong nhóm các nước công nghiệp và mới nổi (G20) cũng như có một vị trí không thể thiếu đối với nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, tờ nhật báo Sydney Morning Herald mới đây cũng đăng tải một bài viết với nhan đề “Sự chờ đợi đã qua và Trung Quốc đang sải những bước dũng cảm về phía trước trong lĩnh vực chính trị”.

Giáo sư White, một nhà nghiên cứu chiến lược tại trường Đại học quốc gia Australia cho rằng, trong quá khứ, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ thì tầm ảnh hưởng về mặt chính trị của nước này lại chỉ nằm gọn trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, cho đến năm 2009, tầm ảnh hưởng về chính trị của Trung Quốc đã ngày được cải thiện và điều đó đã trở thành một thực tế không thể chối cãi. Về mặt kinh tế, Giáo sư White nhấn mạnh, sau thời kỳ khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trên thế giới và cộng đồng các nước phương Tây sẽ nhiệt liệt đón chào cũng như khuyến khích vai trò mà Trung Quốc đảm trách.

Ngoại giao

“Nếu như trước đây, những chuyến công du của các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc ít khi diễn ra thì hiện nay những sự kiện này đã diễn ra thường xuyên hơn và chính sách ngoại giao tập trung vào con người của Trung Quốc thể hiện này càng rõ”.

Mới đây, tờ United Morning Post của Singapore đã đăng tải một bài viết với nhanh đề “Chính sách ngoại giao tập trung vào con người của Trung Quốc không còn là lời nói suông trong năm 2009”. Qua đó, bài viết đã chỉ ra rằng, trong năm 2009, Trung Quốc đã xúc tiến nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng. Việc các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc thường xuyên có các chuyến công du nước ngoài cũng là một điều trước đây rất ít khi diễn ra.

Bên cạnh đó, bài báo cũng nêu bật một số sự kiện nhằm minh chứng cho nhận định của mình, điển hình như sự kiện Chủ tịch Trung Hoa Hồ Cẩm Đào tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London (Anh) vào tháng 4/2009, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Yekaterinburg (Nga). Ngoài ra, ông Hồ Cẩm Đào cũng đã có các buổi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ và có chuyến công du Nga, Slovakia. Tháng 11/2009, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tới Malaysia, Singapore và tham dự Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ngày 15/12/2009, ông Hồ Cẩm Đào đã hoàn tất chuyến công du tới hai quốc gia Trung Á khác.

Về phần mình, tháng 1/2009, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng có chuyến công du 4 nước châu Âu và có chuyến thăm hữu nghị tới CHDCND Triều Tiên vào tháng 10/2009. Tháng 11/2009, ông Ôn Gia Bảo đã tới Ai Cập và tham dự phiên khai mạc Diễn đàn hợp tác châu Phi-Trung Quốc. Tháng 12/2009, Thủ tướng Trung Quốc đã tới Đan Mạch và tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Theo bình luận của bài báo này, lý thuyết của Chính phủ Trung Quốc về chính sách ngoại giao tập trung vào con người không còn là lời nói suông. Bộ Ngoại giao và thậm chí là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đóng vai trò ngày càng lớn trong nhiều sự kiện khác nhau như vụ việc giải phóng con tin tại Iraq, giải thoát công dân Trung Quốc tại Tonga và giải thoát một số công nhân và kỹ sư Trung Quốc bị bắt giữ tại Pakistan và Somalia…

Hình ảnh

 

 Bức hình chụp 4 người công nhân Trung Quốc xuất hiện
trên tạp chí Time năm 2009 (Ảnh: People's Daily)


“Những người công nhân Trung Quốc đã được tạp chí Time đưa vào danh sách đề cử nhân vật của năm 2009 do những cống hiến của họ trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế thế giới”.

Gần đây, tạp chí Time đã công bố Chủ tịch cục dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke là nhân vật trong năm 2009. Trong khi đó, một nhóm công nhân Trung Quốc, cùng với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và ông vua tốc độ người Jamaica Usain Bolt cũng được đề cử là những người thuộc tốp nhì cho danh hiệu nhân vật của năm 2009.

Theo quan điểm của tờ Time, sở dĩ, những người công nhân Trung Quốc được đề cử là nhân vật của năm 2009 là do Trung Quốc đã thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 8%. Và hàng chục nghìn người công nhân Trung Quốc – những người đã sẵn sàng sống xa nhà cửa để làm việc tại các thành phố vùng duyên hải thịnh vượng của Trung Quốc chính là đối tượng giành công đầu trong thành tựu này. Chính công sức lao động nhọc nhằn của những người đàn ông và đàn bà Trung Quốc bình thường và cái nhìn lạc quan về tương lai đã trở thành động lực, góp phần đưa nền kinh tế thế giới vào con đường hồi phục./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực