Mỹ vẫn bám giữ tư duy lỗi thời là áp đặt, can thiệp và chỉ phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho Mỹ mất dần giá trị tại châu Á.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang thực hiện chuyến công du đầu tiên của năm 2010 tới các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với nhiệm vụ xác định Vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực này trong thế kỷ 21. Khi Châu Á đang được coi là động lực vực dậy nền kinh tế toàn cầu thì sứ mệnh đó không dễ trở thành hiện thực.
Hơn thế nữa, nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế còn cho rằng, nước Mỹ không thể trở thành nhà lãnh đạo và cũng chẳng còn nắm vị trí độc tôn tại khu vực này trong thế kỷ 21. Dưới thời cựu Tổng thống Geoge Bush, với những đồng minh thân thiết như Nhật Bản, Hàn Quốc…, Mỹ tự coi mình có vị trí vững chắc và có thể buộc lục địa này theo cây gậy chỉ huy của mình.
Dường như quá tự tin vào quyền uy này, vào thời kỳ đó, Mỹ không dành nhiều quan tâm tới các nước Châu Á. Giờ đây, nước Mỹ bắt đầu giật mình về sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều quốc gia Châu Á - mà dư luận báo chí gọi là sự thần kỳ về phát triển kinh tế.
Theo tờ Thời báo Washington, trong giai đoạn từ năm 1965 - 2007, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân theo đầu người, tính theo tỷ giá đồng USD hiện nay, đã tăng 15% ở Hàn Quốc, 8% ở Trung Quốc, gần 6% ở Singapore, hơn 4% ở Nhật Bản, Việt Nam 7% và thậm chí ở Indonesia - quốc gia liên tục gặp thảm họa động đất, sóng thần cũng hơn 2%.
Hơn thế nữa, Châu Á đang có hai quốc gia được coi sẽ là những nước lớn trong thế kỷ này, là Trung Quốc và ấn Độ. Đây là hai nước có số dân đông nhất thế giới và là những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, tất yếu có vị thế chính trị lớn trong việc giải quyết các vấn đề cấp thiết của cộng đồng quốc tế. Và điều thần kỳ này còn được thể hiện, Châu Á đang trở thành động lực vực dậy nền kinh tế thế giới hồi phục và phát triển sau cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua.
Tháng 11/2009, Tổng thống Barack Obama đã tới thăm Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Còn Người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ H.Clinton cũng liên tiếp tới khu vực này. Bà đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác tại Thái Lan và giờ đây là chuyến công du tới các nước ở Châu Á - Thái Bình Dương (từ ngày 12 - 18/1/2010), cho thấy Mỹ đã thực sự “bừng tỉnh” trong nhận thức về giá trị thực của họ tại lục địa này và nỗ lực để lấy lại ưu thế, vai trò ở Châu Á.
Tuy nhiên không dễ để thực hiện mục tiêu này. Bà H.Clinton cũng thừa nhận thực tế này, khi cho rằng Mỹ và nhiều quốc gia Châu Á còn nhiều bất đồng trong nhiều vấn đề cả về chính trị và kinh tế. Các nước Châu Á coi việc Mỹ vẫn áp dụng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đối với nhiều mặt hàng nhập từ Châu Á, cụ thể là quyết định đánh thuế chống phá giá trên nhiều mặt hàng công nghiệp của Trung Quốc, là chính sách thiếu thiện chí. Ngay cả khi Mỹ nói thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng, nhưng Tổng thống Obama vẫn gặp gỡ nhân vật ly khai Dalai Lama và ủng hộ bán vũ khí cho Đài Loan. Đồng thời, nước Mỹ ngày nay vẫn lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo để can thiệp công việc nội bộ và quyền tự quyết của nhiều quốc gia Châu Á.
Ngay cả quan hệ Mỹ - Nhật Bản cũng đang bộc lộ nhiều bất đồng sâu sắc, đe doạ điều mà Washington mô tả là làm lung lay nền tảng liên minh chiến lược giữa hai nước. Chỉ riêng việc chính quyền mới của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama yêu cầu di dời căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa Nhật Bản cũng cho thấy, đất nước Mặt trời mọc đang lấy lại tính độc lập và quyền tự quyết của mình trong quan hệ với Mỹ.
Những gì mà Mỹ đã thể hiện với Trung Quốc, hay với các quốc gia Châu Á khác, tưởng như chỉ là những hành động nhỏ lẻ. Nhưng không phải như vậy. Đó chính là những vấn đề cốt lõi, thể hiện Mỹ vẫn bám giữ tư duy lỗi thời, là áp đặt, can thiệp và chỉ phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho Mỹ mất dần giá trị tại Châu Á.
Nếu các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tin rằng, chỉ với những chuyến đi mà không cần phải thay đổi quan điểm trong cách hành xử quốc tế, là có thể lãnh đạo và có ảnh hưởng sâu rộng tại Châu á trong thế kỷ 21, thì đây sẽ là một sai lầm. Nó cũng làm cho chuyến công du các nước Châu Á - Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ không đạt được những kết quả đột phá và mục tiêu nước Mỹ lấy lại ưu thế tại Châu á mãi vẫn là bài toán khó./.