Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trong điều kiện toàn cầu hóa, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đặt ra nhiều vấn đề cần có sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Lê-nin về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nói tới Nhà nước pháp quyền tức là đề cao tính thượng tôn pháp luật mà lại đề cập bảo đảm và phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, liệu có hợp lôgíc? Ðiều này không có gì là không hợp lôgíc, và đây chính là sự phát triển tư tưởng của V.I.Lê-nin về xây dựng một Nhà nước của giai cấp công nhân. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam theo tư tưởng V.I.Lê-nin không phải là việc tự thân của Nhà nước mà trước hết là của Ðảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền rồi sau mới đến trách nhiệm của các thành viên của hệ thống chính trị. Nhưng bao trùm hơn cả là trách nhiệm của toàn dân tộc. Ðường lối lãnh đạo của Ðảng phải được thể chế hóa thành luật pháp thông qua hoạt động của Nhà nước.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết cho thành công của việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền Việt Nam giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng là nhiệm vụ then chốt không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân Ðảng mà còn là quan trọng đối với sự tồn tại hoạt động của Nhà nước pháp quyền. Vấn đề là phải luôn luôn đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước để sao cho vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, vừa phát huy vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước để tập trung mọi quyền lực vào tay nhân dân. Ðảng vừa không được bao biện nhưng Ðảng không được buông lỏng sự lãnh đạo đối với hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là đối với Nhà nước.
Sự lãnh đạo của Ðảng đối với toàn xã hội nói chung, với hệ thống chính trị và riêng đối với Nhà nước giai đoạn hiện nay không tự nhiên mà có. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã giành được quyền lãnh đạo khi được toàn dân tộc Việt Nam tin yêu bởi sự hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhân dân đã trao quyền lãnh đạo đất nước cho Ðảng Cộng sản Việt Nam. Quyền lực của Ðảng, sức mạnh của Ðảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Sự lãnh đạo của Ðảng đã được ghi vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (hiện hành). Nhưng, một điều nữa cũng cần nhấn mạnh trên tinh thần vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng phải luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo Nhà nước pháp quyền.
Về tăng cường hơn nữa công tác giám sát, V.I.Lê-nin nhấn mạnh tới công tác kiểm kê, kiểm soát trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở đây, Người đề cập vai trò của công nhân và người dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước. Nhân dân là người ủy quyền cho Nhà nước quản lý xã hội. Trong giai đoạn hiện nay cần tăng cường và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Cần tiếp tục xây dựng thể chế tạo mọi điều kiện để Quốc hội (trong đó có các Ðoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội) giám sát có hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Không có giám sát, kiểm tra thì không thể có một Nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được.
Trong giai đoạn hiện nay vai trò của Nhà nước trong quản lý và điều hành vĩ mô càng quan trọng. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Mọi hoạt động của Chính phủ đề cao trách nhiệm trước việc thực thi các quyết định của Quốc hội. Cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta không phải là cơ chế kinh tế thị trường tự phát mà là cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý Nhà nước kết hợp kế hoạch với thị trường, có sự điều tiết hợp lý. Sự khủng hoảng tài chính, ngân hàng dẫn đến sự suy giảm kinh tế lớn nhất của thế giới từ trước đến nay (lớn hơn về quy mô, mức độ so với thời kỳ 1929 - 1933) đã cho chúng ta bài học quý báu về vai trò của Nhà nước, với sự can thiệp cần thiết đúng lúc, có hiệu quả và nói lên tính ưu việt của chế độ chính trị, tính định hướng chính trị của Nhà nước pháp quyền Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Bản chất Nhà nước vô sản theo tư tưởng V.I.Lê-nin gắn liền với vai trò làm chủ của nhân dân. Nhà nước là tổ chức cai trị của một giai cấp. Nhưng, trong xã hội hiện đại và ở nước ta, Nhà nước pháp quyền là tổ chức được sự ủy quyền của giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ, có quyền lợi và nghĩa vụ làm chủ Nhà nước và kiểm soát, giám sát mọi hoạt động của Nhà nước. Vận dụng và phát triển tư tưởng của V.I.Lê-nin về vấn đề giám sát, kiểm soát ở nước ta theo sự chỉ dẫn của V.I.Lê-nin, không những được thể hiện trong việc ban hành các nghị quyết, quyết định, pháp luật mà còn trong cả quá trình thực hiện thực tế.
Xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước trong sạch, V.I.Lê-nin lên án gay gắt những tiêu cực trong bộ máy Nhà nước Xô-viết từ năm 1917 đến khi Người qua đời năm 1924. Những tiêu cực được V.I.Lê-nin nêu lên nhiều nhất: quan liêu, hối lộ, tham nhũng, lãng phí, thói vô trách nhiệm của công chức, của các Bộ dân ủy. V.I.Lê-nin đã đề ra những biện pháp quyết liệt, nghiêm khắc để trừng trị những ai vi phạm.
Ở Việt Nam, là học trò xuất sắc của V.I.Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Chỉ một tháng sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng nêu lên sáu căn bệnh mà chính quyền cách mạng non trẻ đã mắc phải: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm, thứ giặc ở trong lòng, nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Việc xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh giai đoạn hiện nay theo tư tưởng của V.I.Lê-nin cần chú ý những vấn đề sau đây: Xây dựng các cơ quan thuộc ba bộ phận của Nhà nước, là lập pháp, hành pháp, tư pháp thật sự có hiệu lực, hiệu quả, có sự thống nhất để tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân, có phân công, phân cấp rõ ràng, hợp lý. Bộ máy Nhà nước phải tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Sử dụng mọi cơ chế chính sách để đào tạo, tuyển chọn đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cấp chủ chốt, thật sự có đức - tài gánh vác các công việc của Nhà nước. Ðó là những người biết coi trọng lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân, không tham nhũng, lãng phí, quan liêu và tích cực chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Xây dựng cơ chế và thực hiện cơ chế miễn nhiệm, từ chức đối với những đại biểu của nhân dân không làm tròn nhiệm vụ. Văn hóa chính trị trong hoạt động của bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn hiện nay càng cần được đề cao và thực thi một cách nghiêm túc. Trách nhiệm công chức và trách nhiệm cán bộ Nhà nước phải được thực thi một cách đầy đủ và theo cơ chế thưởng phạt nghiêm minh như tinh thần của V.I.Lê-nin trong xây dựng chính quyền Xô-viết.
V.I.Lê-Nin, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động quốc tế, người kế tục xuất sắc sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, đã để lại cho chúng ta những di sản quý báu. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo tư tưởng của V.I.Lê-nin là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của cả hệ thống chính trị nước ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng.