Xe tăng quân giải phóng vào Sài Gòn sáng 30/4/1975.
|
Nhân dân ta đang tưng bừng kỷ niệm 35 năm chiến thắng vĩ đại ngày 30-4 -1975 - Ngày hội thống nhất non sông, và cùng tưởng nhớ đến những người con của dân tộc đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc và thống nhất đất nước.
Các thế hệ, từ những người đã từng trực tiếp hay gián tiếp tham gia các cuộc kháng chiến của dân tộc, đến những người chưa từng trải qua chiến tranh đều đang cùng nhau đánh giá, phân tích để tôn vinh sự hy sinh cống hiến to lớn của các thế hệ trước trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm ngăn chặn chiến tranh đe doạ cuộc sống hoà bình. Nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, vừa ra sức phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp, vừa tích cực khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Vậy nhưng, còn một số người không những vẫn hằn học hoặc cay cú với quá khứ, tiếp tục bằng mọi cách chống phá chế độ một cách quyết liệt, bôi nhọ chiến thắng vinh quang, xúc phạm sự hy sinh to lớn của dân tộc, tiếp tục chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, ngăn cản tiến trình phát triển của đất nước.
Những chiến dịch kiểu “chuyển lửa về quê nhà” sau chiến tranh trong âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, do các lực lượng phản động lưu vong ở nước ngoài thực hiện, đều bị thất bại trước tinh thần cảnh giác cao độ của nhà nước và của nhân dân ta. Tuy nhiên vẫn có những nhóm cực đoan tiếp tục có những bài viết, phát biểu bôi nhọ chiến thắng 30-4, công kích Đảng, chính quyền, đoàn thể trong nước; núp dưới con bài "tự do, dân chủ, nhân quyền" để đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo; cản trở tiến trình đi lên của đất nước...
Cách đây 35 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã kết thúc thắng lợi bởi nó được lãnh đạo và thực hiện hợp quy luật, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng cháy bỏng của toàn dân tộc. Thế nhưng, hằng năm, cứ đến ngày này, ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, một số nhóm phản động cực đoan thường tổ chức “ngày quốc hận” để hoài niệm một chế độ tàn bạo ở miền nam Việt Nam đã sụp đổ, hoài niệm thời kỳ đất nước bị chia cắt, tìm cách bôi nhọ những gì tốt đẹp đang diễn ra ở Việt Nam. Họ ráo riết vận động, thậm chí gây sức ép đòi một số cấp chính quyền hoặc các trường học địa phương ở Mỹ treo cờ vàng ba sọc (của chế độ ngụy cũ) thay vì treo quốc kỳ của nước CHXHCN Việt Nam. Hành động như vậy, họ đã tự hạ thấp chính họ, hạ thấp dân tộc Việt Nam và coi thường nhà nước liên bang Mỹ, khi mà Việt Nam và Mỹ đã công nhận nhau, có quan hệ chính thức với nhau và mối quan hệ hợp tác Việt - Mỹ đang ngày càng phát triển.
Cũng vào dịp này, trên một số tờ báo hay trang web hải ngoại, người ta lại thấy xuất hiện những bài viết, bài phát biểu, những tuyên bố hoặc những bài phỏng vấn của các nhân vật chống cộng, chống Việt Nam với quan điểm đầy hằn học và cái nhìn cực đoan về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Vin vào những đau thương mất mát, những vết thương còn chưa lành hết, những hậu quả do chiến tranh gây ra, họ đưa ra những đánh giá, nhận xét thiếu khách quan, thậm chí đầy tính kích động và xuyên tạc. Họ thẳng thừng tuyên bố, “ngày 30-4 là ngày toàn thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng là ngày thua của toàn dân tộc". Qua những loại bài ấy, có thể nhận ra rằng, các tác giả của chúng thường sử dụng những hiểu biết cũ rích, lạc hậu và lặp đi lặp lại những điều đã nói lâu nay. Họ đã bỏ qua thực tế những gì đang diễn ra trong nước, cố tình nói xấu bôi nhọ để lôi kéo những người chống đối. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin, khó có thể lừa được ai. Ví dụ, gần đây, với tham vọng “đánh sập” hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc, một nhóm người Việt hải ngoại đã gom tiền tài trợ làm ra một bộ phim vi-đê-ô về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung xuyên tạc, được quảng cáo khá lâm ly. Nhưng vụ áp phe chính trị và tiền bạc này đã bị thất bại bởi phim làm ra chẳng ai mua, còn sự xuyên tạc và bôi nhọ thì không được chấp nhận ngay trong phần lớn cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Hình tượng Hồ Chí Minh và những tư tưởng cao đẹp của Người đã trở thành giá trị đích thực được thừa nhận không chỉ trong lòng dân tộc Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, đâu dễ bịa đặt.
Cuộc kháng chiến chính nghĩa vì độc lập của dân tộc ta đã giành được sự ủng hộ của toàn thế giới và ngay trong lòng các nước phương Tây cũng như ở chính nước Mỹ. Phong trào ủng hộ Việt Nam đã từng rầm rộ diễn ra trên khắp hành tinh, nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam dưới nhiều hình thức. Có biết bao người Mỹ đã từng xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, đòi rút con em họ ra khỏi cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cuộc chiến tranh kết thúc vào ngày 30-4-1975 để “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một...”. Vậy mà những người chống đối vẫn coi Ngày Chiến thắng đó là “ngày quốc hận”. Chính họ đã tự loại mình ra khỏi cộng đồng dân tộc Việt Nam, tự mình đứng ngoài tiến trình phát triển của dân tộc.
Sau chiến tranh, có rất nhiều lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã và đang trở lại chiến trường xưa sám hối về những tội ác mà họ gây ra, để lòng họ được thanh thản. Lòng vị tha của con người Việt Nam, lịch sử, văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài đến với Việt Nam, trong đó có các cựu binh Mỹ. Có sai lầm hay không khi có những người Mỹ và nhiều nước khác tự nguyện đến với Việt Nam, coi Việt Nam hôm nay là một phần để gắn bó cuộc đời? Có sai lầm hay không khi những người nước ngoài xin được nhập quốc tịch Việt Nam hoặc nguyện ước được an táng tro cốt của mình sau khi qua đời vì kính trọng và yêu mến Việt Nam? Và có sai lầm hay không khi những tập đoàn, công ty của nước ngoài tự nguyện đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh, làm bạn với Việt Nam?
Chắc chắn là không.
Chỉ có những người hằn học với chiến thắng của dân tộc, chống phá chế độ mới là những người sai lầm