Xung quanh việc Nhật Bản xác nhận có thoả thuận hạt nhân bí mật với Mỹ

Thứ sáu, 12/03/2010 10:38

Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama  

Thủ tướng Hatoyama muốn khẳng định tính minh bạch và công khai, lấy lại niềm tin của công chúng đối với chính phủ của ông.

Nhật Bản vừa khẳng định sự tồn tại của thoả thuận hạt nhân bí mật với Mỹ được ký trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khiến dân chúng thêm mất lòng tin vào các chính phủ tiền nhiệm, nhưng lại tạo lợi thế cho chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, đây có phải là liều thuốc tốt giúp Chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama vượt qua khó khăn hiện tại, vẫn đang là câu hỏi lớn.

Sau đúng nửa thế kỷ giấu kín và phủ nhận, ngày 9/3/2010, Chính phủ Nhật Bản thừa nhận về ba thoả thuận quân sự bí mật với Mỹ, được hai nước ký kết từ năm 1960. Theo đó, ngay từ thời điểm đó, quân đội Mỹ được phép đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật Bản mà không cần hỏi ý kiến trước. Hai thoả thuận khác là: Mỹ được quyền sử dụng các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản và phân chia trách nhiệm tài chính giữa hai nước trong thời gian Mỹ trao trả Nhật Bản đảo Okinawa vào năm 1972.

Là đất nước phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp do Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945 làm hơn 200.000 người thiệt mạng, từ năm 1967, Tokyo đã đưa ra chính sách về ba nguyên tắc chống hạt nhân, gồm: không sở hữu, không sản xuất và không tàng trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Trong nhiều năm qua, khi những thông tin về các thoả thuận bí mật đó được tiết lộ, các chính quyền Nhật Bản trước đây, luôn tìm cách giấu kín và phủ nhận, do lo ngại sự phản đối của người dân.

Nhưng giờ đây, Chính phủ của Thủ tướng Hatoyama dường như đã không cần phải hành động như vậy. Một ủy ban độc lập do Chính phủ chỉ định bắt đầu các cuộc điều tra từ cuối năm ngoái và các chuyên gia quân sự đã nhanh chóng giải mã hơn 4.000 bộ hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản. Kết quả là xác nhận có tồn tại những thoả thuận hạt nhân bí mật với Mỹ. Đây được coi là một động thái tích cực của Chính phủ do Đảng DPJ của Thủ tướng Hatoyama lãnh đạo và cần thiết trong bối cảnh hiện nay của đất nước Mặt trời mọc.

Thực tế chỉ sau 100 ngày cầm quyền, từ tháng 9 đến tháng 12/2009, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Hatoyama đã rạn nứt do mâu thuẫn trong chính sách vực dậy nền kinh tế và sự tồn tại các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản. Nhưng nguy hiểm hơn là chỉ số uy tín của chính phủ liên tục giảm sút vì những vụ bê bối tài chính của một số thành viên nội các. Trong khi chỉ còn ít ngày nữa, Chính phủ phải trình lên Quốc hội Nhật Bản ngân sách nhà nước năm 2010-2011, Bộ trưởng Tài chính Hirohisa Fujii xin từ chức vì lý do tuổi cao, sức khoẻ kém. Thủ tướng Hatoyama so sánh thời điểm hiện nay của Chính phủ Nhật Bản giống như người phụ nữ đang “vượt cạn”, thế mà người phụ trách vấn đề này lại xin rút lui, làm cho các hoạt động lớn của quốc gia về tài chính từ thu chi đến phân bổ ngân sách bị đình trệ, chờ người mới. Trong khi đó, các trợ lý của ông Hatoyama đều đang bị nghi ngờ có gian lận trong tài chính và các nguồn tài trợ, còn Chính phủ lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về kinh tế, như tình trạng giảm phát và nợ nhà nước vẫn tiếp tục tăng. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, nợ công của Nhật Bản sẽ tăng lên tới 200% GDP vào năm 2011.

Cho dù còn gần 50% số người dân được hỏi vẫn dành sự ủng hộ và tình cảm đối với Chính phủ của Thủ tướng Hatoyama, nhưng đó là sự sụt giảm đáng kể so với mức hơn 70% vào thời điểm ông bắt đầu lãnh đạo chính phủ. Nếu tỷ lệ này không được cải thiện, thì tại cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới, DJP không thể chiếm đa số tại cơ quan này của Quốc hội - nơi quyết định việc thông qua các quyết sách của Chính phủ. Điều đó có nghĩa, nhiều kế hoạch thúc đẩy kinh tế của Chính phủ, của DPJ sẽ bị Thượng viện cản trở, hoặc bác bỏ.

Bởi thế, với việc nhanh chóng thừa nhận có thoả thuận hạt nhân bí mật với Mỹ, Thủ tướng Hatoyama muốn khẳng định tính minh bạch và công khai, lấy lại niềm tin của công chúng đối với chính phủ của ông. Nó được ví như liều thuốc tăng lực đối với chính phủ, xoá đi những bất bình của người dân trước những vụ bê bối về tài chính của một số thành viên trong nội các. Tuy nhiên, liều thuốc đó sẽ chỉ tốt, khi Chính phủ và Đảng DPJ của Thủ tướng Hatoyama tạo lập lại đoàn kết trong liên minh cầm quyền và thực hiện có hiệu quả các chính sách kinh tế và chương trình cải thiện dân sinh, bởi chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực