Đến 31/12/2014, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 129.456 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay đối với hộ đồng bào DTTS đạt 27.742 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện, với trên 1,4 triệu hộ là đồng bào DTTS còn dư nợ.
Buổi làm việc diễn ra trong không khí trao đổi cởi mở, thẳng thắn (Ảnh: PV)
Vốn cho vay ưu đãi đã đến với 100% số xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong đó vốn tập trung cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; dư nợ bình quân một xã là 12,6 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho trồng trọt và chăn nuôi… Vốn tín dụng từ NHCSXH đã góp phần giúp trên 680 nghìn lượt hộ nghèo là đồng bào DTTS vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, trong đó trên 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp 591 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào DTTS được vay vốn học tập, xây dựng hơn 94 nghìn căn nhà cho hộ nghèo chưa có nhà ở, xây dựng gần 700 nghìn công trình cung cấp nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn…
Hiện nay, NHCSXH đang triển khai 4 chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào DTTS gồm: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; chương trình hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015; chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và chương trình cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ. Trong giai đoạn 2005 đến hết năm 2014, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với đồng bào DTTS có tổng dư nợ đạt 1.056 tỷ đồng với 149.363 hộ vay.
Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: PV)
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết: Những năm qua, với chức năng và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, NHCSXH đã thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có hộ nghèo đồng bào DTTS, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả đó đã được Đảng, Nhà nước và Quốc hội ghi nhận, đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong bức tranh chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng mong muốn, Đoàn công tác quan tâm, kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ có những chính sách bổ sung nguồn vốn để NHCSXH thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có hộ đồng bào DTTS.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Danh Út đánh giá cao những kết quả của NHCSXH trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo DTTS; nhấn mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi được NHCSXH thực hiện đóng góp rất lớn trong giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình an ninh, chính trị tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cũng theo ông Danh Út, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự là “đòn bẩy” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong đó có hộ nghèo DTTS vươn lên, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị NHCSXH tiếp tục ưu tiên vốn cho địa bàn khó khăn, vùng núi, vùng có đông đồng bào DTTS, góp phần củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tổ chức tốt việc thu hồi nợ và quay vòng nguồn vốn, đảm bảo ngày càng có nhiều bà con DTTS được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động tín dụng, đặc biệt là về nguồn vốn; phối hợp tốt với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp tục khẳng định được vị thế của NHCSXH trong công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội./.
HA.NV