Nhiều tiềm năng cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam

Thứ tư, 16/03/2022 23:36
(ĐCSVN) – Ngân hàng mở giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: L.K) 

Đó là chia sẻ của Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) Nguyễn Quốc Hùng tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam – Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” do Ủy ban Chính sách thuộc HHNH phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hôm nay (16/3) tại Hà Nội.

Tổng Thư ký HHNH Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, Ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng, cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Việc ứng dụng giao diện lập trình (API) - công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. 

Ngân hàng mở giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng. Điển hình, các ngân hàng thương mại hiện đại hóa công nghệ đa tiện ích như mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code… Nền tảng Open banking đã góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống như thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến… Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu của khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng của khách hàng một cách chính xác. Có thể thấy ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Chính vì vậy, mô hình này thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, gây áp lực và buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng cường các dịch vụ tài chính hoặc hợp tác với các công ty Fintech.

Tổng Thư ký HHNH cho biết, ngân hàng mở là một trong những dấu ấn quan trọng trong quá trình chuyển đổi công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng thông minh, cởi mở, đưa ra những cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng. Kết quả đạt được là rất tích cực, tuy nhiên cũng còn có những rủi ro có thể xảy ra vì sự cởi mở của mô hình này. Vì vậy, các ngân hàng đang xem xét, chuẩn bị tốt để có thể ứng phó với các rủi ro đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề khó đoán định; đặt ra sự cần thiết phải xây dựng các cơ chế phát hành và cách ly đảm bảo tính bền vững của API.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, phá sản, đóng cửa của các doanh nghiệp, chưa kể có thể tính đến cả các TCTD. Cuộc chiến chống COVID-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, gây đứt gãy dòng tiền, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống doanh nghiệp, các TCTD và nền kinh tế nói chung. Từ đó, mô hình ngân hàng mở vừa là cơ hội kinh doanh mới vừa là một thách thức đối với các ngân hàng trong khoảng thời gian này. Nó thúc đẩy các ngân hàng tại Việt Nam bước vào công cuộc chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.

Khắc phục những khó khăn và vướng mắc trên, việc đẩy mạnh hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất, cho phép ngân hàng thương mại được khai thác, phục vụ quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng là hết sức cần thiết. 

Chia sẻ tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, HHNH, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV Trần Phương cho biết, chuyển đổi số và dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng sang hệ sinh thái mở với việc ứng dụng Open Banking đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Do đó, một mặt, các NHTM cần chủ động và tích cực trong quá trình chuyển đổi số nói chung và phát triển ngân hàng mở nói riêng. Nhưng mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đồng hành trong việc hình thành các cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp. Ông Phương cho biết Ủy ban Chính sách, HHNN luôn mong muốn đóng góp những ý kiến tham mưu cho NHNN, các bộ ngành xây dựng chính sách phù hợp, thúc đẩy thị trường phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, hội thảo với chủ đề hết sức thiết thực bắt kịp xu thế hiện nay. Các ý kiến phát biểu đều rất tâm huyết, chia sẻ những vấn đề cụ thể, thiết thực, đặt ra những câu hỏi, những vấn đề khá hóc búa phải kịp thời giải quyết để xây dựng ngân hàng mở tại Việt Nam. Đó là, Dữ liệu thì chia sẻ cái gì, quyền và trách nhiệm của mỗi bên thế nào? Dịch vụ nào cần phải có điều kiện, còn dịch vụ nào thì không? Bên thứ ba là những ai, và được làm cái gì? Theo Phó Thống đốc, các nội dung của hội thảo cũng là nội dung mà NHNN quan tâm, sẽ tiếp tục nghiên cứu, bởi lẽ nếu không hiểu thấu đáo thì không ban hành văn bản quản lý. Các phát biểu đã đi đúng trọng tâm của chủ đề đặt ra, vì thế để triển khai được Open Banking cần có sự vào cuộc của nhiều bên. Open Banking là lĩnh vực hoàn toàn mới, trong đó khâu then chốt là Open API. Với tư cách là phương thức kỹ thuật để các bên giao tiếp thì API cần có các quy định hướng dẫn, không có Open API thì sẽ không có Open Banking. Theo Phó Thống đốc, hiện trạng khuôn khổ pháp lý về ngân hàng mở tại Việt Nam đã có nhưng chưa đầy đủ, được quy định rời rạc tại một số điều trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc bảo mật thông tin khách hàng; Tại Nghị định số 117/2018/NĐ-CP quy định khách có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin của chính khách hàng theo thỏa thuận giữa các bên và phù hợp với quy định của pháp luật; Và một số Nghị định quy định xử lý vi phạm về thông tin cá nhân. Điều quan tâm nhất là HHNH phối hợp với các Vụ, Cục NHNN góp ý vào dự thảo các Nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về định danh và xác thực điện tử, để khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống một cách thực chất. 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung xoay quanh ngân hàng mở, bài toán đặt ra đối với hệ thống các ngân hàng Việt Nam, kinh nghiệm triển khai tại NHTM trong nước, hành lang pháp lý về ngân hàng mở tại Việt Nam… Các diễn giả nước ngoài cũng chia sẻ nhiều nội dung hữu ích liên quan tới việc phát triển ngân hàng mở từ góc nhìn khu vực, phát triển ngân hàng mở và khung chính sách toàn cầu, APIs, thương mại, tin cậy và kết nối…

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực