An Giang: Tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng

Thứ năm, 18/04/2013 17:44

Ngày 17/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành và doanh nghiệp An Giang về giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: baohatinh.vn)


An Giang là tỉnh có diện tích và dân số lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với 3 sản phẩm chủ lực là lúa, cá và hoa màu. Bằng nhiều nỗ lực, tỉnh An Giang đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm bằng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết 4 nhà, triển khai chuỗi liên kết sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP, VietGAP... Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, An Giang luôn gặp khó khăn về sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân còn do tác động từ nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, phát vay thấp, thời hạn vay ngắn, lãi suất cao, nợ xấu...

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương có giải pháp giúp An Giang cũng như khu vực ĐBSCL, như có chính sách đầu tư hệ thống kho chứa; bổ sung 2 đối tượng cá thể và hộ kinh doanh được gia hạn, giãn nợ và cơ cấu lại định mức lãi suất vay. ĐBSCL cũng như tỉnh An Giang hiện rất cần nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, bởi đây là vùng nông nghiệp chu kỳ cho sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm là dài hạn, nhưng đa số các ngân hàng chỉ áp dụng vốn vay ngắn hạn nên cần tăng tỷ lệ vốn trung, dài hạn cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn kéo dài thời gian qua, nên năng lực tài chính của các doanh nghiệp thấp, mô hình sản xuất thay đổi liên tục, thị trường xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp như Công ty Angimex, Công ty XNK Thủy sản Cửu Long, Công ty XNK Thủy sản Thuận An... rất cần được vay ngoại tệ, giảm lãi suất và tăng thời gian vay vốn ngắn hạn từ 3 tháng lên 10 tháng đến 1 năm. Theo thống kê, tỉnh An Giang hiện có 49 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng, đề nghị Trung ương mở đại lý kinh doanh vàng và điểm giao dịch tín dụng đến tận địa bàn vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho giao dịch của người dân.

Tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, nguồn vốn hiện nay và sắp tới là không thiếu nhưng phải chi đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh An Giang hoạt động tốt, vẫn tiếp cận được nguồn vốn vay và lãi suất ưu đãi, tuy nhiên còn một số doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng sẽ xem xét lại số lượng và cơ cấu nguồn vốn, lãi suất. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng địa phương chú trọng cho vay mặt hàng mới với mức vốn và lãi suất hợp lý, nhằm tiết giảm chi phí cho người sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu bằng cách phối hợp với các bộ, ngành liên quan, triển khai đầu tư kho bãi cho cây lúa và con cá; điều chỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ tập trung đầu tư phương tiện kỹ thuật, cơ giới còn đang bất cập hiện nay. Ngân hàng Nhà nước sẽ cơ cấu vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất 3 tháng hay 6 tháng. Hiện nguồn vốn vay chủ yếu ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước cho phép huy động 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn nếu dự án đầu tư thật sự hiệu quả. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu vốn bằng ngoại tệ là thuận lợi cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, Ngân hàng không thiếu nguồn vốn cho nhu cầu thực tế. Mặt khác nhiều ngân hàng còn có giải pháp khác cho vay bằng đồng Việt Nam qui đồng ngoại tệ nhưng có lãi suất thấp...

Trong dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam đã trao 7 tỷ đồng hỗ trợ chính sách an sinh xã hội cho tỉnh An Giang./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực