Bình ổn thị trường ở TP Hồ Chí Minh-công cụ điều tiết giá hữu hiệu

Chủ nhật, 31/03/2013 18:24

Một điểm bán hàng thiết yếu bình ổn giá ở
Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: vietnamplus.vn)

TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước. Thành phố không chỉ lo nguồn hàng hóa đảm bảo cung cầu cho hơn 10 triệu dân với sức tiêu thụ tăng trưởng 28%/năm, mà còn là đầu mối cung ứng hàng hóa cho các tỉnh lân cận.

Thực tế cho thấy Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu mà thành phố đã tập trung thực hiện trong 10 năm qua đã đã thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, thiết thực, định hướng dẫn dắt thị trường, mặt hàng chọn lựa đáp ứng nhu cầu, lượng hàng hóa dồi dào chi phối thị trường, phong phú, đa dạng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Chương trình này còn góp phần đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, với giá cả hợp lý, tạo được niềm tin lớn lao đối với người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của thành phố. Mặt khác, Chương trình cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn thấp hơn mức tăng của cả nước. Riêng năm 2012 thành phố chỉ có mức tăng 4,07% so cả nước tăng 6,81%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của thành phố trong 10 năm trở lại đây, đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế.

* Tạo sức lan tỏa lớn

Bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định: Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chương trình bình ổn thị trường hiện nay đã đi vào chiều sâu, tạo được sức lan tỏa lớn. Chương trình ngày càng hoàn thiện, từng bước chuyên nghiệp hóa về nhiều mặt, từ cơ chế chính sách, phương thức điều hành và sự lớn mạnh về quy mô. Từ 1 chương trình bình ổn triển khai năm 2002, 10 năm sau, thành phố đã nâng lên 4 chương trình thực hiện song song, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau, gắn với 4 nhóm hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân là: lương thực-thực phẩm, sữa, dược phẩm và mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học, với tổng số lên tới hơn 350 mặt hàng khác nhau.

Điểm nhấn của Chương trình hiện nay là đã từng bước được xã hội hóa rất cao. Từ 2 doanh nghiệp tham gia năm 2002, đến nay đã có 48 doanh nghiệp tham gia Chương trình. Trong 4 chương trình bình ổn đã có 2 chương trình mà các doanh nghiệp tự nguyện tham gia, hoàn toàn không nhận vay lãi suất ưu đãi của nhà nước. 2 chương trình còn lại cũng đã có nhiều doanh nghiệp không nhận hoặc chỉ nhận một phần vốn ưu đãi của thành phố. Riêng trong năm 2012, tổng nguồn vốn cho vay thực hiện bình ổn là 282 tỷ đồng, giảm 155 tỷ đồng so với năm trước. Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn trong năm chiếm bình quân khoảng 25% - 40% nhu cầu của thị trường và tăng trung bình 15% - 30% so với năm 2011.

Đến thời điểm này, toàn thành phố đã có 6.439 điểm bán hàng bình ổn, trong đó chỉ riêng năm 2012 đã phát triển thêm được tới 2.448 điểm bán mới, đồng thời tổ chức trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động đến các khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Hàng bình ổn cũng đã vào các trường học, công ty trên địa bàn thành phố sử dụng trong bếp ăn tập thể, cung cấp bữa ăn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp cho công nhân, học sinh.

* Hiệu quả thiết thực

Rõ ràng là Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu đã ngày càng tạo được uy tín, niềm tin với người tiêu dùng thành phố vì đáp ứng nhu cầu thiết thực cuộc sống người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công-Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Chương trình bình ổn có quy mô lớn nhất là chương trình lương thực-thực phẩm thiết yếu với 9 mặt hàng là gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản.

Phần vốn cho các doanh nghiệp vay chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với số vốn doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất tạo nguồn hàng thiết yếu, các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi tham gia chương trình, luôn chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 2,3 lần kế hoạch. Riêng trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, các doanh nghiệp đã chuẩn bị một lượng hàng hóa lên đến 6.681 tỷ đồng, trong đó lượng hàng hóa phục vụ bình ổn là 3.436 tỷ đồng tăng 21,4% so với Tết Nhâm Thìn. Trong dịp này, các hệ thống phân phối đã giảm giá gần 3.000 mặt hàng thiết yếu từ 10% đến 49%.

Chương trình bình ổn mặt hàng sữa cũng đã phát huy tác dụng tích cực. Giá bán các mặt hàng sữa được các doanh nghiệp tham gia đăng ký giữ giá ổn định trong cả năm. Mức giá này không chỉ áp dụng cho thị trường thành phố mà còn thực hiện rộng rãi trên cả nước. Chương trình đã tạo sức lan tỏa, dẫn dắt giá cả thị trường. Biểu hiện rõ nét nhất, kể từ khi thành phố triển khai chương trình bình ổn sữa, ngay lập tức tần xuất tăng giá của các nhãn hiệu sữa ngoại nhập giảm dần.

Cụ thể năm 2010 (chưa thực hiện Chương trình) các nhãn hiệu sữa ngoại điều chỉnh giá 6 lần, mỗi lần tăng bình quân khoảng 3%-7%, thì trong năm 2011 điều chỉnh 2 lần tăng, tổng cộng mức tăng bình quân từ 15% - 34% tùy loại sữa, năm 2012 các mặt hàng sữa ngoại chỉ điều chỉnh 1 lần với mức tăng từ 5% đến 10%; lượng hàng cung ứng của các doanh nghiệp đã đạt 135,1% so với chỉ tiêu, doanh số các mặt hàng sữa bình ổn tăng bình quân 20%-50% so với năm trước.

* Những giải pháp dài hạn

Để Chương trình bình ổn ngày càng đạt hiệu quả cao, mang tính dài hạn, thành phố đã triển khai các đề án: Đề án phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng bình ổn; Chương trình phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; Chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) kết nối cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển thị trường nội địa. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả không để xảy ra hiện tượng găm hàng tạo khan hiếm hàng hóa trên thị trường.

Trong năm 2013, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, TP Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình này với nhiều điểm mới: Ngoài các DN sản xuất kinh doanh thuộc nhóm hàng bình ổn, có bổ sung các tổ chức tín dụng tham gia chương trình. Thành phố cũng thực hiện kết nối giữa DN và tổ chức tín dụng để giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp. Cùng với việc này, thành phố hỗ trợ DN tham gia chương trình kích cầu mở rộng chuồng trại, chăn nuôi, đầu tư con giống, đổi mới công nghệ; hỗ trợ kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối; hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Cơ chế giá điều chỉnh cũng được thực hiện linh hoạt với giá bán luôn thấp hơn giá thị trường 5% -10%...

TP Hồ Chí Minh tin rằng với sự đồng lòng của người tiêu dùng, sự năng động của các DN, sự phối hợp của các cơ quan truyền thông, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và sự nhạy bén, linh hoạt của các cấp, các ngành, thành phố sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc ổn định thị trường, tích cực góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống cho người dân thành phố ngày càng tốt hơn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực