Cần có cái nhìn công bằng hơn đối với thị trường chứng khoán

Thứ ba, 02/08/2011 17:23
 

 Ảnh minh họa (nguồn hanoimoi.com.vn)

(ĐCSVN)- Năm 2008, đã xảy ra khủng hoảng tài chính ở khu vực, tác động lớn đến thị trường chứng khoán (TTCK) của Việt Nam. Mặt khác, bất ổn kinh tế vĩ mô đang hiện hữu đã khiến nguồn tiền vào TTCK bị suy giảm mạnh. Trước bối cảnh đó, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách với mong muốn có một cái nhìn công bằng hơn đối với TTCK nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức mà TTCK Việt Nam đang gặp phải.

 

Thực trạng và những khó khăn TTCK đang đối mặt

Có thể nói, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu được tích tụ tại Mỹ nhiều năm trước khi chính thức nổ ra năm 2008 đã có tác động mạnh tới kinh tế tài chính và thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới. Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao tại nhiều nước đang phát triển cũng như một số nước phát triển, lạm phát khiến dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng ngày càng bị hạn chế. Việt Nam cũng không năm ngoài sự ảnh hưởng nặng nề trên. Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong vòng 3 năm trở lại đây, các năm 2008, 2009, 2010 lần lượt là 6,3%, 5,3% và 6,7%; 6 tháng đầu năm 2011, tăng trưởng ở mức 5,57% thấp hơn nhiều so với mức bình quân 8% trong 5 năm trước đó.

Hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và các công ty niêm yết gặp nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp trong khi chi phí đầu vào tăng cao (giá nguyên vật liệu đầu vào và lãi suất ngân hàng tăng), khó tiếp cận và huy động vốn trên cả thị trường tín dụng và TTCK.

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước như trên, TTCK được coi là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, đã phản ánh khá xác thực tình hình kinh tế vĩ mô, đà tăng trưởng kinh tế, các tác động chính sách vĩ mô cũng như diễn biến TTCK quốc tế. Nhìn lại toàn cảnh bức tranh TTCK trong gần 3 năm trở lại đây có thể thấy tuy chưa có những đổ vỡ như đã xảy ra ở nhiều nước, nhưng những khó khăn dường như chưa được cải thiện.

Trong những tháng đầu năm 2011, TTCK tiếp tục có xu hướng sụt giảm. Tính đến hết tháng 4, chỉ số VNIndex giảm 4,58 điểm, và chỉ riêng tháng 5 đã xuất hiện sự sụt giảm mạnh, giảm tới 58,71 điểm do lo ngại từ vấn đề giải chấp nhằm đáp ứng yêu cầu về giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất của Ngân hàng Nhà nước xuống 22% vào cuối tháng 6 . Trong tháng 6, chỉ số VNIndex có sự phục hồi so với tháng 5, VNIndex tăng 5,2% do áp lực giải chấp đã được giải tỏa phần nào. Tuy nhiên, tính từ đầu năm cho tới cuối tháng 6 VNIndex giảm 10,5% so với cuối năm 2010. Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mỗi phiên trong 6 tháng đầu năm khoảng 1.164 tỷ đồng, bằng 47% so với mức bình quân năm 2010. Mức vốn hóa cuối tháng 6 đạt 686 nghìn tỷ đồng, giảm 40 nghìn tỷ đồng; mức vốn hóa so với GDP giảm xuống 36% từ mức 39% cuối năm 2010. Huy động vốn qua TTCK cũng gặp khó khăn do TTCK giảm sút và mặt bằng lãi suất tăng cao. Tính chung 6 tháng, vốn huy động qua trái phiếu của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2010, chiếm gần 90% tổng vốn huy động qua TTCK từ đầu năm.

Vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu cũng chỉ đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% và vốn huy động qua đấu giá cổ phần hóa đạt 0,56 nghìn tỷ đồng, bằng 68% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng sụt giảm. Cho đến cuối tháng 6, có khoảng 46% các công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn mệnh giá và 74% các công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách; có 45% các công ty niêm yết có hệ số P/E thấp hơn 5. Do giá chứng khoán và khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh nên nhiều công ty chứng khoán thua lỗ; hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới cũng không hiệu quả do thu không đủ bù chi; hoạt động tư vấn đầu tư, phát hành , niêm yết, bảo lãnh cũng bị thu hẹp.

Cần có một cái nhìn công bằng hơn đối với TTCK

Trước bối cảnh trên, UBCK Nhà nước đã khuyến nghị các cấp hoạch định chính sách cần có một cái nhìn công bằng hơn đối với TTCK. Thực tế phát triển TTCK 11 năm qua cho thấy TTCK đã trở thành 1 kênh phân phối và huy động vốn ngày càng hiệu quả cho doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng. Chỉ tính riêng trong năm 2010, hệ thống ngân hàng đã huy động hơn 45 nghìn tỷ đồng để tăng vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ. Không có TTCK thì những doanh nghiệp như STB, ACB, SSI, HAG, VIC... không thể tăng trưởng quy mô nhanh chóng để trở thành doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia và vươn ra khu vực như hiện nay. Do vai trò ngày càng được khẳng định của TTCK trong việc huy động vốn mà số lượng công ty niêm yết đã không ngừng tăng lên, qua đó làm tăng tính công khai, minh bạch và chất lượng quả trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, theo hướng chặt chẽ, thận trọng nhưng vẫn bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

UBCK đề xuất,  Ngân hàng Nhà nước không nên quy định mức tăng trưởng cho vay hoạt động chứng khoán như nhau đối với các tổ chức tín dụng, mà chỉ hạn chế đối với các ngân hàng không đạt các tiêu chí an toàn.

Theo Chỉ thị 01 của NHNN, đến 30/6 các tổ chức tín dụng cần thực hiện đúng giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất về 22% và đến cuối năm là 16%. Nếu không thực hiện đúng quy định, NHNN sẽ bị áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng gấp đôi và hạn chế mở rộng kinh doanh.

UBCK Nhà nước cũng khuyến nghị cần có những giải pháp hợp lý về thuế nhằm hỗ trợ cho hoạt động của TTCK. Cụ thể, ngoài các giải pháp trước mắt nhằm miễn giảm tạm thời thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán mà Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề trình Quốc hội, thì trong khi chưa đánh thuế vào tiền lãi ngân hàng, nên bỏ thuế 5% trên thu nhập từ cổ tức do đây là thu nhập sau thuế của doanh nghiệp (đã chịu thuế TNDN), khi doanh nghiệp chi trả cổ tức (bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu) thì đều có tác động đến giá cổ phiếu giảm; loại bỏ thuế đánh vào cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu vì đây thực chất đây chỉ là một hình thức chia tách cổ phiếu, không đem lại thu nhập cho cổ đông. Mặt khác, cần mở rộng diện không chịu thuế GTGT đối với các dịch vụ tài chính hợp pháp của các công ty chứng khoán.

Ngoài ra cần, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước để cung cấp hàng hóa chất lượng cao cho thị trường (xử lý các vướng mắc như vấn đề thuê đất, chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài...).

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực