Cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trên ATM

Thứ năm, 28/02/2013 19:29

 

 Ảnh minh họa. (nguồn: H.A)

(ĐCSVN)Ngày mai (1/3/2013), Thông tư số 35/2012/TT-NHNN về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực. Bày tỏ quan điểm về chủ trương này, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam khẳng định “quy định này đã hài hòa lợi ích giữa các ngân hàng và khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa”.

Cơ sở cho việc tạo thêm nguồn thu từ hoạt động thẻ

Tại Thông cáo báo chí ngày 27/2 của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam nêu rõ: Thông tư số 35/2012/TT-NHNN (Thông tư 35) về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa ban hành ngày 28/12/2012, của NHNN là cơ sở cho việc có thể tạo thêm nguồn thu từ hoạt động thẻ nhằm bù đắp một phần chi phí đầu tư, vận hành hệ thống đối với ngân hàng thương mại (NHTM).

Cụ thể, Thông tư 35 có hiệu lực từ ngày 01/03/2013 đã đưa ra biểu khung mức phí áp dụng đến chủ thẻ đối với đầy đủ các loại giao dịch trên ATM của thẻ ghi nợ nội địa, gồm từ phí phát hành thẻ, phí thường niên đến phí các giao dịch rút tiền, vấn tin, in sao kê, chuyển khoản trên ATM. Ngoại trừ giao dịch vấn tin tài khoản (không in chứng từ) không được phép thu phí, mức phí đối với các giao dịch còn lại đều có mức trần và mức sàn nhằm cho phép các Ngân hàng chủ động và linh hoạt xây dựng biểu phí phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh thẻ của mình…

Điểm đặc biệt trong Thông tư 35 là có cho phép các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng (giao dịch trên máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ). Mức phí áp dụng trong năm 2013 là từ 0 – 1.000 đồng/giao dịch, từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và từ 0 – 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi. Dựa trên khung phí này, các NHTM sẽ xây dựng mức phí rút tiền mặt nội mạng trên ATM phù hợp với đặc thù của ngân hàng mình. Quy định này đã hài hòa lợi ích giữa các ngân hàng và khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa.

Cũng theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, hơn 10 năm kể từ ngày bắt đầu triển khai hệ thống ATM, nhằm tạo điều kiện cho người dân làm quen với dịch vụ thẻ, nhiều NHTM đã miễn các loại phí sử dụng dịch vụ thẻ ATM cho khách hàng, chấp nhận lỗ để mở rộng mạng lưới và dần nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như gia tăng tiện ích về thẻ. Đây là áp lực rất lớn đối với NHTM, đặc biệt là các ngân hàng có mạng lưới ATM rộng khắp. Điều này ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển mạng lưới ATM cũng như đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cung cấp cho khách hàng.

Được biết, hiện nay thị trường thẻ Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể với 50 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia thị trường, phát hành khoảng 50 triệu thẻ ghi nội địa và có số lượng máy ATM là 15.000 máy.

Hài hòa lợi ích giữa các ngân hàng và khách hàng sử dụng

Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến nay, việc cho phép các NHTM thu phí tuy chỉ ở mức phí rất thấp so với các chi phí bỏ ra sẽ tạo động lực cho các Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào hoạt động thẻ nhằm mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Bản thân sự tích cực của các Ngân hàng trong việc mở rộng hoạt động thẻ sẽ là điều kiện cần để thúc đẩy thị trường thẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Không những thế, quy định mức sàn là 0 đồng/giao dịch còn khuyến khích các NHTM chủ động đưa ra các chính sách phí hợp lý nhất nhằm thu hút khách hàng căn cứ vào thực tế hoạt động kinh doanh thẻ của mình.

Đối với khách hàng, Thông tư 35 như một công cụ để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi quy định mức phí tối đa mà ngân hàng được thu đối với các giao dịch thực hiện trên ATM. Mặc dù chi phí trung bình các NHTM bỏ ra cho mỗi giao dịch ATM của các Ngân hàng hiện tại lên đến 9.000 VNĐ nhưng nhằm chia sẻ với người dân trong tình hình kinh tế khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã quy định mức phí rút tiền mặt tối đa là 1.000 VNĐ. Hiện nay, các NHTM đã và đang tích cực phát triển, cung cấp tới khách hàng nhiều công cụ thanh toán không dùng tiền mặt (như phát triển mạng lưới POS, triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử…), từ đó khuyến khích khách hàng hạn chế rút tiền mặt mà chuyển sang thanh toán bằng thẻ. Các biện pháp này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam theo đúng tinh thần và chủ trương của Chính phủ.

Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, ngay khi Thông tư 35 được ban hành, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam đã có trao đổi và thống nhất tới tất cả các thành viên nhằm triển khai hợp lý, đúng tinh thần Thông tư, đồng thời đảm bảo hài hòa quyền lợi của khách hàng và ngân hàng. Theo đó, căn cứ hiệu quả hoạt động dịch vụ thẻ của từng ngân hàng, các thành viên của Hội thẻ sẽ xây dựng và ban hành công khai biểu phí phù hợp với tình hình kinh doanh thẻ của mình, đặc biệt là phí giao dịch rút tiền nội mạng trên ATM. Biểu phí này sẽ đảm bảo tuân thủ biểu khung mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa ban hành theo Thông tư 35.

Song song với việc ban hành biểu phí hợp lý, các ngân hàng sẽ tập trung thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trên ATM, đặc biệt trong việc quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động ATM, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực